Dưới đây là loạt chiến lược được xem là sáng tạo và ấn tượng được các cửa hàng bán lẻ đưa ra để “dụ” khách hàng mua nhiều và nhanh hơn.
1. Thường xuyên thay đổi vị trí các sản phẩm
Các cửa hàng, siêu thị bán lẻ thường xuyên thay đổi vị trí các sản phẩm để khiến bạn phải đi lòng vòng, tìm kiếm các kệ hàng và cuối cùng sẽ mua nhiều đồ hơn.
2. Giao hàng miễn phí
Được giao hàng miễn phí (khi mua hàng ở siêu thị hay trực tuyến) giúp bạn tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Nếu như các cửa hàng hay web trực tuyến chỉ giao miễn phí với các đơn hàng có giá trị nhất định, bạn thường sẽ cố mua cho đủ mức đó để được giao miễn phí.
Và điều này khiến bạn phải chi nhiều hơn so với dự định ban đầu. “Đa số mọi người thà trả thêm tiền để mua những thứ mình không cần còn hơn trả phí giao hàng”, chuyên gia tài chính cá nhân Andrea Woroch chia sẻ với Business Insider.
3. Làm phần lỗ ở lọ thuốc nhỏ mắt quá lớn
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận ProPublica, nguyên nhân nước nhỏ mắt thường chảy ra quá nhiều khi bạn sử dụng là bởi các công ty thuốc thiết kế phần lỗ quá lớn. Nói cách khác, bạn sẽ lãng phí một nửa lượng nước nhỏ mắt mỗi khi dùng và nhanh phải mua lọ mới hơn.
4. Cho phép trả lại hàng miễn phí
Đây không chỉ là một chiến lược “tốt bụng” mà còn rất thông minh của các cửa hàng hay web thương mại điện tử. Một nghiên cứu của Journal of Marketing năm 2012 đã theo dõi thói quen của các khách hàng của 2 hãng bán lẻ trực tuyến trong vòng 49 tháng. Kết quả ch o thấy sau khi chính sách trả lại hàng miễn phí được áp dụng, mức chi tiêu trung bình của mỗi khách hàng tăng khoảng 620 USD trong vòng 2 năm tại một hãng và khoảng 2.500 USD ở một hãng khác.
5. Theo chân bạn khắp nơi trên mạng Internet với các “quảng cáo nhắc nhở”
Tháng 1/2018, Google tung ra một tính năng mới cho phép người dùng tắt các “quảng cáo nhắc nhở” trên các websites và ứng dụng. Đây là những quảng cáo về một sản phẩm bất kỳ mà người dùng Internet đã tìm kiếm hay xem ở đâu đó vài ngày trước và liên tục theo dấu họ khắp nơi khi họ truy cập mạng.
Tuy nhiên, theo Guardian, người dùng không thể tắt tự động tất cả quảng cáo nhắc nhở, mà phải tắt riêng từng trường hợp. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ vẫn được “nhắc nhở” về những thứ bạn từng xem và muốn mua (nhưng không cần), và một ngày nào đó, bạn có thể “mắc bẫy” mà mua chúng.
6. Đưa ra ống hút cỡ lớn để bạn uống nhanh hơn
Theo một đăng tải trên trang Reddit, một số chủ nhà hàng, quán bar sử dụng ống hút cỡ lớn để khách hàng uống nhanh hơn và sau đó mua thêm các món uống khác.
7. Cố tính làm chậm điện thoại cũ
Apple từng bị tố cố tình làm chậm các iPhone đời cũ để buộc người dùng phải “nâng đời” thiết bị. Hãng này sau đó thừa nhận đã cố tình làm giảm hiệu năng máy qua các bản cập nhật để giữ iPhone an toàn, tránh bị tắt đột ngột do pin chai. Tuy nhiên, với khách hàng, giải pháp rõ ràng để giải quyết vấn đề này là mua điện thoại mới.
8. Khuyến khích bạn mua thực phẩm cả lố
Về lý thuyết, việc mua thực phẩm theo cả lố sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, nếu như bạn không thể sử dụng hết số thực phẩm đó khi chúng còn dùng được và phải bỏ đi thì đây lại là điều gây lãng phí.
9. Quảng cáo về những đợt bán giới hạn
Thông thường, mọi người có xu hướng mua ngay thứ gì đó khi biết rằng ngày mai sản phẩm đó sẽ không còn. Các nhà tâm lý học gọi đây là nguyên tắc khan hiếm.
10. Phát đồ ăn thử miễn phí
Về cơ bản, bạn không có nghĩa vụ phải mua mọi thứ đã ăn thử trong siêu thị. Tuy nhiên, mọi người thường có cảm giác tội lỗi khi ăn thử mà không mua.
Nhà tâm lý học Robert Cialdini gọi đây là “nguyên tắc có đi có lại”: Nếu ai đó làm điều đó tốt với bạn, bạn có xu hướng làm gì đó tốt lại với họ. Theo một khảo sát của Tạp chí Tâm lý Xã hội Ứng dụng vào năm 2002, những khách hàng được nhân viên phục vụ mời ăn chocolate thưởng tiền (boa) nhiều hơn 21% so với những người không được mời ăn.
(Theo Zing)