Chiến lượcQuản trị
3 yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp trường tồn
Hội thảo “Tư duy người chủ” vừa diễn ra tại TP HCM đã thu hút sự tham dự của khoảng 450 chủ doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại TP HCM và các vùng lân cận tham dự.
Tại hội thảo, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã chia sẻ những kinh nghiệm đã được ông đúc rút từ thực tế quản trị trong gần 30 năm điều hành FPT và những chuyến hội thảo thế giới.
Theo ông, dù là một công ty startup hay đã phát triển, trong thời đại này để doanh nghiệp phát triển trường tồn, người lãnh đạo cần có 3 yếu tố: Khát vọng cháy bỏng, Ám ảnh khách hàng và Tư duy người chủ.
1. Khát vọng cháy bỏng
Muốn biết có khát vọng cháy bỏng hay không, một cá nhân khi khởi nghiệp hay đứng trước một suy nghĩ về sự thay đổi hãy tự hỏi 2 câu “Sứ mệnh lập ra công ty là gì?” “Sứ mệnh đó đã trở thành khát vọng hay chưa?”. Nếu có, hãy thực hiện. Còn nếu không, không nên thực hiện vì khi gặp khó khăn sẽ từ bỏ.
Chỉ khi có đam mê, khát vọng mang lại cho xã hội, khách hàng những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất, bạn mới có động lực để vượt qua mọi thất bại, đi đến thành công.
2. Ám ảnh khách hàng
Khách hàng luôn là trung tâm của mọi hoạt động kinh doanh. Do đó, người làm kinh doanh phải thấu hiểu, đoán biết được họ thật sự muốn gì. Để làm điều này thì các doanh nghiệp phải có sự tôn trọng khách hàng, phục vụ với thái độ tận tâm, có sự tương tác tốt. Từ đó doanh nghiệp sẽ tạo nên sự khác biệt thu hút khách hàng đến với mình.
Một người chủ, một nhân viên càng ám ảnh khách hàng bao nhiêu thì càng phục vụ khách hàng tốt hơn với thái độ tận tâm. Những dịch vụ làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái nhất, gần gũi nhất với sinh hoạt của họ như ở nhà, đó là cách đi vào lòng khách hàng.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp thường quan tâm đến “địch”, đối thủ cạnh tranh và coi đó là nỗi sợ hãi. Nhưng thay vào đó, hãy nghiên cứu đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình hay không? Đội quân bán hàng đã thật lòng quan tâm đến khách hàng của họ chưa?…
Không bao giờ xa rời khách hàng. Hãy luôn hỏi khách hàng một cách ngẫu nhiên, nhẹ nhàng, cởi mở như trò chuyện thật nhiều câu hỏi với khách hàng của bạn chứ đừng làm ra các bộ câu hỏi rườm ra, cứng nhắc như đi nghiên cứu thị trường.
3. Tư duy người chủ
Nếu như khát vọng cháy bỏng và ám ảnh khách hàng có thể dễ dàng truyền thông điệp cho nhân viên thi tư duy người chủ không phải nhân viên nào cũng lĩnh hội và làm tốt được như lãnh đạo của mình.
Doanh nghiệp nên và phải tìm ra được những nhân viên có tư duy làm chủ, tức là họ thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung ám ảnh khách hàng và từ đó tạo ra những nhóm đồng nhất; Cơ chế kiểm soát phải tạo ra sự thoải mái, trao quyền nhưng có sự kiểm soát thông minh; Cơ chế hậu kiểm là một cơ chế hay, linh hoạt được hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng; và trao quyền nhiều nhất ở bộ phận tiếp xúc nhiều với khách hàng.
Không phải ai cũng sẵn sàng coi đồng nghiệp là người thân và xem công việc đang làm là một phần việc “làm cho gia đình”. Nếu lãnh đạo không quản trị tốt được điều này, khi công ty phát triển đến một mức độ nào đó, sẽ rất khó để kiểm soát tiêu cực.
Nguồn: ICTNews