Câu chuyệnKinh doanh

85 tuổi vẫn làm nhân viên sale, khái niệm nghỉ hưu đang biến mất ở Nhật Bản

Lo lắng về gánh nặng chi phí phục vụ dân số già hóa, Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích các công ty giữ người cao tuổi ở lại lực lượng lao động lâu hơn bằng cách trợ giá cho những công ty sử dụng lao động trên 65 tuổi.

85 tuổi vẫn làm nhân viên sale, khái niệm nghỉ hưu đang biến mất ở Nhật Bản

Năm nay đã 85 tuổi nhưng bà Yoshiko Iida vẫn là người tạo ra các xu hướng. Bán kem chống nếp nhăn và các sản phẩm làm đẹp khác tại một cửa hàng mỹ phẩm thuộc chuỗi Pola ở ngoại ô Toyo, bà làm việc tới 6 ngày mỗi tuần và còn đang quản lý một đội các nữ nhân viên bán hàng mà tất cả đều đã quá tuổi nghỉ hưu. Nhưng cửa hàng này có doanh thu lớn hơn so với rất nhiều đại lý ở trong vùng.

“Chừng nào còn khỏe thì tôi vẫn muốn tiếp tục công việc này”, bà nói.

Nhật Bản là đất nước có hơn 1/4 dân số trên 65 tuổi cũng đồng nghĩa nhiều khách hàng của bà Iida nằm trong độ tuổi này. Một trong số họ, bà Tomoko Inoue, cho biết mình đã là khách hàng của bà Iida suốt 35 năm nay. Bà gọi bà Iida là “nguồn năng lượng” của mình.

Bà Iida chính là ví dụ cho thấy các công ty Nhật và cả các nhân viên của họ đang suy nghĩ lại về tuổi nghỉ hưu như thế nào. Lo lắng về chi phí phục vụ dân số già hóa, Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích các công ty giữ người cao tuổi ở lại lực lượng lao động lâu hơn bằng cách trợ giá cho những công ty sử dụng lao động trên 65 tuổi.

Ở Nhật, nhiều công ty lớn vẫn áp dụng 2 giai đoạn cho sự nghiệp của nhân viên. Theo đó người lao động phải nghỉ công việc được trả lương cao khi bước sang tuổi 60, sau đó họ có thể làm thêm 5 đến 10 năm nhưng với mức lương thấp hơn hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn.

Cách đối xử như vậy đồng nghĩa người lao động sẽ bị trả lương thấp hơn sau khi đã đi qua độ tuổi vàng. Nhưng một số công ty đang nhận ra rằng đó là cách suy nghĩ có phần thiển cận, đặc biệt là trong mảng kinh doanh. Điển hình như bà Iida, nếu những người cao tuổi dày dặn kinh nghiệm như vậy nghỉ việc, cửa hàng có thể mất đi 1 lượng lớn khách hàng mà họ đã dày công xây dựng mối quan hệ trong suốt mấy chục năm. Trong trường hợp này thì ai sẽ là người thuyết phục khách hàng tốt hơn – người trẻ hay người già?

Ở Pola, một thương hiệu của Pola Orbis Holdings, đội ngũ nhân viên sale có tổng cộng 42.000 người thì có khoảng 1500 người đã ngoài 70 tuổi trở lên, thậm chí có người đã ngoài 90 tuổi. “Họ đã làm việc ở đây từ rất lâu, với những mối quan hệ với khách hàng rất lâu bền ẩn chứa nhiều sự tin tưởng”, Miki Oikawa – người đang phụ trách mảng kinh doanh mỹ phẩm của Pola – nói.

Công ty chứng khoán Daiwa từng đặt giới hạn 70 tuổi cho đội ngũ nhân viên sale kỳ cựu giờ chuyển sang làm theo dạng hợp đồng, nhưng mới đây Daiwa đã dỡ bỏ giới hạn này. CEO Seiji Nakata cho rằng đội ngũ tư vấn trong độ tuổi 60 đến 80 sẽ dễ dàng tiếp cận với những khách hàng cao tuổi – nhóm khách tiềm năng nhất trên thị trường Nhật Bản vì họ đang nắm giữ nhiều tài sản tài chính nhất.

Năm 2016, khoảng 23% người Nhật từ 65 tuổi trở lên vẫn còn làm việc. Đây là tỷ lệ cao nhất trong nhóm các nước G7 và cao hơn 19% so với Mỹ, theo số liệu từ OECD.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều người Nhật cao tuổi đang làm những công việc lương thấp (gần bằng mức lương tối thiểu) như thu ngân ở cửa hàng tiện lợi. Những người từng làm những công việc quá đặc biệt cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều công ty dễ dàng đi đến kết luận rằng những lao động cao tuổi sẽ mắc nhiều lỗi và không có sự nhanh nhạy của người trẻ. Một số cho rằng giữ lại người lao động cao tuổi sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí đồng thời giảm cơ hội thăng tiến của thế hệ sau.

Công ty sữa chua uống Yakult Honsha không áp dụng quy định tuổi nghỉ hưu đối với nhân viên sale, và khoảng 5.000 người trên 60 tuổi (hầu hết là nữ) đang làm công việc tiếp thị sản phẩm đến từng ngôi nhà, từng văn phòng làm việc.

Những công ty như Yakult và Pola dễ dàng giữ lại người cao tuổi bởi nhân viên sale vốn được trả công phụ thuộc nhiều vào doanh số, đồng thời không có nhiều rủi ro khi người lao động cao tuổi đột ngột nghỉ việc vì lý do sức khỏe.

Trong trường hợp của bà Iida, rủi ro là không lớn. Bà đã tìm kiếm khách hàng suốt từ năm 1964 đến nay, khi bà bắt đầu sự nghiệp bằng việc chất đầy các sản phẩm của Pola trong 1 chiếc túi có nhiều ngăn và gõ cửa từng nhà.

Iida cho biết chồng bà muốn bà ở nhà để chăm sóc 2 đứa con, vì thế bà đã giấu chuyện đi làm trong một thời gian dài, trở về nhà trước giờ ăn tối và ăn trưa để chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà. Chuyện chỉ lộ ra khi em gái hỏi bà về tình hình cửa hàng ngay trước mặt chồng bà. May mắn là người chồng đã thay đổi suy nghĩ và còn khuyến khích bà tiếp tục công việc. Ông đã qua đời từ hơn 20 năm trước.

Theo Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close