Cách sốngSống

4 mẹo vượt qua căng thẳng cho giới startup

Kinh doanh, đặc biệt với cương vị chủ doanh nghiệp luôn là công việc căng thẳng nhất. Theo báo cáo của trường Đh.California, San Francisco, có đến 27% doanh nhân khởi nghiệp bị stress trầm trọng. Dù không có thời gian chăm sóc bản thân khi vừa khởi nghiệp, việc quản trị và giải quyết căng thẳng là yếu tố then chốt giúp doanh nhân ra quyết định đúng đắn và định hình tương lai doanh nghiệp sau này. Dưới đây là 4 mẹo đơn giản trong quản trị căng thẳng.

Hãy lo xa

“Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người không lo xa tất có nỗi ưu phiền gần); Để tránh rơi vào khủng hoàng vì stress, một doanh nhân khôn ngoan luôn ý thức về các bước ngoặt lớn của doanh nghiệp.

Cụ thể: Trước những cột mốc quan trọng, hãy tự trang bị nhiều thông tin cần thiết nhất có thể. Căng thẳng là bài toán dành cho “tinh thần”, nên cách giải cũng phải dựa trên yếu tố tinh thần. Với lượng thông tin đầy đủ, bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi đối mặt với những khoảnh khắc hiểm nghèo. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị trước cũng mang lại sự tự tin và an tâm, vốn là hai yếu tố “thiên địch” hiệu quả đối với căng thẳng.

Ví dụ, trước khi huy động vốn, hãy kiểm tra kĩ lưỡng tình hình tài chính của bạn, đánh giá tỉ lệ lãi suất thị trường và các yếu tố khác có liên quan. Khi chuẩn bị kí hợp đồng với khách hàng hay nhà đầu tư, hãy tham khảo lời khuyên từ các chủ doanh nghiệp, đối tác làm ăn của bạn và thu thập tất cả thông tin có thể giúp ích. Câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” là như vậy!

Đặt quyết tâm vững vàng

Khi căng thẳng xâm chiếm tinh thần cũng như thể xác, chẳng nhiều người trong chúng ta nhớ lại quyết tâm kinh doanh của mình. Dù vậy, chính sự quyết tâm mới là chìa khoá giải quyết lo âu. Sự quyết tâm là công cụ hữu hiệu giúp ta bình tĩnh suy xét cũng như tập trung giải quyết vấn đề trong những tình huống ngàn cân treo sợi tóc vì nó nhắc nhở cho ta điều quan trọng nhất: mục đích làm việc. Củng cố tinh thần với những quyết tâm mãnh liệt là cú huých tỉnh thức cho bất kì doanh nhân nào trên đường khởi nghiệp chông gai.

Dưới đây là 5 bước đơn giản bạn có thể thực hành ngay nếu không quen với việc đặt quyết tâm:

1. Lập danh sách các khuyết điểm của bạn (tự đánh giá và lấy ý kiến từ người thân). Tìm ra “điểm trừ” chung, xuyên suốt trong tất cả điều thu thập được, ví dụ: “Tôi sợ nói trước đám đông”. Hãy chú ý, khi nhắc đến khuyết điểm của mình, cơ thể bạn có biểu hiện gì. Khi “nói trước đám đông”, tim bạn có đập nhanh hay toát mồ hôi tay không?

2. Viết ra “lời quyết tâm” đanh thép của bạn với nội dung tích cực, ngược hẳn với khuyết điểm trên. Một câu nói bóng bẩy, mạnh mẽ có tác dụng tốt hơn. Trong trường hợp này, có thể viết: “Tôi đam mê diễn thuyết trước công chúng.”

3. Đọc lớn quyết tâm của bạn mỗi ngày ba lần, mỗi lần 5 phút vào các buổi sáng, trưa, chiều. Tốt nhất, hãy đọc khi nhìn vào gương.

4. Để quyết tâm ăn sâu vào tinh thần và cả thể xác, hãy đặt tay lên vùng cơ thể gắn liền với khuyết điểm ở bước 1. Khi đọc lớn quyết tâm, hãy đọc với tất cả cảm xúc của mình. Xúc cảm càng chân thật và mãnh liệt, thời gian sự quyết tâm cắm rễ tốt lành càng nhanh chóng.

5. Nhờ người thân, bạn bè “an ủi” và nhắc nhở bạn. Để chính họ nói với bạn rằng: “Bạn đam mê diễn thuyết trước công chúng.”

Tự động hóa tìm chi viện

Khi khởi nghiệp, các doanh nhân trẻ dễ rơi vào xu hướng ôm đồm, đích thân làm tất thảy mọi việc. Lí do có thể xuất phát từ thiếu nguồn lực nhưng phần nhiều đến từ tính cầu toàn: Doanh nhân trẻ luôn muốn tự kiểm soát chất lượng và giá thành sản phẩm mới an tâm.

Dĩ nhiên, kiểm soát chất lượng và giá thành không xấu, thế nhưng, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ nguồn lực bản thân của chúng ta luôn bị giới hạn. Để công việc được vận hành trơn tru, liên tục, trước sau gì doanh nghiệp cũng phải hướng đến tự động hoá và tìm kiếm thêm nguồn lực.

Ấy là chưa kể đến áp lực khổng lồ từ việc cố gắng có mặt trong mọi việc. Căng thẳng, lo âu đi đôi với hao phí nguồn lực bản thân chẳng chóng thì chày sẽ đình trệ việc kinh doanh của bạn. “Ôm đồm” đi ngược lại với cốt lõi của khái niệm kinh tế, đó là hao phí tài nguyên ít nhất nhưng lợi ích thu về phải lớn nhất.

Nếu chưa đủ tài lực thuê mướn nhân công hoặc trang bị dây chuyền tự động, doanh nghiệp vẫn có thể hướng đến việc đơn giản hoá các nhiệm vụ phức tạp và tập trung vào sáng kiến chủ chốt của mình.

Hiểu và đánh giá đúng căng thẳng

Căng thẳng, lo âu có muôn hình vạn trạng, không doanh nhân nào giống nhau. Thế nên, hiểu và đánh giá đúng mức độ, cường độ và tần suất căng thẳng cực kì quan trọng. Xác định đúng đắn trạng thái của bản thân là chìa khoá then chốt khi đương đầu và giải quyết căng thẳng.

Cách đơn giản nhất để giải quyết căng thẳng là khám bác sĩ hoặc nhờ chuyên gia tư vấn. Tuy vậy, thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân đối với doanh nhân khởi nghiệp luôn là điều thiếu thốn nhất mặc dù đấy là việc quan trọng hơn cả. Trên lập trường của một người kinh doanh, hãy quan sát sự việc dưới 1 góc độ khác.

Trong tác phẩm ăn khách nhất của mình “The 7 Habits of Highly Effective People” (7 Thói Quen Để Thành Đạt), Stephen R.Convey mang đến cho chúng ta một bài học vô cùng thực tế: “Sharpen your saw” (mài lưỡi cưa cho thật sắc).

Một lưỡi cưa sắc bén sẽ kéo gỗ tốt hơn nhiều lần một lưỡi cưa mòn vẹt. Công việc kinh doanh cũng như thế. Để đạt năng suất cao nhất, “công cụ” lao động luôn phải trong tình trạng tốt nhất! Làm sao chúng ta có thể khiến cho công việc kinh doanh phát đạt khi bản thân chúng ta, “công cụ” thiết yếu nhất lại luôn phải lao đao vì stress? Xin đừng xem nhẹ bất kì trạng thái căng thẳng nào, chúng luôn rình mò và có thể đánh gục bạn trong phút chốc mà thôi.

Hãy là doanh nhân sáng suốt thông qua việc hiểu đúng và đánh giá chính xác căng thẳng. Nếu bạn không có đủ thời gian để gặp trực tiếp bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn, hãy xem xét các liệu pháp trị liệu qua mạng. Nghe thật lạ lùng, thế nhưng những báo cáo khoa học gần đây đã chỉ ra có đến 64% doanh nhân sẵn sàng gặp mặt qua mạng với bác sĩ.

Kết luận

Căng thẳng cũng như áp lực công việc là vấn đề cực kì hóc búa với đại đa số chúng ta, đặc biệt với những doanh nhân trẻ. Hi vọng 4 mẹo quản trị căng thẳng đơn giản trên sẽ giúp cho những người lèo lái doanh nghiệp vững vàng hơn trước con đường gập ghềnh phía trước

LÊ DUY (Theo Forbes)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close