Doanh nghiệpKinh doanh
5 thành phần thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp
Doanh nghiệp càng lớn mạnh thì những ý tưởng mới, những giải pháp cấp tiến càng ít có cơ hội được thực thi.
Theo Avner Mor – đồng sáng lập, CEO Hãng phần mềm Dyadic Security, người có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao, hiện đang lãnh đạo một số dự án startup và nhiều đội ngũ đổi mới doanh nghiệp, dưới đây là 5 thành phần chính mà các nhà quản lý cấp cao nên sử dụng để thúc đẩy các dự án đổi mới thành công, bất chấp những điều kiện có thể không thuận lợi thường hiện diện trong các doanh nghiệp lớn:
1. “Giải phóng” các nhà lãnh đạo đổi mới
Những cuộc họp bàn kế hoạch chiến lược, sự nghiên cứu thị trường, lộ trình chi tiết để phát triển sản phẩm, dự báo hàng quý, kế hoạch kinh doanh trong 3 năm tới… chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy vậy, đôi khi cũng chính những hoạt động này và những chỉ số KPI có liên quan cũng góp phần làm hạn chế khả năng đột phá.
Người điều hành cấp cao nên “cởi trói” cho những nhà lãnh đạo đổi mới (những người lãnh đạo một hoặc nhiều chương trình đổi mới của doanh nghiệp) khỏi những khuôn mẫu thường nhật và cho phép họ áp dụng những phương pháp riêng, dù có khi những ý tưởng táo bạo của họ chưa thể định hình rõ ràng về sản phẩm/dịch vụ trong vòng nửa năm hoặc 1 – 3 năm tới.
2. Khuyến khích sự chấp nhận rủi ro
Việc tạo điều kiện cho những ý tưởng đột phá từ trong nội bộ để tạo ra những sản phẩm thương mại thành công và lợi nhuận bền vững phải được thử nghiệm theo từng bước nhỏ và lặp lại nhiều lần.
Mỗi bước thử nghiệm đều mang đến những thông tin mới về tính năng nổi trội nhất của sản phẩm hoặc cách thức hợp lý nhất để quảng bá ra thị trường. Và dĩ nhiên, mỗi bước thử nghiệm này đều phải đối mặt với sự không chắc chắn và rủi ro nhất định.
Các doanh nghiệp lớn có xu hướng không chấp nhận sai lầm. Thực ra khi đổi mới, sai lầm không có nghĩa là thất bại mà ngược lại còn là nguồn thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp tìm ra hướng đi hợp lý để cải thiện sản phẩm/dịch vụ. Về lâu dài, đây sẽ là con đường duy nhất để tạo ra sự đổi mới bền vững.
Do đó, không những phải chấp nhận, lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí còn nên tưởng thưởng và khuyến khích các nhân viên dám thách thức các giới hạn.
3. Hỗ trợ và bảo vệ từ bên trong
Hãy chắc chắn rằng những nhà lãnh đạo đổi mới của doanh nghiệp là người mạnh mẽ và biết cách hiện thực hóa sự đổi mới ngay cả khi có thể không nhận được sự đồng thuận của nhiều người.
Một người điều hành cấp cao của công ty cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ nhà lãnh đạo đổi mới này bằng cách thiết lập cho nhà lãnh đạo một “hòn đảo tự do” và dập tắt những xung đột ngay từ khi mới chớm phát sinh.
4. Tận dụng nguồn tài sản riêng của doanh nghiệp
Doanh nghiệp lớn có một nguồn tài sản vô giá mà các startup luôn ao ước, đó là những kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm hoạt động, danh tiếng thương hiệu, các mối quan hệ đối tác và khách hàng… Những tài sản này là “mỏ vàng” cho các chương trình đổi mới nhưng thường ít được phổ biến rộng rãi trong nội bộ doanh nghiệp.
Do đó, các nhà quản lý cấp cao phải đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu những tài sản trí tuệ đó với những người lãnh đạo các chương trình đổi mới, để họ có thể tận dụng nguồn tài sản riêng này để thúc đẩy sự đổi mới hoặc thay đổi những khuôn khổ cũ.
5. Tạo điều kiện tìm kiếm khách hàng
Sau khi thực hiện một chương trình đột phá mới, nhà lãnh đạo đổi mới phải nhanh chóng tìm kiếm những khách hàng đầu tiên – những người đưa ra phản hồi về sản phẩm, xác nhận mô hình kinh doanh mới có đúng đắn hay không và đem đến nguồn doanh thu ban đầu.
Tuy nhiên, việc tiếp cận những khách hàng hiện tại của doanh nghiệp thường bị cản trở bởi bộ phận kinh doanh, vì họ phải chịu áp lực doanh số trong ngắn hạn và không muốn bị các đồng nghiệp “cướp” khách hàng.
Một lần nữa, nhà quản lý cấp cao chính là giải pháp của vấn đề. Ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác nội bộ, nhà quản lý cấp cao còn có thể xem xét liên kết KPI lợi nhuận của chương trình đổi mới với hoa hồng doanh số bán hàng của bộ phận kinh doanh.
BÍCH TRÂM (theo Entrepreneur)/DNSG