Cách sốngSống

6 thói quen để trở nên thông minh hơn

Khả năng học hỏi, giải quyết vấn đề, tư duy logic, hiểu và nắm bắt kiến thức mới, kết hợp các ý tưởng, thực hiện mục tiêu… luôn khác nhau ở mỗi người. Nhưng khi tập trung tâm trí, chúng ta hoàn toàn có thể làm việc tốt hơn, nhanh hơn và thông minh hơn.

Cách đơn giản và trực tiếp nhất để trở nên thông minh là xây dựng kiến thức vững chắc về những vấn đề mình quan tâm. Còn đối với những chủ đề ngẫu nhiên và không khiến bản thân hứng thú, chúng ta thường phải tìm hiểu về chúng một cách khó khăn và gượng ép. Hầu hết mọi người đồng ý rằng đọc chính là một trong những cách hiệu quả để trở nên thông minh, nhưng phần lớn đều không thực sự nghĩ nhiều về cách mình học hỏi.

Thế giới đang thay đổi rất nhanh và ngày càng nhiều ý tưởng mới ra đời mỗi ngày. Việc nắm bắt những điều mới mẻ sẽ giúp bạn kết nối tốt hơn với thế giới. Vì vậy, hãy giữ một tâm trí luôn rộng mở với mọi thứ. Không phải tất cả những người thông minh đều thông minh bẩm sinh, mà hơn hết, họ liên tục phát triển trí óc mình mỗi ngày.

Trong bài viết trên Medium (website chuyên đăng tải nội dung về ý tưởng và những câu chuyện đáng chia sẻ của mọi người trên khắp thế giới) được CNBC dẫn lại, Thomas Oppong – nhà sáng lập, biên tập website về ý tưởng startup và thông tin, kiến thức dành cho doanh nhân trẻ Alltopstartups – cho rằng, mỗi người đều có cơ hội cải thiện và nâng cao khả năng tư duy bằng cách rèn luyện những thói quen sau đây:

1. Tò mò về mọi thứ

Việc học hỏi không nên dừng lại sau khi chúng ta tốt nghiệp hoặc hoàn tất một phần việc nhất định. Quá trình học hỏi liên tục tác động đến sự thành công nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Cách tốt nhất để mở rộng tâm trí là thông qua việc đặt câu hỏi về tất cả mọi thứ. Dĩ nhiên việc chấp nhận những thông tin đến với mình sẽ dễ hơn nhiều so với việc tư duy và đặt câu hỏi về nó. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một bông hoa lại mang màu sắc như nó đang có? Tại sao ai đó nói thích bạn? Một người bạn tình cờ gặp nhiều khả năng đến từ vùng đất nào?…

Thông thường, việc đặt câu hỏi cho chính mình sẽ dẫn đến nhiều câu hỏi tiếp theo, và tiếp theo nữa. Có thể chúng ta tìm ra câu trả lời hợp lý, có thể không. Nhưng điều quan trọng là việc đặt câu hỏi sẽ giúp mở mang trí óc. Một câu hỏi mới mang đến một góc nhìn mới, đôi khi giúp chúng ta thay đổi mọi thứ mình từng biết về thế giới.

2. Sẵn sàng thử những điều mới mẻ

Thời còn trẻ, sau khi thôi học tại Đại học Reed, Steve Jobs – nhà sáng lập Apple trong tương lai – có nhiều thời gian rảnh và tham gia vào một khóa học thư pháp. Nó dường như chẳng giúp ích gì cho ông vào thời điểm đó, nhưng sau này, các kỹ năng thiết kế học được từ đây đã góp phần lớn giúp ông “khai sinh” ra những chiếc máy Mac đầu tiên.

Bạn không bao giờ biết được thứ gì sẽ hữu dụng cho mình trong tương lai. Bạn chỉ cần sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ và chờ xem chúng có mối tương quan thú vị nào với những điều sẽ xảy đến sau này hay không.

[quote_box_right]

“Đừng nghĩ về lý do tại sao bạn đặt câu hỏi, chỉ đơn giản là đừng ngừng hỏi. Đừng lo lắng về những điều bạn không thể trả lời, cũng đừng cố gắng giải thích những điều bạn không biết. Sự tò mò là lý do của chính nó”.

Albert Einstein

[/quote_box_right]

Trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford vào năm 2005, Steve Jobs từng nói: “Bạn không thể kết nối các điểm mốc trong tương lai, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vì thế, hãy tin rằng các mốc sự kiện đã qua trong cuộc đời bạn bằng cách này hay cách khác đều sẽ liên kết với nhau trong tương lai”.

Để có những “điểm mốc” đó, bạn phải sẵn sàng thử những điều mới. Để làm được điều đó, đôi khi bạn phải phá vỡ những thói quen cũ, dù chỉ là những thói quen nhỏ như ăn sáng với một món mới, nằm ngủ theo hướng ngược lại, đọc một thể loại sách mới…

Nói cách khác, hãy thử bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình. Bạn sẽ không bao giờ gặt hái được thành quả mới nếu như không vượt ra khỏi ranh giới cũ. Nếu mong đợi một điều khác biệt, hãy thay đổi, thay đổi cách sống, cách làm việc, cách ăn, cách ngủ và bất cứ thứ cần thay đổi nào khác.

3. Đón nhận những thế giới quan khác nhau

Hãy có sự tò mò đối với những nền văn hóa, ngôn ngữ khác hoặc cách làm khác biệt của mọi người đối với cùng một phần việc. Những nền văn hóa khác có thể tạo ra tác động tích cực đối với các ý tưởng của riêng bạn.

Do đó, hãy thử đọc về các nền công nghiệp khác, tìm hiểu cách vận hành tại các thị trường khác, thoát ra khỏi cách tư duy cố hữu của mình, thoải mái đón nhận những góc nhìn mới mẻ từ các buổi thảo luận mà không để bị ràng buộc bởi những định kiến cũ.

Một cách vô thức, chúng ta thường tìm đọc các loại sách viết về vấn đề mà ta đã biết chút ít về nó. Đó là một cách để bảo vệ và củng cố những niềm tin, cách nghĩ của riêng mình. Hãy thử “đi lang thang” và tìm đọc một loại sách bạn từng thường hay bỏ qua. Bởi cách duy nhất để vượt ra khỏi chính mình là nắm bắt những kiến thức mới.

4. Phản ánh những điều đã học được bằng cách viết

Khi suy nghĩ về những điều đã học được và cố gắng chia sẻ với những người khác, bạn sẽ thúc đẩy mình phải suy nghĩ sâu hơn để tổng hợp và tổ chức lại kiến thức một cách có hệ thống. Blog là một công cụ tuyệt vời để chia sẻ những gì chúng ta đã học được, dù không đặt hy vọng kiếm tiền từ nó. Và hơn nữa, nó còn hoàn toàn miễn phí.

Việc viết giúp bạn mở rộng vốn từ – kỹ năng đã được chứng minh là có liên quan đến thành công. Bất kỳ ngành nghề nào có liên quan đến con người đều phải dựa trên nền tảng vận dụng hiệu quả ngôn từ trong quá trình diễn đạt, truyền thông.

5. Học hỏi không ngừng

Một trong những cách tốt nhất để thu nạp kiến thức là tự học. Bất kể đang ngồi trong giảng đường hay ở quán cà phê, điều quan trọng là bạn thực sự quan tâm đến những gì mình đang học. Hãy tận dụng thời gian để tự cung cấp cho mình nhiều kiến thức nhất có thể. Việc này sẽ giúp bạn trả lời được tất cả những câu hỏi do chính mình đặt ra.

Bạn không cần phải cam kết học trong nhiều giờ mỗi ngày, nhưng bất kỳ khi nào quyết định học, hãy thật sự tập trung.

Khi tìm hiểu về chủ đề nào, hãy tìm càng nhiều nguồn kiến thức, ý tưởng càng tốt. Brain Pickings là một trong những website thú vị bạn có thể tham khảo. Ngoài ra, một số trang blog, website và khóa học trực tuyến khác cũng có thể giúp bạn mở rộng chân trời tri thức, ví dụ như ý kiến của những chuyên gia trên Diễn đàn hỏi đáp Quora. Hãy tìm kiếm đáp án cho những nghi vấn của mình ở cả những nơi mà mọi người thường bỏ qua.

6. Thực hiện các bài tập để thúc đẩy trí tò mò

Viết ra 50 hoặc 30 câu hỏi về bất cứ thứ gì nảy ra trong đầu và bạn mong muốn được biết câu trả lời, như: “Làm thế nào tôi có thể giàu có?”, “Vũ trụ có giới hạn không và làm sao vượt ra khỏi giới hạn đó?”… Đừng dừng lại cho đến khi bạn đạt được 50 hoặc 30 câu hỏi như đã đề ra ban đầu.

Hãy đọc lại một lượt những câu hỏi đó để thử xem bạn quan tâm nhiều nhất đến những lĩnh vực nào: tiền bạc, công việc, các mối quan hệ hay sức khỏe?

Chọn ra 10 câu hỏi quan trọng nhất với bạn và không cần phải trả lời chúng ngay lập tức. Vấn đề là bạn đã tìm ra được những vấn đề có ý nghĩa quan trọng với mình. Hãy ghi nhớ 10 câu hỏi này để dần tìm ra đáp án trong quá trình sống, học tập và làm việc.

Hãy phá vỡ các nguyên tắc. Hãy hỏi thật nhiều câu hỏi. Hãy sáng tạo. Hãy bắt đầu một cái gì đó, có thể là một thành công lớn, hoặc một thất bại lớn. Dù bằng cách nào đi nữa, hãy thực hiện một bước đi mới.

Thiên tài thường không được tạo nên từ gen di truyền, mà từ khả năng tư duy, sự chăm chỉ, tập trung và sự bền chí khi đối diện với trở ngại.

BÍCH TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close