Là một người ở cấp quản lý, bạn cần dùng khả năng của mình để “điều trị” 9 tính cách khó chịu nhất tại nơi công sở. Ai cũng có những ưu, nhược điểm riêng, vì thế, thay vì loại bỏ, hãy tìm cách đưa họ quay trở lại làm việc với đúng guồng quay.
Ảnh minh họa.
Người lưỡng lự
Phải mất vài ngày họ mới có thể đưa ra một quyết định. Tuy nhiên, sau khi mọi thứ đã được phê duyệt, họ lại lưỡng lự. Rồi lại lưỡng lự lần nữa. Cuối cùng, khi tất cả sụp đổ chỉ bởi tính do dự không đáng có thì họ đâm ra lảng tránh, phẫn nộ: “Đây chẳng phải lỗi của tôi”.
Với trường hợp này, một người quản lý như bạn cần học cách đối phó. Hãy gia hạn cho quyết định của họ. Nếu họ vẫn chẳng thể định đoạt điều gì thì hãy chọn lấy một quyết định mặc định.
Lúc hạn chót đến thì cứ làm theo những gì vốn đã cảnh cáo. Bạn phải từ chối xem xét bất cứ một lựa chọn thay thế nào khác.
Người siêu cạnh tranh
Bất kể tình huống nào xảy ra, bất kể ai bị tổn thương trong quá trình làm việc thì những kẻ hiếu thắng vẫn sẽ không bao giờ từ bỏ. Họ sẽ chỉ dừng lại khi cận kề chiến thắng, hoặc quan trọng hơn là khi một người đã chấp nhận thua cuộc.
Chìa khóa để xoa dịu những người này là hướng họ tập trung đến chiến thắng của toàn đội, thay vì chỉ một cá nhân. Ngoài ra, một phương pháp cũng có thể được áp dụng là trả thêm cho họ một khoản tiền dựa trên tổng thành tích toàn đội chứ không phải trên thành tích của cá nhân họ.
Người cư xử thái quá
Họ tự động cường điệu hóa mọi thứ như một vở kịch Pháp. Có vẻ, họ đã lấy năng lượng từ các bộ phim truyền hình, đồng thời hút sạch năng lượng của mọi người đối diện. Đứng trước trường hợp này, một người quản lý cần làm gì?
Hãy thiết lập ranh giới cho các hành vi đi quá giới hạn. Đẩy họ ra khỏi bất kì một cuộc họp nào nếu thấy xuất hiện hành vi hay thái độ không tiết chế.
Người dùng sẵn
Họ luôn sẵn sàng cho một bài thuyết trình và nội dung của nó thường là những thứ bạn từng nghe. Họ chuẩn bị sẵn một danh sách chán ngắt và có thể đọc cho bạn từng thứ một, bất cứ lúc nào.
Cách giải quyết, hãy hạn chế lại thời gian thuyết trình trong các cuộc họp. Tốt hơn hết, hãy tạo nên quy tắc “không dùng Powerpoint” để diễn thuyết và nghiêm túc thực hiện nó.
Người nghiện mạng xã hội
Họ tin rằng việc online cả ngày để “xây dựng quan hệ” với khách hàng sẽ giúp năng suất làm việc của mình được cải thiện. Thực tế, đó chỉ là những lời ba hoa sáo rỗng.
Vậy nên, hãy phân công cho họ các thách thức chỉ tiêu, ví dụ như lượng doanh thu nhất định phải đảm bảo đạt đủ theo từng tuần.
Người hay cáu bẳn
Họ “phát nổ” bất cứ khi nào công việc diễn ra không như mong muốn. Họ hét lên trong cuộc họp, quát tháo trên điện thoại mà chẳng kính nể ai.
Có thể, xong chuyện họ sẽ xin lỗi song kết quả và những tổn thương thì sao đảo ngược nổi. Chính vì thế, hãy nâng cao quan điểm nếu không muốn bị những người này lấn át, cùng với đó từ chối làm việc cùng cách xử sự thiếu chuyên nghiệp.
Nếu cần thiết, hãy rời phòng cho đến khi họ hạ nhiệt và dần trở lại bình tĩnh.
Người trì hoãn
Họ chấp nhận công việc nhưng không hoàn thiện chúng. Khi đến hạn chót, họ biến mất, thậm chí cũng chẳng thể liên lạc qua email. Cuối cùng, lúc nhiệm vụ được hoàn thành bởi người khác, họ lại xin nghỉ dưỡng vài ngày với mục đích “giải tỏa căng thẳng”.
Thật không may, giải pháp duy nhất ở đây là bạn cần phải tái quản lý vi mô cũ. Hãy đề xuất các mục tiêu thường xuyên, thậm chí là mỗi ngày, đồng thời răn đe nhân viên về hậu quả nếu họ bỏ lỡ hoặc không thực hiện công việc.
Người “thiên tài sáng tạo”
Trong thâm tâm, tự bản thân họ cho rằng mình là một huyền thoại và luôn khoe khoang điều đấy với người khác. Họ luôn nói về những thành tựu đã làm trong quá khứ cũng như các kế hoạch tuyệt vời cho tương lai. Tuy nhiên, ở hiện tại thì họ vô dụng. Vậy phải xử lý loại “thiên tài” này kiểu gì?
Còn chần chừ gì nữa, đưa họ về lại trái đất, chia dự án thành nhiều phần và bắt họ tham gia thực hiện từng phần của chúng thôi.
Người hay sợ hãi
Một số người có thể biến sự sợ hãi thành sức mạnh mà tỏa sáng. Ngược lại, một số khác thì không. Qua nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, những người này vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Tuy nhiên, khi câu chuyện dần đi đến hồi kết thì họ lại rơi vào khủng hoảng, sợ hãi tột cùng.
Là một quản lý, hãy luôn luôn cảnh báo sớm cho nhân viên về kết quả công việc để họ chuẩn bị trước tinh thần. Và cuối cùng, nên tự dặn lòng mình cố gắng trong những ngày tin xấu đầy rẫy.
Theo Trí thức trẻ