Thế giớiThời sự

Ấn Độ tiết lộ 6 sự thật về tương lai ngành công nghệ

Sự phát triển công nghệ ở Ấn Độ cho thấy, năm 2018, hàng tỷ người ở châu Á sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn trên môi trường trực tuyến, trong bối cảnh khả năng kết nối internet và khả năng ngôn ngữ của người dân ngày càng được nâng cao, CNBC nhận định.

 

Ấn Độ tiết lộ 6 sự thật về tương lai ngành công nghệ

Nguồn: Getty Images

Nhiều người nghĩ rằng phần lớn các công ty công nghệ đang tạo ra một môi trường internet xung quanh người tiêu dùng cốt lõi là người Mỹ nói tiếng Anh, nhưng trong một vài năm tới, mọi thứ có thể sẽ khác.

Những biểu hiện đặc thù tại quốc gia hơn 1 tỷ dân Ấn Độ đã phản ánh một số xu hướng tương lai của lĩnh vực công nghệ:

1. Thương hiệu Apple duy trì quyền lực

Ở Ấn Độ, có một số loại trang phục “thời thượng” chưa bao giờ xuất hiện ở Mỹ, đó là quần áo có in logo của Hãng công nghệ Apple.

Trong khi người tiêu dùng Mỹ xem smartphone của các thương hiệu lớn khác như Samsung và Google như những đối thủ với iPhone, thì “quyền lực” của thương hiệu Apple vẫn cực kỳ lớn tại Ấn Độ. Trên thực tế, logo của Microsoft cũng không thể được xem là “biểu tượng sành điệu” trong lĩnh vực thời trang giống như Apple.

Mặc dù mức thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ không thể hiện được sự khả quan cho doanh số bán một chiếc điện thoại trị giá 999 USD, nhưng iPhone X vẫn không phải là một điều gì quá xa vời trong tâm trí người dân Ấn Độ. Thực tế là những hình ảnh quảng cáo về chiếc smartphone đắt đỏ này xuất hiện ở khắp nơi tại thành phố Mumbai.

2. Xe tự lái vẫn còn xa vời

Ở Mỹ, người ta có thể “huấn luyện” một chiếc xe tự lái để nó hiểu được các quy tắc giao thông trên đường. Sau đó, bổ sung, tinh chỉnh các loại công nghệ đặc thù để xe có khả năng thích ứng với các “tình huống hiếm gặp”. Còn ở các quốc gia với những quy tắc giao thông được thực thi… lỏng lẻo hơn, các phương tiện tự lái có lẽ cần phải được tích hợp trí thông minh nhân tạo một cách tinh vi hơn.

Ví dụ như tại Ấn Độ, một chiếc xe tự lái có lẽ cần phải học cách chủ động xử lý trước nhiều tình huống bất ngờ, học cách nói, cách đọc ánh mắt của người chạy xe máy để đoán xem họ đang định đi đâu, dự đoán khoảng cách từ những tiếng còi xe inh ỏi trên đường…

3. Nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cao, phương Tây có thể bị Ân Độ “vượt mặt”

Thành phố Magarpatta ở Ấn Độ gần giống như một cái gì đó trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hơn là một thành phố châu Á thời hậu thuộc địa. Nó là một thành phố thông minh có kết nối không gian mạng ở mọi nơi và không có một chi tiết nào nằm ngoài kế hoạch tổng thể, từ đảm bảo sự an toàn cho trẻ em trên đường đi học đến quá trình tưới tắm cây xanh. Việc xử lý nước, tiêu thụ năng lượng, khu vực trường học, khu mua sắm đều được áp dụng công nghệ tự động hóa.

Ấn Độ có động lực thay đổi vì phải đối mặt với những thách thức như sự gia tăng dân số và tình trạng ô nhiễm – các vấn đề mà nhiều thành phố ở phương Tây không phải đối mặt. Nhu cầu thay đổi cấp bách ở châu Á, cũng như tinh thần sẵn sàng phá bỏ cơ sở hạ tầng cũ là cơ hội để Ấn Độ tận dụng các công nghệ mới, như hệ thống giao thông tốc độ cao Hyperloop, theo cách mà hệ thống tàu điện ngầm ở New York (Mỹ) không thể làm được.

4. Thu thập dữ liệu có thể gặp những vướng mắc về quyền riêng tư

Ấn Độ có chương trình Aadhaar, được coi là dự án ID quốc gia lớn nhất thế giới, khi tất cả người dân Ấn Độ đều có một ID riêng trước cuối năm 2016. Hệ thống ID duy nhất này có chức năng như một khối cơ bản để cung cấp các dịch vụ tài chính cũng như được áp dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Trên thực tế, chúng ghi nhận từ vị trí hiện diện của công dân đến việc họ xác nhận một đơn hàng trên kênh mua sắm thương mại điện tử Amazon.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ ngày nay có thể khiến người dân cảm thấy sợ một sự giám sát “tận răng” của chính phủ như cách mà Ấn Độ đang làm.

5. Để không bị cạnh tranh công nghệ, Mỹ cần thận trọng với chương trình cải cách visa H-1B

Môi trường kinh doanh ở Ấn Độ đã thay đổi nhiều so với cách đây vài năm. Nhờ các “gã khổng lồ” viễn thông như Jio, người dân Ấn Độ đang được sử dụng internet với tốc độ ngày càng cao hơn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã và đang nỗ lực biến nước này trở thành “thiên đường cho các nhà đầu tư” thông qua việc bãi bỏ, giảm bớt các quy định, đưa ra các sáng kiến chống tham nhũng… Điều này có nghĩa là Ấn Độ đang dần trở thành một nơi lý tưởng để thành lập một công ty công nghệ.

Trong khi đó, nhiều kỹ sư công nghệ Ấn Độ làm việc ở Mỹ đang gặp khó khăn khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định siết chương trình cấp visa H-1B (chương trình cấp visa cho người nước ngoài có tay nghề cao còn hiếm tại Mỹ, thường trong lĩnh vực khoa học công nghệ), vì lo ngại chương trình này có thể tạo lỗ hổng cho các công ty Mỹ thuê người nước ngoài với mức lương thấp hơn người bản địa để làm những công việc tương tự, khiến cơ hội việc làm của dân Mỹ thấp đi.

Trên thực tế, tại Mỹ, người Ấn Độ là những nhân viên được ưu tiên thuê bởi các công ty chấp nhận visa H-1B. Trong năm 2015, các công ty sở hữu việc làm liên quan đến máy tính chiếm 65% visa H-1B. Vì vậy, nếu các kỹ sư Ấn Độ có tay nghề cao chấp nhận làm việc tại các công ty ở quê hương thay vì xứ cờ hoa, thì điều này có thể tạo ra thế cạnh tranh lớn với các công ty công nghệ ở Mỹ.

BÍCH TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close