Cách sốngSống

Ảo vọng quyền lực

Gần đây xảy ra rất nhiều vụ việc con người đối xử với nhau bằng bạo lực. Một thanh niên có thể đánh một phụ nữ gãy răng cửa, thâm tím mặt, dập nhãn cầu vì chuyện đến sau mà tự ý lấy bánh ăn trước trong một quán bánh xèo.

Ảo vọng quyền lực

Cha của thanh niên đã lên báo thừa nhận: “Con tôi sai rồi!”. Người Việt mình có câu: “Con dại cái mang”, người cha đứng ra nhận trách nhiệm, khuyên con xin lỗi và xin nạn nhân bỏ qua, ông sẽ bồi thường thương tật thỏa đáng.

Mọi chuyện sẽ có pháp luật xử lý, hy vọng phân xử công bằng cho cả hai bên. Nhưng chúng ta, đặc biệt là người cha suy nghĩ thế nào khi đứa con mình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục chỉ gặp một chuyện bất như ý không đến nỗi nặng nề và không phải chỉ mình nó gặp mà đã “xuống tay tàn nhẫn” như vậy với đồng loại? Vậy thì bản chất của vấn đề nằm ở đâu, người cha có cần tiếp tục bỏ thêm thời gian để suy ngẫm hay không?

Đọc bản tin này trên báo, chúng ta bức xúc, rồi giật mình, suy nghĩ và dặn con cái ra đường phải cẩn thận, vì có thể trở thành nạn nhân của bạo lực bất cứ lúc nào.

Vậy có ai nghĩ chính người thanh niên hành xử hung bạo trong câu chuyện trên và giờ đang đứng trước sự phán xét của dư luận và pháp luật cũng là nạn nhân của nền giáo dục gia đình khi vừa đánh nạn nhân vừa nói: “Gọi mười công an đến đây cũng không sợ”.

Sau khi phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác, thanh niên đó đã trở thành nạn nhân của sự bảo bọc khi những người lớn trong gia đình là cha và chú đã đến làm việc với công an đang giải quyết vụ việc với tư cách là những người có địa vị xã hội và dùng xe công vụ để đưa anh ta về nhà.

Thanh niên này phạm tội chỉ vì được nuôi dưỡng và luôn sống trong ảo vọng quyền lực của gia đình, nghĩ rằng chuyện gì cha, chú mình cũng có thể giải quyết được. Anh ta cũng là nạn nhân của nền giáo dục quốc gia đang ngày càng “có nhiều vấn đề” khi mỗi ngày ra đường đều va chạm với những ứng xử thiếu văn hóa từ những người khác, tạo nên áp lực tâm lý và sẵn sàng gây hấn.

Người cha đã thừa nhận trên truyền thông: “Con tôi sai rồi khi đánh người”, nhưng tôi rất muốn biết ông có nhận thấy cái sai của chính mình không khi đưa ra xã hội một sản phẩm “lỗi”.

Cách nay nhiều năm, tôi từng thấy cậu thanh niên 18 tuổi là bạn con tôi đi xe máy mà không bao giờ đội mũ bảo hiểm. Qua ngã tư có mấy cảnh sát giao thông đứng làm nhiệm vụ, họ đã không xử phạt cậu mà còn cười chào và dặn: “Đi cẩn thận nhé cháu”.

Cậu thanh niên tỏ ra hãnh diện trước sự khâm phục của bạn bè. Cậu đang trong tâm trạng tận hưởng những “ảo vọng quyền lực” từ người cha là một chỉ huy cao cấp và những người cảnh sát kia chỉ là thuộc cấp vẫn đến nhà cậu.

Tuy chưa xảy ra hậu quả xấu, nhưng cứ sống trong môi trường giáo dục đó, cậu sẽ trưởng thành ra sao nếu một ngày kia mất đi chỗ dựa quyền lực? Và tôi đã làm một việc không hề muốn là cấm con mình chơi thân với cậu bạn đó với lý do rõ ràng là nhân cách cậu ta đã bắt đầu méo mó.

Và nay chúng ta đã thấy những người cha dùng quyền lực để đưa con vào “quan lộ thần tốc” ở khắp các cơ quan từ Trung ương đến các tỉnh, thành và đã bị phát hiện, bị cách chức.

Dù những “thần đồng quan chức” này có thể có rất nhiều bằng cấp, được đào tạo ở nước ngoài, nhưng chắc chắn từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong môi trường của những ảo vọng quyền lực, họ hiểu rõ giải quyết mọi việc trên đời này bằng quyền lực là tốt nhất.

Vậy khi có quyền hành trong tay, với nhân cách méo mó là kết quả của giáo dục gia đình, họ sẽ làm được gì cho đất nước? Và nếu va vấp trong cuộc đời, có thể phải đối diện với tính nghiêm khắc của pháp luật, có thể mất tất cả địa vị xã hội, những thanh niên ấy sẽ sống tiếp thế nào khi bị tổn thương nặng nề như thế?

Đừng để con sống trong ảo vọng quyền lực, những người làm cha, làm mẹ hãy tỉnh táo! Chỉ mong nghe người cha của thanh niên trong câu chuyện trên nói được câu: “Tôi sai rồi”!

BÍCH HỒNG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close