Câu chuyệnKinh doanh

Bà Thái Hương kể lại chuyện TH True Milk bị liệt vào danh sách trốn thuế oan: Trên thì ưu đãi, nhưng cán bộ thuế thì tận thu!

Trên thì cho rằng nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết, được ưu đãi miễn thuế, nhưng cán bộ thuế lại tận thu. Trong khi đang tranh cãi về việc có ưu đãi thuế hay không, TH True Milk đã bị đưa vào danh sách ‘trốn thuế’…, bà Thái Hương kể lại.

Giãi bày về các rào cản kinh doanh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), bà chủ của TH True Milk trải lòng: Luật Việt Nam nên tăng cường tính thực tiễn hơn.

Lấy ví dụ về cáo buộc trốn thuế hồi giữa năm 2015 của doanh nghiệp này, bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH – cho biết: Theo Luật Công nghệ cao, TH được ưu tiên miễn thuế.

“Nhưng các anh bên nông nghiệp thấy áp dụng công nghệ cao là rất cần thiết, cần phải ưu tiên, không thu thuế, còn các anh bên thuế lại tận thu bằng được”, bà Thái Hương kể lại tại tọa đàm giai lưu trực tuyến “Bàn về xóa bỏ rào cản kinh doanh” do BizLive tổ chức sáng 11/10.

Trong khi bà Hương đang ở nước ngoài, TH được liệt vào danh sách trốn thuế do Cục Thuế tỉnh Nghệ An đưa ra. Việc này buộc TH phải lập tức nộp thuế ngay để giữ thanh danh thương hiệu, tránh việc bị cưỡng chế các thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, và sẽ hồi tố sau.

Khoản thuế TH phải nộp trong câu chuyện trên là 15,7 tỷ đồng (*).

Từ câu chuyện này, nhận xét về luật Việt Nam, bà Hương cho rằng các văn bản luật không xuất phát từ thực tiễn, mà xuất phát từ sách vở là nhiều.

“Nghị định và luật Việt Nam giống như câu chuyện trong một gia đình, người bố nói ưu tiên việc này, nhưng các con phía dưới thay vì thực hiện theo ý bố nhưng anh công thương đi một đường, nông nghiệp đi một đường, anh chất lượng sản phẩm đi một đường…”, bà Hương nói.

Bà Hương cũng kiến nghị: Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, người làm văn bản nên tham vấn ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh, tránh xa rời thực tiễn. Trên một đằng, dưới một nẻo.

“Đọc Nghị quyết 35 mới thấy Thủ tướng rất quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng làm sao để cụ thể hóa nghị định vào thực tế thì rất khó, bởi sau nó là thông tư, các giấy phép con ở dưới nữa. Đặc biệt vướng mắc ở vấn đề thu thuế, hoàn thuế”.

“Ngay cả các cán bộ thu thuế, hoàn thuế cũng luôn mang trong đầu tư duy áp đặt với nhà đầu tư, người trả thuế một cách cứng nhắc, gây khó khăn. Vì thế, hiện thực hóa ý tưởng của chính phủ là vấn đề lớn và khó khăn”, bà Hương Vũ, Phó TGĐ phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam, nhận định.

(*) Khoản thuế của TH nói trên là thuế nhập khẩu của mặt hàng giấy đóng hộp sữa dùng cho nhà máy rót vô trùng combibloc. Theo TH, từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/12/2014, công ty đã mở tờ khai nhập khẩu mặt hàng trên tại Hải quan Nghệ An, mã số nhập khẩu của mặt hàng này là 48115920 với thuế suất thuế nhập khẩu là 0% (một số công ty sữa cũng áp mã này khi nhập khẩu mặt hàng giấy đóng hộp sữa trong cùng thời gian nêu trên).

Tuy nhiên, sau đó Tổng cục Hải quan đã kiểm tra lại và yêu cầu áp mã nhập khẩu của mặt hàng giấy này là 48195000 với thuế suất thuế nhập khẩu là 5% (một số doanh nghiệp sữa cũng gặp tình trạng tương tự). Cục Hải quan Nghệ An đã ra văn bản ấn định truy thu thuế nhập khẩu và VAT đối với công ty với tổng giá trị thuế truy thu là 15,7 tỷ đồng.

Theo Infonet

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close