Trong khu vực Đông Nam Á, lâu nay chúng ta cứ quen nhìn thấy nước phát triển mạnh như Singapore mà ngưỡng bộ mà không biết các nước còn lại như Malaysia, Thái Lan, Philippines đang tiến như vũ bão trong lĩnh vực bán lẻ.
Ảnh minh họa.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã nói như vậy khi đánh giá ngành bán lẻ Việt Nam sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bà Loan nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam được biết đến là thị trường mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và luôn là một trong những thị trường tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sau khi dự Hội nghị và Triển lãm quốc tế về bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 (APRCE) mới được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia), cá nhân bà Loan nhìn nhận, lâu nay đã có một tư tưởng “ấu chí và sai lầm” do cứ quen nhìn trong khu vực Đông Nam Á chỉ ngưỡng mộ nước phát triển là Singapore mà không không biết các nước còn lại như Malaysia, Thái Lan, Philippines đang tiến như vũ bão trong lĩnh vực bán lẻ.
“Tôi lo lắng và buồn vì mặc dù ngành bán lẻ của chúng ta đang cố gắng đi được những bước tiến nhỏ song các nước trong khu vực – người ta đang chạy”, bà Loan chia sẻ.
Theo đó, bà Loan nhận thấy cần phải thay đổi ngành bán lẻ, hướng tới tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh.
Trong đó phải nhận thức rõ, con đường chuyển dịch ngành phân phối – bán lẻ Việt Nam từ khái niệm, quy mô, cấu trúc hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng không hề dễ dàng và đơn giản.
Đặc biệt, khi mà ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam có xuất phát điểm thấp, manh mún, bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu về tài chính, nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, logistics….
Cũng như, phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2011, đồng thời chịu áp lực cạnh tranh lớn trong hội nhập và mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO và các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới.
Hạn chế mở cửa không còn phù hợp
Vậy ngành bán lẻ cần làm gì để hội nhập thành công? Chúng ta sẽ làm gì để chuyển đổi sáng tạo và vượt xa hơn trong một thế giới năng động, biến đổi không ngừng và cạnh tranh mạnh mẽ.
Trả lời câu hỏi này, bà Loan cho rằng không có giải pháp phù hợp với mọi doanh nghiệp, mọi loại hình kinh doanh. Từng cá nhân, từng doanh nghiệp cần có chiến lược, con đường đi của riêng mình.
Theo bà Loan, để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần nhận thức về hội nhập và cạnh tranh, làm sao để tận dụng hội nhập đem lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Loan lo lắng, chỉ một câu này thôi nhưng nếu thực hiện được phải tốn không biết bao nhiêu công sức, nguồn lực và trí tuệ. Định vị ngành công nghiệp bán lẻ không phải đơn giản, một đơn vị, một hiệp hội, một doanh nghiệp nào đơn lẻ là làm được.
Để làm, cả 2 phía là: cộng đồng doanh nghiệp phải tự chủ động, nỗ lực tự cứu mình, tự tìm con đường đi, năng động, hội nhập và Nhà nước cần có sự hỗ trợ không trái WTO, cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Không gian hỗ trợ cho ngành bán lẻ phát triển.
Cùng với đó, qua học hỏi kinh nghiệp quốc tế, Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam nhận thấy, để thay đổi ngành bán lẻ, nhất thiết phải có chiến lược phát triển cho ngành dịch vụ này và cần tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo, tăng năng suất làm việc qua việc áp dụng công nghệ trong ngành phân phối – bán lẻ, xây dựng một lực lượng lao động bán lẻ năng suất cao và sẵn sàng cho tương lai, nâng cao kỹ năng thông qua đào tạo và tái đào tạo.
“Hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị trường… để các doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng mới từ khối ASEAN, từ khắp thế giới. Bởi lẽ chủ trương đóng cửa vừa vừa, hạn chế việc mở cửa thị trường không phù hợp nữa”, bà Loan nói.
Tiếp đó, bà Loan cho rằng phải định vị ngành bán lẻ Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh, nhận diện thách thức và hướng tới tương lai.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long nêu quan điểm: “Việc các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các thương vụ mua bán và sáp nhập trong hệ thống phân phối là chuyện bình thường. Họ tham gia vào cũng phải bỏ tiền chứ có được không đâu. Tại sao chúng ta chỉ nghĩ thiển cận bảo vệ thị trường trong nước mà doanh nghiệp Việt không vươn ra thị trường nước ngoài”.
“Doanh nghiệp đừng bo bo nghĩ bảo vệ mình trước sự xâm lấn của các doanh nghiệp quốc tế, mà thay vào đó DN cần nghĩ cách tận dụng các ưu đãi để mở rộng thị trường, trước mắt là thị trường Đông Nam Á – được đánh giá gần gũi và tương đồng với nền kinh tế Việt Nam”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo ra sân chơi với khuôn pháp lý chặt chẽ, tạo công bằng cho các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội phát triển ở thị trường Việt Nam.
“Nếu chậm xây dựng khuôn pháp lý chắc sẽ có hệ lụy khi mà các tập đoàn quốc tế có thể chiếm lĩnh thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam”, ông Dũng nói.
THUÝ LINH