Quản trịThương hiệu

Bí quyết xây dựng thương hiệu “xanh”

Trở thành một thương hiệu “xanh”, tức thân thiện với môi trường không phải là một việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh có khá nhiều thương hiệu cố gắng tự thể hiện hình ảnh thân thiện với môi trường nhưng lại áp dụng những thực tiễn đi ngược lại với mục đích này trong hoạt động của mình.

Theo Jeriann Watkins, một chuyên gia tiếp thị internet của WTC Marketing, cách tốt nhất và có đạo đức kinh doanh nhất để quảng bá hình ảnh thân thiện với môi trường cho thương hiệu của mình là nỗ lực để trở thành một doanh nghiệp thân thiện với môi trường thật sự. Watkins đưa ra những lời khuyên sau đây giúp doanh nghiệp thực hiện điều này.

Sử dụng nguyên vật liệu bền vững

Theo Watkins, trước tiên doanh nghiệp cần phân tích tác động của việc sử dụng các nguồn năng lượng của công ty, bắt đầu từ các sản phẩm và dịch vụ mà mình đưa ra thị trường cũng như các nhà cung cấp, loại bao bì đang sử dụng, hiệu quả của việc sử dụng các khoảng không gian văn phòng, việc đi lại của nhân viên.

Sử dụng các nguyên vật liệu bền vững là một bước quan trọng để xây dựng nhãn hiệu của doanh nghiệp thành một tổ chức thân thiện với môi trường sinh thái. Watkins khuyên doanh nghiệp nên tự đặt ra những câu hỏi sau đây để xác định những việc cần làm nhằm làm giảm tác động tiêu cực lên môi trường.

Sản phẩm của doanh nghiệp có được làm bằng nhựa? Nếu có thì doanh nghiệp cần đảm bảo rằng đó là loại nhựa có thể tái sử dụng và nên dán nhãn lên sản phẩm bằng các ký hiệu tái chế thích hợp.

Trên trang web của doanh nghiệp nên dành hẳn một chỗ để giải thích vì sao doanh nghiệp đang chọn sử dụng các nguyên liệu hiện tại. Theo Watkins, làm như vậy không chỉ giúp doanh nghiệp thể hiện với khách hàng và công chúng về sự quan tâm đến môi trường của mình mà còn khuyến khích, định hướng cho họ cùng quan tâm, bảo vệ môi trường.

Nhân viên của doanh nghiệp có làm việc độc lập và chủ yếu làm việc trên điện thoại hay máy vi tính? Nếu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp không đòi hỏi nhân viên phải phối hợp, làm việc với nhau theo nhóm thì nên áp dụng hình thức làm việc từ xa một số ngày trong tuần hoặc thậm chí toàn thời gian.

Điều này sẽ giảm bớt việc di chuyển, đi lại cho nhân viên, giảm chi phí điện chiếu sáng và sưởi ấm. Làm việc từ xa còn giúp cải thiện tinh thần và hiệu quả làm việc của nhân viên.

Sản phẩm của doanh nghiệp có được làm từ gỗ? Nếu có, hãy đảm bảo rằng đó là gỗ được khai thác từ những nguồn bền vững. Nên mua gỗ có chứng nhận từ những tổ chức như Sustainable Forest Initiative để chắc chắn rằng chúng được khai thác từ những địa điểm thích hợp theo những cách có hướng đến sự phát triển bền vững của rừng và môi trường.

Doanh nghiệp có đang thực hiện các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hàng đầu trên thế giới? Đó là những tiêu chuẩn được xây dựng bởi các tổ chức như LEED. Nếu chưa, thì nên rà soát lại xem doanh nghiệp cần phải thay đổi những gì để tuân theo các tiêu chuẩn này.

Ngay cả khi không thể thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn ấy thì doanh nghiệp cũng nên có những hành động thực tế nhằm giảm lượng khí thải carbon thải trực tiếp ra môi trường. Khi giảm được việc tiêu thụ năng lượng, doanh nghiệp cũng có thể giảm được chi phí hoạt động.

Có nên cải thiện hay loại bỏ cách thức đóng gói hiện tại? Nếu đóng gói sản phẩm bằng bao bì nhựa, hãy khuyến khích người tiêu dùng tái sử dụng bao bì.

Nhưng theo Watkins, doanh nghiệp nên cân nhắc liệu có cần thiết phải đóng gói sản phẩm hay không. Nếu điều đó là thật sự cần thiết thì nên chọn loại bao bì bằng giấy bìa thay vì nhựa có thể tự phân hủy để người tiêu dùng có thể vứt bỏ hoặc tiêu hủy dễ dàng. Có thể nghiên cứu dùng các loại bao bì thủy tinh mà khách hàng có thể tái sử dụng và đưa ra cho khách hàng những lời khuyên về cách tái sử dụng bao bì của sản phẩm.

Tái sử dụng và tặng lại đồ không còn dùng nữa

Watkins khuyên doanh nghiệp nên hạn chế xả thẳng ra môi trường các máy móc, trang thiết bị văn phòng không còn sử dụng nữa khi đến đợt đầu tư, mua sắm mới những vật dụng này. Thay vào đó, nên tặng lại cho các trường học và các tổ chức đang cần một số trang thiết bị như máy vi tính, máy in… Với các thiết bị điện tử đã hỏng và không còn sử dụng được nữa thì nên nhờ các dịch vụ tái chế xử lý để tránh thải các chất độc hại ra môi trường.

Khuyến khích người tiêu dùng và các đối tác cùng bảo vệ môi trường

Cách tốt nhất để làm cho người khác biết đến các nỗ lực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là mời họ cùng tham gia các nỗ lực này. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể khuyến khích nhân viên tiết kiệm điện bằng cách gắn các biển khẩu hiệu nhắc nhở họ tắt đèn và sử dụng ánh sáng tự nhiên, phân loại rác trước khi thải và xử lý thích hợp từng loại rác.

Để khuyến khích khách hàng tham gia, Watkins khuyên doanh nghiệp nên dùng tiếp thị nội dung, khuyến nghị họ tái sử dụng bao bì của doanh nghiệp, giải thích cho họ hiểu những nỗ lực mà doanh nghiệp đang theo đuổi nhằm tạo ra một môi trường “xanh”. Doanh nghiệp cũng có thể tổ chức các ngày vì môi trường hằng năm để mời nhân viên, khách hàng và đối tác cùng tham gia.

NHẤT NGUYÊN (theo MarketingProfs)/DNSGCT

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close