Con người là một sinh vật kỳ lạ. Từ sâu thẳm, họ biết thừa những gì mình cần làm để thành công (nếu không thì 1 phút Google cũng cung cấp đầy đủ), thế nhưng mặc tất cả những điều đó, họ vẫn CHẲNG LÀM GÌ cả. Ai cũng biết lười là sát thủ của những ước mơ, nhưng làm thế nào để chữa trị được căn bệnh lầy lội này?
Có một điều mà tôi cảm thấy rất tuyệt vời về con người. Từ sâu thẳm, tất cả chúng ta đều biết điều chúng ta cần phải làm.
Chúng ta biết điều sẽ làm chúng ta hạnh phúc hơn, điều sẽ làm chúng ta khỏe mạnh hơn, điều sẽ giúp chúng ta trưởng thành và phát triển.
Chúng ta biết chính xác điều mà chúng ta nên làm với khoảng thời gian chúng ta có, với cả cuộc đời.
Thế nhưng, mặc tất cả những điều đó, chúng ta vẫn CHẲNG LÀM GÌ cả. Chúng ta vẫn tiếp tục lười và trì hoãn
Chúng ta nói nhiều về chúng, mơ về chúng, bị ám ảnh về chúng nhưng chẳng bao giờ hành động để biến chúng thành hiện thực.
Đáng buồn làm sao.
Tôi không biết bạn có rơi vào tình huống này không nhưng lý do mà tôi viết bài này đó là bởi vì tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng tôi dám thừa nhận.
Tôi dám thừa nhận nó từ lâu. Và cũng từ lâu tôi bắt đầu nhận thấy vấn đề này cực kỳ phổ biến và nghiêm trọng với nhiều người.
Dưới đây là 7 thứ chịu trách nhiệm cho việc khiến bạn chần chừ không hành động và trì hoãn. Tiêu diệt được chúng, bạn sẽ vượt qua được sức ỳ của mình.
1. Sợ hãi
Mãi đến gần đây, tôi mới phát hiện ra rằng cuộc sống thật đơn giản. Chúng ta hành động hoặc là vì tình yêu hoặc là vì sợ hãi.
Khi bắt đầu vươn tới ước mơ, rõ ràng chúng ta sẽ đối mặt với nỗi sợ tồn tại dưới rất nhiều dạng.
Bản đồ cuộc sống được hình thành bởi nỗi sợ kiểu thế này: bạn nghĩ về điều bạn muốn hoàn thành, bạn nghĩ về 100 lý do tại sao bạn không thể làm nó, bạn nghĩ về điều sẽ xảy ra nếu bạn thử và nó không thành công, bạn nghĩ về điều mọi người sẽ nghĩ hoặc nói về bạn.
Suy nghĩ này sẽ làm bạn kiệt sức và khi đó, bạn lại bắt đầu ăn uống nhiều hơn trong khi dành cả ngày để xem những thứ vô nghĩa.
Rất dễ để nhận ra rằng những việc làm này cuối cùng sẽ khiến bạn trở nên tệ hơn. Quan trọng hơn là, làm như vậy nghĩa là bạn đang nuôi dưỡng trong đầu mình suy nghĩ rằng bạn chẳng làm được gì cả và bào chữa cho sự lười biếng của bạn.
Vậy thì bạn cần phải làm gì?
Hãy nhớ 4 điều sau đây, và khắc chúng vào tim:
1. Không hề có một ai mà không đối mặt với nỗi sợ cả.
2. Nỗi sợ của bạn đơn giản báo hiệu cho thứ tiếp theo mà bạn phải nhận lấy. Hãy làm nó. Chinh phục nó.
3. Nếu không chinh phục những nỗi sợ này thì khi chúng dồn lại với nhau sẽ trở thành những hối tiếc trong suốt cuộc đời bạn.
4. Nỗi sợ của bạn chẳng là gì cả. Hãy vượt qua nó. Dù nhỏ hay lớn thì cũng hãy đi bước đầu tiên.
2. Cầu toàn
Khi tôi mở công ty đầu tiên, tôi chẳng biết gì về điều hành công ty cả. Tôi chẳng biết bất cứ điều gì về logistics, lập kế hoạch, trả thuế, quản lý đội nhóm. Nhưng tôi vẫn cứ bắt đầu.
Khi nhìn lại quá khứ, mặc cho tất cả những khó khăn và thất bại đã đối mặt, thì đó vẫn là một thứ tôi làm trong đời khiến tôi cảm thấy tự hào.
Tại sao? Bởi vì với gần như mọi thứ trong đời, không quan trọng liệu bạn có chiến thắng hay bạn có tất cả mọi thứ. Cầu toàn không hề có giới hạn. Ngoài ra, nếu chờ cho đến khi “sẵn sàng” thì có lẽ, bạn phải chờ cả đời để bắt đầu thứ gì đó.
Chỉ bằng hành động, thất bại và làm đi làm lại nhiều lần thì bạn mới thực sự chiến thắng. Đó mới là cách bạn học hỏi.
Hãy nhớ điều này – cầu toàn là một tấm khiên nặng 12 tấn mà chúng ta kéo lê với suy nghĩ rằng nó sẽ bảo vệ chúng ta khi, thực tế, nó chỉ là thứ khiến chúng ta bị giam hãm.
Thế nên, hãy thoát khỏi nó. Nghiêm túc, vứt bỏ nỏ đi. Đi ra ngoài. Làm. Mắc sai lầm. Mắc sai lầm theo một trăm cách khác nhau. Cười vào mặt mình. Không có gì nghiêm trọng đâu.
Bạn chỉ cần đúng một lần.
3. Phá vỡ “đà”
Nếu thực sự là một người nghiêm túc và đầy nhiệt huyết, bạn có lẽ bị ám ảnh bởi việc tuân thủ những thói quen hàng ngày khắt khe như dậy đúng giờ hay viết một bài blog mỗi tuần. Thậm chí, bạn có lẽ còn tin rằng chúng là cốt lõi cho thành công của bạn, rằng bạn sẽ không hoàn thành nhiều thứ nếu không làm theo những quy tắc đó.
Bạn đúng một phần. Thói quen quan trọng. Chúng hình thành nên “xương sống” của chúng ta và quyết định liệu chúng ta sống hạnh phúc như thế nào và chúng ta sẽ đạt được bao nhiêu.
Nhưng, hãy để tôi nói thật với bạn một điều – sẽ có những ngắt quãng trong các thói quen này mà có thể khiến bạn mất đi đà đã hình thành.
Sau cùng, chúng ta vẫn chỉ là con người mà thôi.
Nếu bạn quá gay gắt về những gián đoạn này thì khi đó, bạn thực sự rất khó để quay lại cuộc chơi. Bạn sẽ hình thành một loạt những lo lắng xung quanh nó. Chúng chỉ làm bạn thêm mệt mỏi.
Ý của tôi thực sự ở đây là – thói quen tuyệt vời, rèn kỹ những thói quen tốt cũng quan trọng.
Nhưng, nếu bạn không thực hiện được một ngày hoặc thậm chí là một tuần thì Trái Đất cũng chưa đến ngày tận thế.
Đừng quên: Khi bạn mất đà, điều đó không có nghĩa bạn nên từ bỏ. Mất đà không có nghĩa là thất bại. Nó chỉ có nghĩa là bạn cần thư giãn và sau đó, từ từ quay trở lại với kế hoạch của bạn.
4. So sánh
Trong nhiều tháng, tôi lướt bảng tin Instagram của những nghệ sĩ vẽ chữ bằng tay mà tôi cực kỳ yêu thích. Đồng thời cũng tự nói rằng làm vậy là tôi đang đi tìm cảm hứng.
Mặc dù vậy nhưng có một sự thật là – mỗi một thiết kế ấn tượng tôi xem thì đều khiến tôi nhận ra khoảng cách giữa khả năng hiện tại của tôi với vị trí mà tôi muốn đạt được.
Cho tới khi tôi không thể tiếp tục thêm nữa. Tôi quyết định đăng xuất và rằng sẽ chỉ đăng nhập Instagram khi tôi làm xong việc của mình và tự tạo được 30 thiết kế.
Và nó hiệu quả thật. 2 ngày sau khi từ bỏ Instagram, tôi thức cả đêm với chiếc iPad, Apple Pencil và tạo artwork đầu tiên. Dễ dàng hơn nhiều khi tôi không so sánh mình với người khác, thay vào đó là bắt tay vào làm.
Không ai là bạn cả. Và đó là sức mạnh của bạn.
Khi mải mê so sánh, thứ bạn bỏ lỡ đó chính là sử dụng sức mạnh của riêng bạn. Bạn cứ để cho nó mai một dần dần.
5. Mãi làm một công việc cũ
Đôi khi, chúng ta dành rất nhiều thời gian lặp lại cùng một chuỗi các hành động mà chỉ khiến chúng ta thêm chán nản và chẳng muốn làm gì cả.
Điều này đặc biệt xảy ra khi hàng giờ làm việc ngốn hết cả ngày, và bạn chỉ còn chút ít thời gian để sáng tạo và làm những thứ thực sự quan trọng với bạn.
Luẩn quẩn với một công việc như vậy dường như sẽ làm cho cuộc sống trôi qua rất nhanh trong khi bạn gần như có rất ít hoặc chẳng có tí thời gian rảnh nào cả.
Cách duy nhất để giải quyết điều này đó là kỷ luật hơn và quản lý thời gian của bạn thật tốt. Chẳng hạn như thiết lập thời gian làm việc ở văn phòng, ra khỏi phòng đúng giờ hay cố định thời gian làm các công việc quan trọng.
6. Không lập kế hoạch
Tôi luôn bị choáng ngợp bởi rất nhiều thứ mà tôi muốn làm. Thế nên, ngồi xuống và lập kế hoạch là thứ khiến tôi sợ hãi. Có lẽ bởi vì nó làm tôi nhận ra rằng chỉ có một ít thứ tôi có thể hoàn thành được.
Những giấc mơ lớn cần được chia thành các hành động nhỏ để thực hiện.
Khi bắt đầu lên kế hoạch hàng tuần và hàng ngày trước rồi đưa chúng lên lịch trình, tôi đã làm được nhiều thứ hơn. Ý tưởng về việc lập kế hoạch đã giúp tôi loại bỏ nhiều nghi ngờ và sự trì hoãn.
Khi rõ ràng về điều cần phải hoàn thành, bạn sẽ hoàn thành được nó. Không phải mất thời gian nghĩ về việc gì cần phải làm hôm nay là một bước giúp bộ não của bạn “nhẹ” đi một chút.
Nếu không thì mỗi sáng tỉnh dậy bạn sẽ luôn cảm thấy ngập đầu.
7. Tìm kiếm sự chấp thuận
Tìm kiếm phản hồi về thứ gì đó bạn đã tạo ra là cách tuyệt vời để phát triển. Nhưng tìm kiếm sự chấp thuận trước khi bắt đầu lại là cách trì hoãn. Đừng nhầm lẫn giữa hai cái này.
Bạn đã bao giờ có một ý tưởng hay ho và sau đó, mất đi hứng thú hành động sau khi nói nó với một vài người?
Điều đó xảy ra khi bạn chờ đợi ai đó trong phòng nói “được” trước khi bạn có thể bắt đầu. Bạn không cần điều đó.
Điều bạn cần là ngồi lại với ý tưởng của bạn, biến nó thành hành động, tạo ra bản phác thảo và sau đó, có thể nghĩ tới việc chia sẻ với vài người.
Tôi muốn đề cập tới một điều mà gần đây tôi đã đọc được ở đâu đó – bất kể thứ bạn cần làm trong đời là gì thì bạn cũng nên tạo ra hai danh sách – một cái là “Những thứ đúng đắn để làm và tại sao chúng sẽ thành công?” và một cái là “Những thứ không nên làm và tại sao chúng không thành công?”. Sau đó, quyết định danh sách nào mà bạn sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời.
Lý do số một tại sao chúng ta không hành động đó là bởi vì chúng ta đã chọn nhầm danh sách.
Hành động. Làm những thứ mà bạn biết bạn nên làm. Không ai biết rõ chúng hơn bạn.
Theo Trí Thức Trẻ/Tham khảo Mediun