Kỹ năngQuản trị

Muốn thành công, hãy vượt qua 7 thách thức này

Phần lớn những người xem thất bại thuộc về lỗi của bản thân có xu hướng thường xuyên rơi vào tình trạng chán nản, phiền muộn.

 

Muốn thành công, hãy vượt qua 7 thách thức này

Đó là kết quả một nghiên cứu về sự thành công của nhà tâm lý học Martin Seligman (Đại học Pennsylvania).

Cũng theo kết quả nghiên cứu, ở chiều ngược lại, những người lạc quan lại ít rơi vào tình trạng đó hơn, vì họ xem thất bại như một kinh nghiệm học hỏi và tin rằng mình có thể làm tốt hơn trong tương lai. Tư duy này đòi hỏi một trí tuệ cảm xúc (EQ) cao. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi có đến 90% những người giỏi nhất trong số hơn 1 triệu người được Hãng tư vấn TalentSmart khảo sát có EQ cao.

Theo TS. Travis Bradberry – đồng sáng lập TalentSmart, đồng tác giả cuốn Thông minh cảm xúc 2.0 (Emotional Intelligence 2.0), để duy trì tư duy về thành công này, có một số thách thức chúng ta cần phải vượt qua:

1. Tuổi tác

Tuổi tác thực sự chỉ là một con số. Người thành công không để tuổi tác quyết định họ là ai và làm được gì.

Nhiều người cảm thấy có trách nhiệm phải nói với người khác những điều nên làm và không nên làm khi đang “còn quá trẻ” hoặc “đã quá già”. Người thành công không bị lung lạc bởi những “lời khuyên” đó. Họ làm theo những điều con tim và niềm đam mê của mình mách bảo, chứ không dựa vào tuổi tác của cơ thể.

2. Sự tiêu cực

Cuộc sống không phải luôn diễn ra theo đúng cách chúng ta muốn. Khi bị thất vọng, bạn vẫn cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày như bao nhiêu người khác để giải quyết vấn đề. Thay vì phàn nàn về cách mà mọi việc có thể diễn ra hoặc nên diễn ra, hãy đối diện với mọi việc theo hướng biết ơn những điều tốt đẹp, sau đó tìm cách tốt nhất có thể để khắc phục khó khăn và tiếp tục tiến lên.

Khi điều tiêu cực đến từ phía người khác, người thành công sẽ phản ứng theo cách thiết lập các giới hạn nhất định và giữ một khoảng cách cần thiết với tác nhân gây tiêu cực đó.

Ví dụ, một cách hiệu quả để buộc những người tiêu cực thôi phàn nàn là hỏi họ cách sẽ áp dụng để khắc phục các vấn đề mà họ đang phàn nàn. Nhờ đó, họ sẽ thôi phàn nàn hoặc sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang một hướng tích cực hơn.

3. Những “người độc hại”

Người thành công tin vào quy tắc đơn giản: bạn ở giữa 5 người mà bạn dành nhiều thời gian để giao tiếp nhất. Nghĩa là, nếu những người tài giỏi có thể thúc đẩy tiềm năng tiến bộ của bạn thì ngược lại, những “người độc hại” cũng có khả năng khiến bạn thêm trì trệ. Vì vậy hãy “chọn bạn mà chơi”.

Trên thực tế, nhiều công ty thành công nhất trong những năm gần đây được thành lập bởi những “cặp bài trùng” tài giỏi: Steve Jobs và Steve Wozniak của Apple sống trong cùng khu phố, Bill Gates và Paul Allen của Microsoft quen biết nhau ở trường dự bị đại học, Sergey Brin và Larry Page của Google gặp nhau tại Stanford.

Nếu không hài lòng với cuộc sống hiện tại, bạn hãy nhìn ra xung quanh và xem xét lại mạng lưới mối quan hệ đang có, vì bạn sẽ không thể phát triển hết tiềm năng khi không “bị bao quanh” bởi những người phù hợp.

4. Những điều người khác nghĩ

Khi cảm giác vui sướng và hài lòng đến từ việc so sánh mình với người khác, bạn đã không còn là người làm chủ vận mệnh của bản thân. Dù không thể khiến người khác thôi nhận xét về mình, bạn không cần phải thể hiện thành tích với bất kỳ ai. Bởi giá trị của bạn đến từ bên trong, không phải từ những điều người khác nghĩ hoặc làm.

Người thành công biết rằng quá chú trọng đến điều người khác nghĩ là một việc lãng phí thời gian và công sức. Khi đạt được điều mình cho là có giá trị, người thành công không mảy may để bị người khác tác động thêm vào.

5. Nỗi sợ hãi

Sợ hãi chỉ là cảm xúc được thúc đẩy bởi trí tưởng tượng. Sợ hãi cũng là sự lựa chọn. Người thành công biết điều này hơn bất kỳ ai, do đó, họ luôn đẩy sự sợ hãi ra khỏi đầu óc mình. Thậm chí họ còn “nghiện” cảm giác phấn khích khi chinh phục nỗi sợ hãi.

Đừng bao giờ để cuộc sống bị trì trệ chỉ vì cảm thấy sợ hãi. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một người không phải là cái chết, mà là khi họ cho phép mình “chết” trong khi vẫn còn đang sống.

6. Quá khứ hoặc tương lai

Cũng giống như nỗi sợ, quá khứ và tương lai là những “sản phẩm” của trí tưởng tượng. Không có cảm giác tội lỗi nào có thể thay đổi quá khứ, cũng như không có sự âu lo nào có thể thay đổi tương lai. Bởi sự lo lắng được ví như việc trả một món nợ mà bạn không vay mượn. Người thành công biết điều này, nên họ tập trung sống cho hiện tại.

Bạn không thể phát triển hết khả năng nếu tâm trí đang ở một nơi khác. Để tập trung tối đa cho hiện tại, bạn cần làm 2 việc:

– Chấp nhận quá khứ. Nếu không “làm hòa” với quá khứ, nó sẽ không để yên cho bạn tạo ra tương lai. Người thành công biết rằng, cách tốt nhất để nhìn lại quá khứ là để xem mình đã đi được bao xa.

– Chấp nhận sự không chắc chắn của tương lai và không đặt kỳ vọng không cần thiết cho bản thân. Như đại văn hào Mark Twain từng nói: Sự lo lắng không có chỗ đứng ở đây và ngay lúc này.

7. Hiện trạng của thế giới

Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, bạn sẽ thấy thế giới đang vận hành như một chu kỳ vô tận của chiến tranh, tấn công bạo lực, sự phá sản của các công ty, các tín hiệu ảm đạm của nền kinh tế và các thảm họa môi trường. Thật dễ dàng để cảm thấy như thể cả thế giới đang trên đà suy thoái.

Có thể điều đó đúng, cũng có thể sai, và không ai có thể khẳng định được. Nhưng những người thành công không lo lắng về điều đó vì họ không để bị cuốn vào những vấn đề mình không thể kiểm soát. Thay vào đó, họ tập trung năng lượng vào 2 việc trong tầm kiểm soát: sự quan tâm và sự nỗ lực của bản thân.

Họ tập trung sự quan tâm vào những điều mình biết ơn và tìm kiếm những điều tích cực đang diễn ra trên thế giới. Họ tập trung sự nỗ lực để làm những việc mình có thể mỗi ngày nhằm phát triển cuộc sống của bản thân và thế giới xung quanh, vì mỗi một đóng góp nhỏ đều có thể giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

(Nguồn: CNBC)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close