Doanh nghiệpKinh doanh
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật đang đua nhau hút khách như thế nào?
Các số liệu mới công bố cho thấy số lượng khách đến cửa hàng tiện lợi trong tháng 10/2017 là 854 người/ngày, giảm khoảng 40 người/ngày so với hai năm trước.
Ảnh: Nikkei
Công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất của Nhật, Seven-Eleven Japan, đang tạo ra thêm nhiều tiện ích để lôi kéo thêm khách hàng đến cửa hàng của họ, Nikkei cho biết.
Từ tháng 4/2018, 7&11 sẽ cung cấp thêm 5.000 xe đạp thông qua dịch vụ chia sẻ xe đạp tại hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi trên khắp nước Nhật. 7&11 kỳ vọng những người nước ngoài đến Nhật sẽ thích thú với dịch vụ này.
Cùng lúc đó, công ty đối thủ Family Mart đã thông báo sẽ đưa vào thử nghiệm dịch vụ giặt bằng xu tại nhiều cửa hàng để giúp đáp ứng cho nhu cầu giặt đồ từ những người độc thân và những gia đình có cả hai vợ chồng cùng đi làm.
Công ty sẽ chính thức mở khoảng 100 điểm dịch vụ giặt là tại các bãi đỗ xe từ năm tài khóa tới. Và nếu mọi chuyện đúng theo kế hoạch tăng trưởng kỳ vọng của công ty, công ty sẽ nâng tổng số điểm giặt là lên 500 trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, Family Mart còn muốn mở cả phòng tập gym trên tầng hai của các cửa hàng.
Bốn thập kỷ tính từ sau khi Nhật bắt đầu có cửa hàng tiện lợi, các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đều đồng loạt cố gắng thay đổi mô hình kinh doanh, mở rộng độ phủ trong cộng đồng xung quanh các cửa hàng của họ, và tự định vị mình như những điểm đến quan trọng trong các khu vực.
Xu thế này được dự báo sẽ có thể lan ra ngoài biên giới Nhật sang nhiều nước khác ở châu Á nơi người Nhật đã mở rất nhiều cửa hàng tiện lợi. Cho đến nay, cửa hàng tiện lợi Nhật đã xuất hiện tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc.
Vậy tại sao các chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật đua nhau kinh doanh thêm hàng hóa dịch vụ mới? Họ muốn có thêm khách hàng, tất nhiên rồi. Thế nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.
Nhiều chuyên gia ngành ước tính rằng có lẽ ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi đã đến trạng thái bão hòa chính vì vậy, các nhà kinh doanh phải tính đến tìm thêm mảng mới để phát triển, cùng lúc đó tăng công suất tối đa tại các cửa hàng hiện có khi chi phí lao động ngày một tăng.
Thị trường của các cửa hàng tiện lợi Nhật giờ đã phình to quá mức. Tính đến cuối tháng 10/2017, Nhật hiện đang có khoảng 55 nghìn cửa hàng tiện lợi được vận hành bởi tám nhà cung cấp. Số lượng các cửa hàng tiện lợi Nhật như vậy còn cao hơn rất nhiều nếu so với số lượng bưu điện trên khắp nước Nhật.
Trong ngành bán lẻ Nhật, các cửa hàng tiện lợi cho đến nay được coi như kẻ chiến thắng trong ngành bán lẻ Nhật bởi nhóm cửa hàng này đã hút được khách từ siêu thị, trung tâm mua sắm và các những cửa hàng nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán hàng của các cửa hàng tiện lợi đã chậm lại trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội kinh doanh Nhật, số lượng khách đến các cửa hàng tiện lợi đã giảm đều 20 tháng trở lại đây.
Các số liệu mới công bố cho thấy số lượng khách đến cửa hàng tiện lợi trong tháng 10/2017 là 854 người/ngày, giảm khoảng 40 người/ngày so với hai năm trước.
Tuy nhiên, mức chi tiêu của mỗi người trung bình tăng 21 yên/khách hàng lên 617 yên, nhiều khách mua những món hàng mà họ không hề định mua trước đó.
Thế nhưng dù mức chi tiêu tăng cũng không đủ để bù lại cho việc doanh thu sụt giảm khi số lượng khách đến cửa hàng giảm mạnh.
Chủ tịch Family Mart, ông Koji Takayanagi, khẳng định rằng thời điểm hiện tại hoàn toàn không hợp lý để mở thêm cửa hàng mới chính vì vậy Family Mart tập trung vào việc làm sao để tăng chất lượng dịch vụ và doanh thu từ những cửa hàng sẵn có.
Sau khi sáp nhập với Circle K vào năm 2016, số lượng cửa hàng tiện lợi của Family Mart trên khắp nước Nhật đã tăng lên con số 18 nghìn.
Family Mart hy vọng những khách đến Family Mart để giặt đồ sẽ mua thêm thực phẩm ở các cửa hàng. Tương tự như vậy, hãng cũng hy vọng những người đến tập gym sẽ mua thêm đồ ăn và xà phòng sau khi họ tập luyện.
Tất cả các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật đều đang đối diện với thách thức tăng số lượng khách đến thăm cửa hàng. Thử nghiệm cho thuê xe đạp tại các cửa hàng tiện lợi của 7&11 bước đầu đã giúp lượng khách đến cửa hàng tăng 2%.
TRUNG MẾN