Câu chuyệnDoanh nghiệpKinh doanh

Ông Trần Đình Long: ‘Không ai có thể làm thép mãi được’

Chủ tịch Hòa Phát khẳng định tập đoàn sớm muộn phải tiến tới mô hình đa ngành, một trong những mũi nhọn khác được xác định là bất động sản.

Chuỗi phiên tăng giá liên tục của cổ phiếu HPG gần đây làm tăng sức nóng cho phiên họp cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát sáng nay (22/4). Từ đầu giờ sáng, hàng dài cổ đông đã xếp hàng chờ làm thủ tục, điều không thường thấy với nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Năm nay, câu hỏi của các cổ đông cũng đa dạng hơn vì “Vua thép” vừa tái cấu trúc hoạt động cuối năm 2020 và xuất hiện thêm những lĩnh vực mới. Ngoài triển vọng của mảng thép và dự án Dung Quất giai đoạn 2, việc sản xuất container, kế hoạch mua mỏ quặng, triển vọng với mảng nông nghiệp và đặc biệt là hướng đi bất động sản cũng được đặt ra bàn thảo.

“Không ai có thể làm thép mãi được”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát, nói với các cổ đông khi nhận được câu hỏi về hướng đi với mảng bất động sản.

Năm nay, doanh thu của tập đoàn có thể đạt 120.000-140.000 tỷ đồng, nếu hoàn thành Dung Quất giai đoạn 2, con số này có thể tăng lên trên 200.000 tỷ đồng. Khi đó, việc phát triển thêm các sản phẩm sau thép sẽ không dễ. “Với quy mô như vậy, sớm muộn Hòa Phát cũng phải hướng tới mô hình đa ngành”, ông Long nói và cho biết, một trong những hướng đi là bất động sản, không phải bất động sản khu công nghiệp mà trọng tâm là bất động sản nhà ở.

Hòa Phát dự tính sẽ “đi bằng hai chân” trong mảng kinh doanh này. Một phần tập đoàn sẽ tìm những địa điểm phù hợp tại các địa phương để xây dựng khu đô thị, tiến hành các bước từ đầu như đấu giá đất, xin quy hoạch, lập dự án… Ngoài ra, một hướng khác là Hòa Phát đi M&A các dự án có sẵn để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn khẳng định sẽ không M&A bằng mọi giá và “chỉ làm khi thấy lợi”.

Nhà máy sản xuất ống thép Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát.

Nhà máy sản xuất ống thép Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát.

Triết lý “chỉ làm khi thấy lợi” cũng là câu trả lời cho việc xem xét mua mỏ quặng tại nước ngoài và quyết tâm thực hiện dự án Dung Quất giai đoạn 2.

Là một doanh nghiệp sản xuất thép có quy mô trong nhóm lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn khu vực, việc tự chủ nguyên liệu đầu vào (quặng sắt) không phải lần đầu các cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Hòa Phát. Có mỏ quặng sắt, tập đoàn sẽ hoàn thiện hệ sinh thái ngành thép từ đầu vào cho tới những sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, vấn đề mua mỏ quặng hay không, không chỉ nhìn từ khía cạnh nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép.

“Mua mỏ quặng là điều rất tốt, nhưng không dứt khoát phải thực hiện. Nguồn nguyên liệu trên thế giới hiện nay rất dồi dào. Vì thế, Hòa Phát không mua mỏ chỉ để hoàn thiện thêm hệ sinh thái. Mua mỏ phải có lợi thì mới mua”, ông Long khẳng định. Người đứng đầu Hòa Phát cũng nói thêm, nếu mua mỏ quặng, dự án này dù hoạt động độc lập, không bán cho Hòa Phát thì vẫn phải có lãi.

Với dự án Dung Quất giai đoạn 2, ông Long cho rằng thời cơ đang có khi nhu cầu thép cuộn cán nóng là câu chuyện của dài hạn. Theo ước tính của ban lãnh đạo, tổng nhu cầu sản phẩm này của Việt Nam hiện là 12 triệu tấn, tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Tuy nhiên, thị trường chỉ có hai nhà sản xuất lớn là Hòa Phát và Formosa. Nhu cầu lớn từ thị trường sẽ đảm bảo tiêu thụ khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, dự kiến năm 2024.

Riêng về cấu trúc vốn của dự án này, ông Long cho biết tổng vốn đầu tư cố định khoảng 70.000 tỷ, vốn lưu động khoảng 15.000 tỷ đồng. Với những dự án có quy mô tương tự, nhiều tập đoàn có thể chọn tỷ lệ đòn bẩy tới 70:30 hoặc 80:20, tuy nhiên Hòa Phát ước tính tỷ lệ đòn bẩy chỉ dùng khoảng 50:50. “Hiện tại đã có một số ngân hàng cho biết sẵn sàng tài trợ vốn cho dự án. Việc huy động vốn vay là không khó”, ông Long nói.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: Hòa Phát.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: Hòa Phát.

Riêng với vấn đề giá thép tăng liên tục gần đây, khiến một số doanh nghiệp xây dựng có đề xuất kiểm tra, ông Long cho rằng “điều này là bình thường” và không ảnh hưởng tới Hòa Phát. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, câu chuyện giá thép là do giá nguyên liệu đầu vào chi phối, đồng thời nhu cầu thị trường cũng rất lớn.

“Kiểm tra là việc bình thường, nếu việc tăng giá là hợp lý, không có gì bất thường thì không có vấn đề gì”, ông Long khẳng định. Trong trường hợp thị trường hạ nhiệt, lãnh đạo Hòa Phát cũng khẳng định tập đoàn này sẽ vẫn có lãi và “nếu có chịu ảnh hưởng thì cũng là người cuối cùng”.

Năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu hơn 90.000 tỷ đồng, tăng hơn 40%. Lợi nhuận sau thuế hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 80%. Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 18.000 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm trước.

Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết, quý I năm nay, doanh thu đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng 63%. Lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Trong đó, riêng lãi từ hoạt động kinh doanh là 6.500 tỷ, còn lại là lợi nhuận từ thoái vốn mảng nội thất.

Với kết quả kinh doanh tăng cao, Hòa Phát đề xuất mức cổ tức năm 2020 là 35%. Tuy nhiên, trước ý kiến của cổ đông, tập đoàn điều chỉnh cổ tức năm 2020 lên 40% ngay tại đại hội, dự kiến 35% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.

MINH SƠN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close