CEO Thế giớiNhân vật

Chân dung bà chủ của đế chế 90.000 nhân viên sản xuất màn hình cho hàng tỷ chiếc điện thoại của Apple, Samsung, Huawei

Zhou Qunfei – một cựu công nhân nhà máy, từng bỏ học cấp 3 hiện trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất thế giới với khối tài sản ước tính 7,8 tỷ USD theo thống kê mới nhất của Forbes.

 

Chân dung bà chủ của đế chế 90.000 nhân viên sản xuất màn hình cho hàng tỷ chiếc điện thoại của Apple, Samsung, Huawei

Zhou – 48 tuổi là một doanh nhân Trung Quốc, người thành lập nên công ty Lens Technology – đơn vị sản xuất và cung cấp màn hình cảm ứng cho các hãng điện thoại như Apple và Samsung.

Cô công nhân nhà máy nghèo

Lớn lên tại một tỉnh nghèo ở miền Trung Trung Quốc, mẹ Zhou qua đời khi mới 5 tuổi còn bố lại bị mù đồng thời mất một ngón tay sau một vụ tai nạn lao động. Mục tiêu ban đầu của Zhou là nỗ lực học hành để kiếm được một công việc công chức nhà nước với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã khiến cuộc đời Zhou phải rẽ sang một ngã khác. Bà buộc phải học cách nuôi lợn, vịt để có thêm thu nhập cho gia đình ngay từ nhỏ.

“Vì chẳng có bằng cấp gì nên tôi không thể xin được việc công chức nhà nước”, Zhou nhớ lại. 16 tuổi, bà đã buộc phải bỏ học cấp 3 để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bà sớm tìm được một công việc tại nhà máy sản xuất kính đồng hồ với mức lương 1 USD mỗi ngày.

Zhou trả lời phỏng vấn một tờ báo rằng điều kiện trong nhà máy khi ấy rất tồi tệ. “Tôi phải làm việc từ 8 giờ sáng tới 12 giờ đêm, đôi khi là tới tận 2 giờ sáng”.

Zhou được tăng cấp và sau này trở thành giám đốc bộ phận sản xuất, trước khi quyết định thành lập công ty riêng ở tuổi 22 vào năm 1993. Với chỉ 3.000 USD trong túi, Zhou và một vài người họ hàng mở một xưởng sản xuất kính đồng hồ cho khách hàng. “Trong suốt giai đoạn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, có rất nhiều cơ hội cho những ai muốn trở thành doanh nhân, kể cả phụ nữ. Đó chính là điều kiện tốt giúp tôi có thể phát triển doanh nghiệp của mình”.

Bà sống và làm việc trong một căn hộ nhỏ 3 phòng ngủ cùng với anh chị em ruột và 2 người cháu của mình. Trong một bài phỏng vấn với tờ Times, Zhou hồi tưởng lại những gì mình đã trải qua. Tại quê hương của Zhou, những cô gái nhỏ như cô thường không học quá được cấp 2. Lựa chọn duy nhất là lấy chồng và sau đó gắn bó cả đời ở ngôi làng nhỏ. Zhou không chịu chấp nhận con đường đó. “Tôi chọn cách lao vào nghiệp kinh doanh và chưa bao giờ hối hận vì quyết định này”.

Cứ 2 tháng 1 nhà máy mới lại ra đời

Mặc dù công ty tăng trưởng ổn định nhưng sự nghiệp của Zhou chỉ thực sự thay đổi khi bắt đầu sản xuất màn hình cho điện thoại di động. Và kể từ đó, sự nghiệp kinh doanh của Zhou bắt đầu thăng hoa.

Motorola là đơn vị đầu tiên hợp tác với công ty này vào năm 2003 sau đó là những hãng sản xuất điện thoại khác. HTC, Nokia, Samsung và cuối cùng Apple vào năm 2007 cũng trở thành khách hàng của công ty và góp phần tạo nên đế chế tỷ đô hiện tại của Zhou.

Zhou thường tự thừa nhận mình là người theo chủ nghĩa hoàn hảo chính vì vậy việc điều hành kinh doanh không hề dễ dàng. Thực tế, cô trả lời phỏng vấn rằng phải làm việc 18 giờ mỗi ngày và ở văn phòng tới 1/4 thời gian.

Dẫu vậy sự chăm chỉ của Zhou đã được đền đáp. Lens Technology đã phát triển cực kỳ nhanh chóng và hiện có trên 74.000 nhân viên tại 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau.

Trong khoảng 12 năm tới, các đơn đặt hàng vẫn sẽ tiếp tục đến với nhà máy Lens do các đối tác như Apple, Samsung và Huawei cần nguồn màn hình kính cho điện thoại và máy tính bảng của họ. Peng – một lãnh đạo của Lens Techonoly nói rằng trong năm 2010, cứ 2 tháng tập đoàn này lại mở thêm nhà máy mới.

Lens Technology hiện có 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau và có hơn 90.000 nhân viên. Zhou hiện đã rất nổi tiếng và bà nhận được sự ngưỡng mộ từ nhiều người: “Bà ấy là người có động lực và rất quyết đoán. Vì tuổi thơ trải qua quá nhiều khó khăn nên bà ấy đã rất cố gắng làm việc thật chăm chỉ để thay đổi số mệnh”.

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ/AFR

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close