Chiến lượcQuản trị

Chiến lược phát triển cho doanh nghiệp mới chuyển đổi

Ý định phát triển lớn hơn là yếu tố quyết định chuyển lên doanh nghiệp (DN) của hộ kinh doanh. Để đạt được ý định đó, hộ cần xác lập các mục tiêu, đề ra hoạt động với lộ trình thực hiện phù hợp, xoay xở các nguồn lực để thực hiện các hoạt động nhằm đạt mục tiêu đề ra. Quá trình đó gọi là chiến lược phát triển, là yếu tố quan trọng quyết định sự thành, bại của DN mới chuyển đổi.

Quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN không đơn thuần về mặt pháp lý mà phải diễn ra theo “quy luật trưởng thành của hộ”. Trong quá trình làm ăn, hộ từng bước tích lũy tiền bạc, nhận diện được các cơ hội lớn hơn, thôi thúc họ đầu tư thêm để tăng năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm mới, mở rộng hệ thống phân phối, thuê mướn thêm nhân viên… Lúc đó tự khắc sẽ chuyển đổi lên DN vì cần đến tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng, vay vốn, hưởng chính sách ưu đãi, đưa hàng vào các hệ thống phân phối.

Để đảm bảo kinh doanh thành công, DN cần có chiến lược phù hợp. Chiến lược được hiểu nôm na là “cách thức, con đường để đạt được mục tiêu”. Theo đó, chiến lược bao hàm cách đặt mục tiêu (những gì muốn đạt được trong tương lai); đề ra các hành động với lộ trình phù hợp nhằm đạt được mục tiêu; cách thức xoay xở nguồn lực để thực hiện các hành động theo lộ trình đã xác định; tổ chức thực hiện.

Mục tiêu trong kinh doanh bao gồm: tài chính, khách hàng, quản trị nội bộ, học tập và phát triển. Các nhóm mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó mục tiêu tài chính xem như là kết quả của ba nhóm mục tiêu còn lại.

Mọi đích đến đều bắt đầu từ vạch xuất phát, là thực tại của DN biểu hiện qua điểm mạnh, điểm yếu của DN. Với DN, mục tiêu không phân biệt lớn hay nhỏ, mà phải là mục tiêu phù hợp. Nghĩa là chúng được xác định dựa trên sự kết hợp giữa vạch xuất phát (mạnh, yếu) với nhận diện cơ hội, thách thức từ môi trường kinh doanh.

Với tư duy đó, khi quyết định chuyển đổi lên DN, hộ cần vạch ra những chỉ tiêu có thể đo lường bằng những con số định lượng hoặc định tính.

Chẳng hạn, về phương diện tài chính thì mong muốn về doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời; phương diện khách hàng thì hướng đến giữ được bao nhiêu khách hàng cũ, phát triển thêm khách hàng mới, phát triển thêm hay bớt những dòng sản phẩm, dịch vụ; phương diện quản trị nội bộ hướng đến thiết lập các cơ chế nhằm phát huy sự sáng tạo của tổ chức; phương diện học tập và phát triển hướng đến phát triển năng lực chuyên môn của người lao động như đào tạo, trao đổi kinh nghiệm…

Kế đến là đề ra những hành động cụ thể và sắp xếp thứ tự thực hiện theo nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”, “làm nhỏ trước, làm lớn sau”, “thí điểm trước, nhân rộng sau” và theo quá trình phát triển quy mô của DN. Bởi vì khi mới khởi nghiệp, khả năng kết nối các mạng lưới quan hệ, tài chính còn hạn chế nên rất cần thí điểm để rút kinh nghiệm.

Nếu thí điểm thành công, nghĩa là ý tưởng tốt, đồng thời cũng chứng minh cho đối tác thấy được việc kinh doanh thành công nên cũng dễ huy động thêm nguồn lực để tiếp tục phát triển. Đồng thời nên tranh thủ “chiếm dụng vốn” mà vẫn làm hài lòng các đối tác trong mạng lưới kinh doanh, cũng như tiết kiệm tối đa trong chi tiêu.

Phát triển theo nguyên tắc đó đảm bảo DN giảm thiểu được rủi ro và có những bước tiến ngày càng vững chắc, tạo thuận lợi cho việc xoay xở nguồn lực. Xoay xở nguồn lực luôn là vấn đề khó đối với DN mới thành lập. Khi thiếu hụt nguồn lực, DN cần nghĩ đến tất cả các phương án huy động nguồn lực, sau đó phân tích khả năng huy động của từng phương án để chọn phương án hợp lý nhất.

Tiếp theo là tổ chức thực hiện những gì đã vạch ra. Quá trình này đòi hỏi phải kiên trì và quyết tâm theo đuổi. Yếu tố đảm bảo thành công bao gồm: xây dựng đội ngũ nhiệt huyết; người lãnh đạo phải biết động viên mình và đồng đội; đề cao tính kỷ luật và chuyên nghiệp hóa trong mọi hoạt động, nhất là lãnh đạo cần cam kết duy trì kỷ luật với chính mình và tổ chức của mình; không ngừng học hỏi trong tất cả các hoạt động.

Mọi mục tiêu đặt ra ban đầu không phải lúc nào cũng đúng, vì môi trường kinh doanh luôn thay đổi. Do vậy, DN phải hết sức nhạy bén để kịp thời điều chỉnh mục tiêu sao cho tiến bộ nhất. Việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời để tận dụng thời cơ mới sẽ giúp DN có những bước chuyển quan trọng trong quá trình phát triển.

TS. HUỲNH THANH ĐIỀN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close