“Nhiều người gọi công ty có nhiều thành viên trong gia đình tham gia là công ty “gia đình trị” là không đúng. Gọi là công ty gia đình thì đúng nhưng không phải “gia đình trị”. Tại sao?”, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido (trước đây là Kinh Đô) đặt câu hỏi trong một bài phỏng vấn gần đây trên tờ Doanh Nhân.
Ông Trần Kim Thành được biết đến là người đã gây dựng đế chế bánh kẹo Kinh Đô chỉ từ 3 chỉ vàng vào năm 1993. Đến năm 2015, Kinh Đô bán lại mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelez trong một thương vụ trị giá gần 10.000 tỷ đồng để tập trung cho kem, sữa chua, dầu ăn, mì gói và gia vị.
Dù trước đây là Kinh Đô hay sau này là Kido, đế chế của ông Thành vẫn luôn tăng trưởng tốt. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của tập đoàn ghi nhận 2.896 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ và vượt kết quả thực hiện cả năm 2016. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 400 tỷ, tăng 183% so với năm ngoái.
Chia sẻ với tờ Doanh nhân, ông Thành cho biết một trong những bí quyết quản trị ông áp dụng để giúp Kido, một doanh nghiệp gia đình, đứng vững đến hôm nay là quy tắc phân vai rõ ràng, không lẫn lộn giữa việc công và việc tư.
“Ở giai đoạn đầu phát triển, việc phân quyền rõ ràng ràng là hết sức quan trọng. Nếu không biết sắp xếp cho từng người trong gia đình thì nhân viên không biết nghe ai, từ đó bộ máy vận hàng khó khăn và doanh nghiệp dễ bị tan rã”.
“Trong công ty gia đình, nếu phân quyền không hợp ý nhau thì vấn đề công ty biến thành vấn đề của vợ chồng, anh em trong nhà. Mọi người có thể giận hờn nhau, không nói chuyện với nhau, không gặp nhau, tình cảm sứt mẻ”.
Ông Thành khẳng định giai đoạn bắt đầu cũng là giai đoạn “đau đầu” vì động chạm nhiều cá nhân. Không ít doanh nghiệp đã không vượt qua được và thất bại. Tuy nhiên Kido may mắn “sống sót”, vì khi điều hành, ông không bao giờ lấy vai vế người anh, người chồng để áp đặt mọi người. Các thành viên cũng học cách tách bạch được chuyện kinh doanh của doanh nghiệp với chuyện công ty.
Phản hồi ý kiến nói rằng Kido là “công ty gia đình trị”, ông Thành cho biết điều này hoàn toàn không đúng. Chỉ những người có năng lực thật sự ở một khâu nào đó mới được bổ nhiệm vào các vị trí cao. Nhân viên vào công ty cũng cứ theo quy trình mà làm, không cần phải nghe theo ý kiến của ông nọ, bà kia.
“Thậm chí con cái mình sau này, có làm cũng phải có năng lực ở khâu đó mới ngồi ghế đó chứ không phải là người nhà thì muốn làm gì trong công ty cũng được”.
“Chu kỳ doanh nghiệp cũng như con người: sinh ra là trẻ con, từ từ đi tới trưởng thành rồi từ từ già đi. Nhưng doanh nghiệp nếu có cách thì vẫn có thể kéo dài tuổi thọ”.
Bên cạnh biện pháp quản trị phân quyền rõ ràng, tại Kido, có một nguyên tắc được áp dụng để “sống thọ”, đó chính là phải luôn ghi nhớ “Mình là ai”.
Nói rõ hơn về quan điểm này, chủ tịch Kido cho biết khi đứng trước bấy kỳ quyết định nào trong kinh doanh, chủ doanh nghiệp không bao giờ được bỏ qua nguyên tắc: “Mình là ai”, tức là doanh nghiệp đó đang kinh doanh trong lĩnh vực nào. Với người làm về thực phẩm như Kido, nhà lãnh đạo không được phép vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ông Thành nhớ lại có một lần trên thị trường tràn ngập loại sữa bột có giá chỉ bằng 1/2 giá sữa bột Hà Lan, New Zealand. Câu hỏi đặt ra là vì sao giá rẻ vậy lại không mua? Bởi vì ông không tin rằng có một loại cỏ nào đó mà bò ăn xong có thể cho lượng sữa gấp đôi. Cuối cùng, hầu hết các hãng sữa đều rơi vào khủng hoảng sữa nhiễm Melamine năm 2008, nhưng Kido thì không.
“Vì sao chúng tôi không dính? Đó là bởi chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc ‘Mình là ai’ trong triết lý kinh doanh của mình. Tôi không ăn được thì không bao giờ bán cho người khác”, ông Thành thẳng thắn khẳng định.
Theo Trí Thức Trẻ