Khởi nghiệpKinh doanh

Chuẩn bị lập nghiệp: Khi nào và như thế nào?

Giai đoạn thuận lợi nhất cho việc trang bị kỹ năng để lập nghiệp là khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Đó là một trong những thông điệp quan trọng được đưa ra tại các buổi giao lưu Doanh nhân – Sinh viên với chủ đề Tự tin lập nghiệp ở trường ĐH Kinh tế – Luật (ngày 30/3) và ĐH Ngân hàng TP.HCM (ngày 1/4). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Sinh viên ĐH Kinh tế – Luật hào hứng giao lưu với các doanh nhân – diễn giả

Việc không thể trì hoãn

Trong nhiều loại kỹ năng được ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – CEO Saigon Books đề cập trong phần chia sẻ với các sinh viên ĐH Kinh tế – Luật thì kỹ năng quản lý thời gian được giảng viên Nguyễn Thị Mai Trang (khoa Quản trị kinh doanh của trường ĐH Kinh tế – Luật) đặc biệt quan tâm và muốn sinh viên được tiếp thu nhiều kinh nghiệm hơn từ các doanh nhân.

Các doanh nhân – diễn giả giao lưu với sinh viên ĐH Kinh tế – Luật (sáng 30/3) (từ trái qua): ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – CEO Saigon Books, bà Đặng Thị Phương Ninh – Phó tổng giám đốc VISSAN và điều phối chương trình – ông Huỳnh Công Thắng – Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM

Nói về vấn đề này, bà Đặng Thị Phương Ninh – Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) lưu ý rằng, dù khi học tập hay làm việc, điều quan trọng là phải tập trung, toàn tâm toàn ý để hoàn thiện dứt điểm và không phải áy náy về sau. “Mỗi lần áy náy là mỗi lần phí thêm thời gian cho phần việc đã làm đồng thời ảnh hưởng đến cả những phần việc khác”, bà Ninh phân tích.

Để quản lý tốt thời gian và cân bằng cuộc sống, ông Quỳnh chia sẻ bí quyết 20%: “Hãy dành 20% thời gian và công sức cho công việc chính ở từng giai đoạn, 20% cho gia đình, 20% cho tình yêu, 20% cho các mối quan hệ xã hội khác và 20% còn lại cho các thú vui của bản thân. Con số 20% chỉ mang tính tương đối, mỗi người sẽ có một sự phân chia “liều lượng” khác nhau cho mỗi yếu tố, nhưng đừng dồn 100% cho yếu tố nào và cũng đừng để yếu tố nào ở mức 0%”.

Sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM nêu băn khoăn về phương pháp rèn luyện kỹ năng và cách xây dựng tính kỷ luật trong cuộc sống

Hòa nhập với đám đông cũng là một trong những kỹ năng khó mài giũa đối với nhiều người trẻ. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hải Linh – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ “bật mí” với các sinh viên: “Một trong những cách dễ hòa nhập với đám đông xa lạ là quên mình là ai và học hỏi cách trò chuyện của người mà bạn thấy giỏi giao tiếp nhất trong đó. Kỹ thuật “giả dạng” này giúp bạn bớt lạc lõng và được những người còn lại dễ dàng tiếp nhận. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu muốn giỏi giao tiếp, bạn phải dẹp bỏ tâm lý tự ti và học cách thích ứng với hoàn cảnh”.

Theo ông Đinh Khắc Hoàng, giữa những ứng viên có bằng cấp và trình độ chuyên môn tương đương nhau thì người giỏi kỹ năng mềm sẽ có thêm điểm cộng từ nhà tuyển dụng

Trong trường hợp cấp trên giao phó chỉ tiêu hay nhiệm vụ, mà theo bạn là vượt quá khả năng của mình thì hãy nghĩ đến mặt tích cực là nhà lãnh đạo đang đánh giá cao khả năng của bạn. Ông Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bến Thành khuyên các bạn trẻ thay vì từ chối thẳng thừng, hãy cư xử khéo léo trong trường hợp này. Ông nói: “Bạn có thể chia sẻ với sếp những khó khăn gặp phải, từ đó cùng tìm ra hướng giải quyết phù hợp, hoặc đề nghị có thêm người giúp sức để có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra”.

“Việc trang bị kỹ năng nên được thực hiện khi người trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, vì đây là giai đoạn thuận lợi nhất. Chẳng hạn như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp bạn trẻ biết cách gắn kết với mọi người hơn, từ đó dễ dàng thành công hơn trên con đường sự nghiệp”, Phó tổng giám đốc VISSAN nhấn mạnh.

Để có được những kỹ năng mềm nói trên, một – hai cuốn sách hoặc vài khóa học chưa đủ để người trẻ tự trang bị, mà chúng đòi hỏi thời gian tích lũy kinh nghiệm và trải qua những va vấp thực tế, ông Hoàng chỉ ra.

Các doanh nhân giao lưu với sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM (từ trái qua): ông Huỳnh Công Thắng – điều phối chương trình, ông Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bến Thành, ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, ông Trần Hải Linh – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ

Nhiệm vụ không thể quên

Nhiều sinh viên nêu băn khoăn: nếu điểm chuyên ngành không cao thì khi xin việc, ứng viên trẻ phải làm thế nào để giảm thiểu bất lợi cho mình và “ghi điểm” với nhà tuyển dụng. Theo CEO Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh, điểm số các môn chuyên ngành là một trong những căn cứ để nhà tuyển dụng xác định xem ứng viên có thực sự yêu thích lĩnh vực của mình hay không.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh lưu ý sinh viên nên chú trọng vấn đề rèn luyện sức khỏe để không gặp khó khăn khi đối diện với áp lực công việc sau này

Ông Quỳnh khuyên sinh viên: “Sinh viên nên tìm cách học lại hoặc thi lại các môn đã bị điểm thấp để có điểm số tốt hơn”. Ông cũng chia sẻ một bí quyết giúp ứng viên chứng minh kiến thức chuyên ngành với nhà tuyển dụng: “Bạn có thể chứng minh bằng việc thực hiện bài viết về các vấn đề có liên quan đến chuyên ngành của mình, hoặc dựa vào các số liệu được công khai để lập một bản báo cáo tài chính về doanh nghiệp, nêu đánh giá, đề xuất các ý tưởng mới… Điều này chứng tỏ ứng viên có quan tâm đến công ty và có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn. Đây là một cơ sở để đánh giá năng lực của người trẻ bên cạnh yếu tố điểm số”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Toàn – Cố vấn tài chính HĐQT chuỗi cà phê Javi khẳng định, một trong những lý do khiến nhiều ứng viên bị rớt trong quá trình tuyển dụng là không chịu tìm hiểu hoặc hiểu sơ sài về doanh nghiệp. Thực tế, những sinh viên mới ra trường, dù thiếu kinh nghiệm làm việc nhưng nếu thể hiện được sự quyết tâm và có lý tưởng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp thì vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhà tuyển dụng.

Bà Đặng Thị Phương Ninh kể câu chuyện tình yêu thời sinh viên và khuyên bạn trẻ nên mở lòng với người khác, đồng thời học cách điều tiết cảm xúc để học tập và làm việc tốt hơn

Có một thực trạng là trong quá trình học tập, sinh viên thường rất “ngán” các môn lý thuyết chuyên ngành, nhưng theo bà Ninh, tất cả mọi công việc đều cần một nền tảng kiến thức cơ bản, nên việc nắm chắc phần lý thuyết rất quan trọng. “Hãy học kỹ lý thuyết rồi mài giũa cho nó thêm sắc bén và biến nó thành của mình”, bà Ninh khuyên sinh viên.

Bằng trải nghiệm của bản thân, các doanh nhân đều khuyên sinh viên cần chú tâm bồi dưỡng kiến thức chuyên môn bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng mềm. Giám đốc Bảo hiểm Bến Thành chia sẻ, hai mươi lăm năm trong nghề, ông chứng kiến hầu hết bạn trẻ đều ứng tuyển vào những công việc hành chính văn phòng (nhẹ nhàng) và ngại va chạm với những công việc liên quan trực tiếp đến chuyên môn. Ông khuyên sinh viên nên dành nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành để có thêm tự tin trên con đường lập nghiệp.

Ông Trần Hải Linh khuyên sinh viên nên thiết lập sẵn mục tiêu cá nhân, từ đó có động lực làm việc và duy trì chúng trong dài hạn

“Để thành công với nghề, bắt buộc bạn phải là người am hiểu, có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hoạt động”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT Ngô Vi Đồng khẳng định.

Bí quyết lập đề án kinh doanh

Bên cạnh vai trò là cầu nối gắn kết doanh nhân với sinh viên, các buổi giao lưu còn là nơi giải đáp các thắc mắc của thí sinh tham dự GTTNLVC 2017. Trải qua 6 mùa giải, cuộc thi đã “chắp cánh” cho ước mơ khởi nghiệp của rất nhiều bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế giảng đường.

Giải đáp thắc mắc của sinh viên, rằng đâu là phần quan trọng nhất trong một đề án kinh doanh, CEO Saigon Books nhấn mạnh: “Tính khả thi quan trọng nhất!”. Ông lưu ý, để chứng minh được tính khả thi của một dự án kinh doanh, nhà khởi nghiệp đừng chủ quan, đừng lơ là khâu nghiên cứu thị trường, bởi đây là phần việc nhất định không thể bỏ qua. “Yếu tố quan trọng thứ hai là đội ngũ thực hiện. Yếu tố này thậm chí còn quan trọng hơn cả ý tưởng kinh doanh”, ông Quỳnh nói thêm.

Ông viện dẫn câu chuyện thành công của nhà bán lẻ Thế Giới Di Động. Theo đó, đội ngũ sáng lập Hãng đều là những người am tường một chuyên môn nhất định, như: dịch vụ khách hàng, quản trị nhân sự, marketing, tài chính, công nghệ thông tin. “Một đội ngũ như thế, dù khởi nghiệp ở lĩnh vực khác vẫn sẽ thành công”, ông Quỳnh nhận định.

Sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM hỏi về cách lập đề án kinh doanh khi tham gia GTTNLVC 2017

Ngoài những tư vấn về bí quyết lập đề án kinh doanh, các doanh nhân cũng chỉ ra những lỗi thường gặp trong quá trình phát triển đề án kinh doanh, mà một trong số đó là sự nhầm lẫn mục đích kinh doanh với trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, thể hiện qua các hoạt động từ thiện. Bởi trước tiên, chủ đề án cần xác định rõ những hoạt động xã hội của mình là sản phẩm, dịch vụ để kinh doanh hay là một cách sử dụng lợi nhuận kiếm được để cống hiến cho xã hội.

Ông Nguyễn Anh Toàn phân tích, trong trường hợp phục vụ mục đích kinh doanh, đề án cần giải quyết được vấn đề nguồn vốn, dòng tiền, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng. Còn nếu không phải thì chủ đề án trước tiên nên xây dựng lại kế hoạch kinh doanh để tạo ra lợi nhuận.

Ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng Báo Doanh Nhân Sài Gòn (bìa trái), nhà báo Nguyễn Văn Ngữ – Thư ký tòa soạn Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Ủy viên Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (bìa phải) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện trường ĐH Kinh tế – Luật

Từng tham gia chấm thi GTTNLVC, ông Trần Hải Linh nhấn mạnh, mục tiêu của cuộc thi là hỗ trợ các nhà khởi nghiệp trẻ xây dựng một kế hoạch kinh doanh có tính sáng tạo, khả thi cao. Điều này bao gồm các yếu tố: khảo sát thị trường, thiết lập mục tiêu kinh doanh, xây dựng chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy nhân sự…

“Đó là những thứ mà các nhà khởi nghiệp nên tập trung hướng đến. Còn việc sử dụng lợi nhuận kiếm được để chia lợi tức cho cổ đông hay đóng góp cho xã hội còn tùy thuộc vào mỗi công ty sau này”, ông Linh nói.

Ông Ngô Vi Đồng – Phó trưởng BTC GTTNLVC 2017 (bìa trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

Điều quan trọng nhất mà các giám khảo – cũng là các doanh nhân, giảng viên – hướng đến là giúp người trẻ phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí khởi nghiệp. “Chúng tôi mong những ý tưởng đó có thể giải quyết được những vấn đề của nền kinh tế – xã hội hiện nay. Với bề dày kinh nghiệm làm việc thực tế và hướng dẫn nhiều bạn trẻ thăng tiến trên con đường kinh doanh, các doanh nhân luôn có những góc nhìn và đánh giá khách quan với từng đề án, để từ đó đề ra những định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển lâu dài”, ông Ngô Vi Đồng bày tỏ.

BÍCH TRÂM – VÂN THẢO – Ảnh: QUÝ HÒA – TĂNG KHÁNH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close