Doanh nghiệpKinh doanh

Chuyển mình từ “ngân hàng cao cấp” sang “bách hóa tổng hợp”, quả ngọt hay trái đắng đang chờ Goldman Sachs?

Chiến lược thúc đẩy hoạt động cho vay được được triển khai trên toàn hệ thống Goldman Sachs: từ mảng ngân hàng đầu tư đến mảng ngân hàng cá nhân.

 

Chuyển mình từ "ngân hàng cao cấp" sang "bách hóa tổng hợp", quả ngọt hay trái đắng đang chờ Goldman Sachs?

Lớn lên ở Houston, Adam Dell là con trai của 1 nha sĩ và 1 nhân viên môi giới chứng khoán. Anh trai của ông, Michael, chính là nhà sáng lập hãng máy tính Dell nổi tiếng. Sau khi có 1 sự nghiệp lừng lẫy trong hoạt động đầu tư mạo hiểm mang lại chút danh tiếng và tài sản, Adam kết hôn và có 1 cậu con trai với người mẫu và cũng là ngôi sao điện ảnh Padma Lakshmi.

Tuy nhiên, gần đây Adam đang ổn định văn phòng mới tọa lạc ở tầng 26 của tòa nhà trụ sở Goldman Sachs . Ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới vừa mua lại Clarity Money, ứng dụng hoạch định tài chính cá nhân do Adam phát triển.

Goldman đang cố gắng tìm kiếm nhân tài ở những nơi tưởng chừng chẳng liên quan như vậy, bởi nó đang nỗ lực thực hiện một cuộc chuyển mình bằng cách thúc đẩy hoạt động cho vay nhằm bù đắp cho mảng tự doanh vốn là cốt lõi nhưng đang yếu dần đi. Minh chứng điển hình cho nỗ lực này là ngân hàng trực tuyến Marcus. Chỉ trong 18 tháng hoạt động, ngân hàng này đã cấp khoảng 3 tỷ USD các khoản cho vay tiêu dùng, và hiện đang bận rộn mua lại các doanh nghiệp như Clarity Money, vốn thu hút khách hàng vào các khoản vay giá rẻ hơn.

Chiến lược thúc đẩy hoạt động cho vay được được triển khai trên toàn hệ thống Goldman Sachs: từ mảng ngân hàng đầu tư, nơi các nhân viên ngân hàng cung cấp cho khách hàng các dịch vụ quen thuộc như hạn mức tín dụng quay vòng, đến mảng ngân hàng cá nhân, nơi các nhân viên quản lý tài sản thuyết phục khách hàng vay thế chấp bằng cổ phiếu hoặc các loại tài sản khác như bộ sưu tập tranh ảnh, du thuyền hay bất động sản. Tính đến cuối năm 2017, tổng các khoản cho vay đầu tư trên bảng cân đối kế toán của Goldman đã ở mức 67 tỷ USD, gấp hơn 10 lần con số của năm 2012.

Chuyển mình từ ngân hàng cao cấp sang bách hóa tổng hợp, quả ngọt hay trái đắng đang chờ Goldman Sachs? - Ảnh 1.

Chuyên gia phân tích Brian Kleinhanzl của công ty KBW ở New York nhận định điều này đi ngược với lịch sử hoạt động của Goldman Sachs, khi ngân hàng này chưa bao giờ mở rộng hoạt động trong mảng cho vay tiêu dùng, thương mại hay doanh nghiệp. Chính vì thế, chuyên gia này cho rằng Goldman Sachs vẫn còn phải chứng minh bản thân trong lĩnh vực này.

Dẫu vậy nỗ lực nói trên đang làm thay đổi diện mạo của Goldman Sachs. Sau hàng chục năm hoạt động với vai trò là một ngân hàng đầu tư với thế mạnh là cung cấp dịch vụ mua bán và bảo lãnh phát hành chứng khoán và các thương vụ môi giới, Goldman đang tiến gần hơn đến hình ảnh một ngân hàng đa năng cung cấp mọi loại hình dịch vụ ngân hàng cho cá nhân và doanh nghiệp. Chiến lược này khiến Goldman Sachs đứng gần hơn với những ngân hàng như Citigroup hay JPMorgan Chase, hơn là Bear Stearns và Lehman, vốn là những “người bạn cùng trang lứa” với Goldman Sachs trước cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu.

Nước đi khôn ngoan hay sai lầm tai hại?

Chiến lược tập trung vào hoạt động cho vay nói trên có thành công hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng có một điều dường như đã chắc chắn: đó là sự hỗn tạp trong hoạt động của Goldman Sachs như hiện tại không đem lại hiệu quả cho ngân hàng này, khi trong giai đoạn từ năm 2012-2015, doanh thu của Goldman giậm chân ở mức khoảng 34 tỷ USD, trước khi giảm xuống còn 30,6 tỷ USD trong năm 2016. Tháng Một vừa qua, giá trị thị trường của Goldman đã nhanh chóng tụt lại phía sau Morgan Stanley. Đối thủ này mới đây cho biết đã ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua trong quý I vừa rồi.

Giới lãnh đạo hàng đầu của Goldman nói về chiến lược thúc đẩy hoạt động cho vay như là một bước phát triển tự nhiên từ quyết định trở thành một Công ty sở hữu ngân hàng * (bank holding company – BHC) đã được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính. Morgan Stanley cũng đã chọn nước cờ tương tự để có thể tận dụng những hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cần.

Morgan Stanley cũng đã và đang thúc đẩy hoạt động cho vay, đặc biệt là các khoản vay thế chấp và cho vay dựa trên chứng khoán cho những đối tượng khách hàng “rủng rỉnh” tiền bạc của mình. Còn những gì mà Goldman đang theo đuổi lại hoàn toàn khác: dùng mảng ngân hàng để cung cấp mọi loại hình dịch vụ, từ các khoản vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp ở phân khúc tầm trung, đến các khoản vay xây dựng cho các chủ đầu tư bất động sản và các khoản vay tiêu dùng lên đến 40.000 USD để phục vụ mục đích sửa nhà của khách hàng.

Năm ngoái, Goldman đã thành lập mảng ngân hàng thương mại và tiêu dùng để phục vụ cho mục đích này. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này thay đổi cơ cấu tổ chức của mình kể từ khi thành lập mảng quản lý đầu tư vào những năm 1980.

Tháng Chín năm ngoái, Goldmn Sachs đã đặt ra mục tiêu trong trung hạn là tăng thêm 5 tỷ USD doanh thu hàng năm, trong đó có ít nhất 2 tỷ USD dự kiến đến từ hoạt động cho vay. Goldman sẽ kiếm được một phần lớn trong số này thông qua các khoản vay dành cho nhóm khách hàng “siêu giàu” của mảng khách hàng cá nhân, những người thường nắm trong tay lượng tài sản có thể đem đi đầu tư có giá trị ít nhất là 50 triệu USD.

Chuyển mình từ ngân hàng cao cấp sang bách hóa tổng hợp, quả ngọt hay trái đắng đang chờ Goldman Sachs? - Ảnh 2.

Goldman đã bổ sung thêm các khoản vay trị giá 2,8 tỷ USD trong năm 2017, nâng tổng giá trị cho vay lên đến 16,6 tỷ USD tính đến cuối năm ngoái. Và giờ đây, “ông lớn” ngân hàng này còn đang hướng đến thu hút khách hàng ở phân khúc thấp hơn, những người có khối tài sản chưa đến 10 triệu USD, và cấp các khoản vay từ 75.000 USD đên 25 triệu USD, được đảm bảo bằng các danh mục đầu tư của khách hàng. Thậm chí, Goldman còn cấp cả những khoản cho vay dưới chuẩn cho nhiều doanh nghiệp đang nợ nần chồng chất.

Bên cạnh đó, Goldman đã đầu tư ít nhất là 500 triệu USD vào Marcus. Ngân hàng điện tử này hiện đang có khoảng nửa triệu khách hàng sử dụng các sản phẩm cho vay và tiết kiệm mà nó cung cấp. Marcus còn đang xem xét lấn sân sang các hạng mục khác như hạn mức tín dụng, thẻ tín dụng, quản lý tài sản và các tài khoản hưu trí.

Giới chuyên gia tỏ ra hoan nghênh chiến lược thúc đẩy hoạt động cho vay của Goldman Sachs. Kết quả kinh doanh quý I cho thấy thu nhập từ lãi ròng của Goldman tăng đến 78% so với cùng kỳ năm ngoái lên 918 triệu USD.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn quan ngại về những rủi ro gắn liền với đà tăng trưởng này. Chẳng hạn như, trong khi các ngân hàng lớn, trong đó có Goldman, cho rằng những sản phẩm cho vay dựa trên chứng khoán có ít rủi ro, vì giá trị cho vay không bao giờ lớn hơn những tài sản dùng để bảo lãnh cho nó (70% giá trị cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp và 90% đối với trái phiếu chính phủ) thì các chuyên gia lại lo ngại về tác động từ những đợt bán tháo mạnh trên thị trường, yếu tố có thể dẫn đến các đợt phát mại tài sản và nguy cơ vỡ nợ.

Bên cạnh đó cũng có những lo ngại đối với ngân hàng điện tử Marcus. Giới lãnh đạo ngân hàng vẫn thường nói về việc theo đuổi các khách hàng có điểm tín dụng từ 660 trở lên theo thang điểm FICO**. Nhưng Marcus lại hạ thấp mức được xem là tiêu chuẩn này. Guy Moszkowski, một chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu Autonomous Research ở New York, cho biết ông đã khá ngạc nhiên khi thấy các số liệu từ Goldman, theo đó khoảng 20% các khoản cho vay của Marcus là dành cho những đối tượng khách hàng có điểm tín dụng dưới 660.

Nếu Goldman thành công với chiến lược nói trên, đây sẽ là bước chuyển mình thứ ba của ngân hàng 149 năm tuổi này, sau một khoảng thời gian dài các mảng ngân hàng đầu tư và kinh doanh hàng hóa lần lượt lên ngôi. Nhưng nếu đây chỉ là một phát súng tịt, thì Goldman sẽ chịu đả kích với những khoản lỗ và phải trả giá vì dồn sức vào tín dụng khi chu kỳ kinh doanh dịch vụ này đang bước vào giai đoạn “xế chiều”. Ngân hàng kỳ cựu này cũng có thể đánh mất dấu ấn là một công ty tư vấn ưu tú trong làng tài chính thế giới.

* Công ty sở hữu Ngân hàng (BHC): Đạo luật Bank Holding Company (BHC Act) của Mỹ năm 1956 định nghĩa một BHC là bất kỳ một công ty nào trực tiếp hay gián tiếp sở hữu, kiểm soát hoặc có quyền biểu quyết 25% hoặc hơn của bất kỳ loại cổ phiếu có quyền biểu quyết (voting shares) của một ngân hàng. Nói cách khác, một BHC – ngoài việc sở hữu một ngân hàng cũng có thể sở hữu công ty chứng khoán hoặc các công ty bảo hiểm để tham gia trực tiếp hoặc thông qua các công ty con phi ngân hàng trong các hoạt động khác có liên quan chặt chẽ đến ngân hàng như: cho vay trả góp, tài chính tiêu dùng, cho thuê tài chính, quản lý tài sản, công ty tín thác, định giá bất động sản, tư vấn tài chính và đầu tư, tư vấn quản lý, tư vấn nghề nghiệp và các dịch vụ bảo hiểm có liên quan.

**FICO: là chỉ số dùng để đo sức khỏe tài chính của khách hàng, còn gọi là điểm tín dụng, được tính dựa trên hành vi sử dụng tín dụng của một người trong quá khứ. Điểm FICO càng cao càng tốt. Điểm số tín dụng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quyết định cho vay tiền của các ngân hàng ở Mỹ.

Theo Khánh Ly

Trí thức trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close