Thế giớiThời sự

Cơn khát ‘mua sắm’ doanh nghiệp toàn cầu của Trung Quốc chưa dừng lại

Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nước thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) nhiều nhất thế giới. Vậy điều gì có thể ngăn cản cơn sốt “mua sắm” của quốc gia này trên toàn cầu?

Vào ngày 24/10 vừa qua, HNA Group của Trung Quốc trở thành cổ đông thiểu số của tập đoàn khách sạn Hilton Worldwide Holdings Inc bằng việc mua lại số phần trị giá 6,5 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn thứ sáu của một công ty Trung Quốc trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ ra 218,8 tỷ USD trong các thương vụ M&A nước ngoài, tăng 230% so với cùng kỳ 2015.

Cơn sốt M&A nước ngoài của các tập đoàn Trung Quốc bắt đầu từ nhu cầu tìm kiếm nguyên liệu cho các nhà máy thép và ngành công nghiệp sản xuất. Mô hình này được gọi là nền kinh tế cũ.

Khi kinh tế Trung Quốc phát triển, mô hình kinh tế bắt đầu thay đổi và khẩu vị của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng thay đổi theo. Nhà đầu tư chuyển sang việc săn lùng các thương hiệu và công nghệ có thể thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng tại đây, thay vì tập trung xuất khẩu như trước. Đây là mô hình kinh tế mới của Trung Quốc.

5-chuong-ngai-cho-tham-vong-mua-sam-doanh-nghiep-toan-cau-cua-trung-quoc

Tham vọng M&A toàn cầu của Trung Quốc chưa dừng lại.

Và với sự bùng nổ của dòng tiền Trung Quốc đổ ra nước ngoài, các nhà quan sát nhận thấy những công ty nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc hiện nay khác hẳn với lúc trước. Điều này được thể hiện qua các ngành được Trung Quốc bỏ tiền vào M&A nhiều nhất hiện nay.

Trước năm 2013, hoạt động M&A quốc tế của Trung Quốc chỉ xoay quanh các tập đoàn quốc doanh mua lại các mỏ quặng sắt ở Australia, công ty năng lượng ở Canada hay quặng đồng ở châu Phi. Hơn một nửa các thương vụ mua bán liên quan đến các công ty năng lượng và hàng hoá. Giờ đây, các công ty tư nhân đang đổ tiền mua lại những tài sản đẳng cấp hơn như các đội bóng của Italy, những hãng phim của Mỹ hay những hãng thời trang cao cấp của Pháp. Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc doanh chuyển sang mua những công ty sản xuất chip máy tính và công nghệ nông nghiệp.

Những địa điểm thu hút nhà đầu tư Trung Quốc cũng thay đổi theo năm tháng. Từ 2006 đến 2016, mức đầu tư vào M&A các công ty tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tương đối ổn định với giá trị các thương vụ từ 10 tỷ USD trở xuống. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ và Tây Âu, Trung Quốc bắt đầu “đốt tiền” với tần suất dày đặc từ 2010 trở đi với thương vụ đắt giá nhất là việc tập đoàn hoá chất quốc doanh ChinaChem mua lại công ty thuốc trừ sâu Syngenta AG của Thuỵ Sĩ với giá 43,2 tỷ USD.

Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Trung Quốc có thể kéo dài cường độ M&A như thế này mãi được không? Có năm tình huống có khả năng sẽ làm gián đoạn tốc độ mua bán công ty nước ngoài của Trung Quốc.

Thứ nhất, chính phủ các nước phương Tây có thể sẽ có những chế tài nhất định để ngăn các thương vụ này diễn ra. Chẳng hạn, tại Mỹ, Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài được lập ra để giám sát các hoạt động mua bán có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Chính phủ Anh cũng vừa lập ra một quy trình xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào các ngành nhạy cảm.

Thứ hai, chính phủ Trung Quốc có thể ra tay ngăn chặn một số thương vụ nhất định. Các nhà quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc muốn ngăn tình trạng nhiều công ty Trung Quốc tái niêm yết sau một thương vụ lớn để có giá trị vốn hoá lớn hơn

Thứ ba, Trung Quốc có thể ngăn luồng tiền nội tệ chảy ra khỏi đất nước. Một khi quy định về chuyển tiền ra nước ngoài bị siết lại thì mỗi giao dịch có thể tốn nhiều tuần và gây ảnh hưởng đến các thương vụ M&A quan trọng.

Thứ tư, hiện nay việc vay tiền ngân hàng để mua lại công ty nước ngoài rất dễ dàng. Các công ty quốc doanh hay tư nhân đều có thể vay vốn cho mục địch M&A, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tuy nhiên, bất cứ động thái nào của ngân hàng để siết nguồn tín dụng này cũng có thể làm gián đoạn hoạt động M&A vốn đang rất rầm rộ.

Thứ năm, các công ty Trung Quốc lo rằng đồng nhân dân tệ sẽ trượt giá trong thời gian gần, làm những thương vụ mua bán bằng tiền nội tệ sẽ đắt đỏ hơn. Do đó, họ đang đổ tiền mua các công ty nước ngoài khi đồng tiền của họ vẫn còn có giá. Nếu đồng nhân dân tệ trượt giá mạnh, các công ty Trung Quốc sẽ quay trở lại M&A trong nội địa.

Trong năm tình huống này thì tình huống thứ nhất và thứ ba đã diễn ra. Trung Quốc đã không mua được Western Digital với giá 3,8 tỷ USD và Fairchild Semiconductor với giá 2,5 tỷ USD vì chính phủ Mỹ ngăn chặn hai thương vụ này, viện lý do an ninh quốc gia. Kế hoạch mua lại công ty Qihoo 360 Technology, một công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng đã thất bại vì quy trình kiểm soát dòng tiền của chính phủ Trung Quốc.

Vĩnh Viễn (theo Bloomberg)/VNE

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close