Câu chuyệnKinh doanh

Cuộc chiến thế kỷ giữa Coca Cola và Pepsi đã ngã ngũ, Coca Cola bất ngờ là kẻ thua cuộc?

Mảng kinh doanh thực phẩm đang giúp Pepsi “vượt mặt” Coca Cola.

Khi nhắc tới nước ngọt có ga, nhiều người vẫn thích Coca Cola hơn và bằng chứng là công ty này tiếp tục là đơn vị nắm giữ thị phần dẫn đầu thị trường.

Tuy nhiên, với phố Wall thì câu chuyện lại diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Pepsi đã “vượt mặt” Coca Cola từ nhiều năm qua và có vẻ như xu hướng này sẽ không chấm dứt trong một sớm, một chiều.

Việc Pepsi vừa công bố doanh thu và lợi nhuận vượt dự báo vào thứ 5 vừa qua càng khiến nhận định này thêm phần chắc chắn. Cổ phiếu Pepsi cũng đã tăng 10% trong năm nay trong khi đó Coca Cola lại giảm 2%.

Thậm chí nếu cổ phiếu Pepsi tiếp tục giữ phong độ như vậy, sẽ không lâu nữa giá trị công ty này sẽ vượt cả Coca Cola. Hiện giá trị thị trường của Pepsi đạt hơn 155 tỷ USD, ít hơn 25 tỉ USD so với Coca Cola.

Trên thực tế vào khoảng những năm 2000, giá trị thị trường của Pepsi đã có lúc gần vượt lên Coca Cola. Tuy nhiên nhìn lại toàn bộ lịch sử, hầu như Coca Cola luôn chiếm thế thượng phong so với đối thủ của mình. Dẫu vậy tình huống này có lẽ sẽ không tồn tại lâu nữa.

Cả Coca Cola và Pepsi đều đang cố gắng thích nghi với khẩu vị thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng. Về phần Pepsi, họ đang nỗ lực thu hút giới trẻ và thế hệ X (nhóm người sinh ra từ năm 1961 đến năm 1981) bằng việc hồi sinh dòng sản phẩm Crystal Pepsi.

Cùng thời điểm này, các loại nước ngọt có ga chứa hàm lượng calo lớn và thức uống ăn kiêng cũng bắt đầu bị “thất sủng”. Người tiêu dùng đủ thông minh để nhận ra chúng không thực sự tốt cho sức khoẻ. Nhìn chung, các loại nước ngọt có ga đang mất vị thế trên thị trường so với nước hoa quả, nước uống tăng lực và nước lọc.

Dĩ nhiên, trong tình huống như vậy, cả Coca Cola và Pepsi đều đã thâm nhập vào những thị trường mới. Nếu Coke sở hữu những thương hiệu nước tăng lực và nước lọc như: Minute Mai, Dasani và Powerade, là cổ đông lớn nhất của Mosster thì Pepsi sở hữu Tropicana, Aquafina và Gatorade.

Điểm khác biệt duy nhất và quan trọng nhất có lẽ là Pepsi còn tham gia vào mảng kinh doanh đồ ăn nhẹ và tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nó đang tạo lợi thế để Pepsi “vượt mặt” Coca Cola.

Cụ thể, Frito-Lay, chi nhánh của Pepsi – đơn vị sở hữu những thương hiệu khoai tây như Dorotos, Cheetos và Craker Jack liên tiếp trong thời gian gần đây đều công bố tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Biên lợi nhuận mảng kinh doanh thực phẩm của Pepsi cực kỳ gây ấn tượng đối với các nhà đầu tư. Dù Frito-Lay chiếm ít hơn 20% tổng doanh thu của toàn công ty nhưng mảng kinh doanh này lại đóng góp tới hơn 40% tổng lợi nhuận hoạt động.

Điều thú vị hơn nữa là người tiêu dùng vẫn ưa thích những loại đồ ăn nhẹ dù họ uống nhiều nước lọc, nước tăng lực và ít nước ngọt có ga hơn.

Mảng Frito-Lay gần đây đã hợp tác cùng Berger King để cho ra mắt loại khoai tây chiên có tên Cheetos.

Cuối cùng, tờ CNN vẫn đưa ra lời cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng với cổ phiếu của Pepsi. Cổ phiếu của công ty này đang được giao dịch ở mức cao hơn 21 lần – khá cao so với một công ty có mức lợi nhuận kỳ vọng chỉ tăng 8% trong năm tới.

Dẫu vậy nếu so với Coca Cola, Pepsi vẫn là cổ phiếu đáng để đặt cược hơn. Hiện cổ phiếu của Coca Cola cũng giao dịch ở mức cao hơn 21 lần nhưng lợi nhuận dự kiến trong năm tới chỉ tăng 5%. Ngoài ra lợi nhuận của Coca Cola đã chứng kiến sự sụt giảm trong năm 2015 và có lẽ là cả năm 2016 này.

Chính vì vậy dù là một người yêu thích Coca Cola đến mấy, bản thân cũng đang nắm giữ lượng cổ phiếu không nhỏ của Coca Cola, tờ CNN ám chỉ rằng nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett nên chuyển sang cổ phiếu Pepsi.

Theo Trí Thức Trẻ/CNN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close