Thượng nghị sĩ John McCain sẽ là một trong những chính khách Cộng hòa hiếm hoi dám chống lại tổng thống đắc cử những chuyện như cải thiện quan hệ với Nga và khôi phục tra tấn.
Trong giai đoạn tranh cử, Trump không ngần ngại công kích vị nghị sĩ kỳ cựu như “ông ta không phải anh hùng chiến tranh” hoặc “tôi không thích những người từng bị bắt”. Sau ngày chiến thắng, ông có động thái hòa giải khi chủ động liên lạc với McCain.
“Tổng thống đắc cử đã gọi cho tôi thảo luận về việc đề cử tướng James Mattis cho chức bộ trưởng quốc phòng và vài chuyện khác”, McCain kể lại. Ông nói trân trọng hành động này của Trump.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy McCain vẫn nắm trong tay nhiều lợi thế để đối đầu với vị tổng thống muốn xích lại gần với Nga và đề xuất những chính sách đi ngược lại quan điểm cốt lõi của ông. Trang Politico bình luận Trump sẽ “sớm hối hận” vì những xúc phạm ông McCain trước đây.
Ủng hộ điều tra tin tặc Nga và chống tra tấn
Vừa đắc cử nhiệm kỳ 6 và cũng có thể là là cuối cùng, ông McCain sẽ dẫn đầu vụ điều tra những nghi vấn tin tặc Nga can thiệp cuộc bầu cử hồi tháng trước. Theo CIA, Nga không chỉ làm xói mòn lòng tin vào hệ thống bầu cử Mỹ mà còn can thiệp giúp ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống.
Trước diễn biến này, McCain và đồng minh của ông tại Thượng viện, Lindsey Graham, là 2 nghị sĩ đã ký vào tuyên bố lưỡng đảng cùng với lãnh đạo phe thiểu số là Thượng nghị sĩ Chuck Schumer. Bức thư của các nghị sĩ kêu gọi “cuộc điều tra về khả năng can thiệp của Nga phải là vấn đề chung của các đảng”.
Những nỗ lực của McCain trong vấn đề này đưa ông vào thế đối đầu trực tiếp với Donald Trump. Tổng thống đắc cử ngày 12/12 nói rằng ông không tin Nga can thiệp vào kết quả bầu cử ở Mỹ và gọi kết luận điều tra của CIA là “nực cười”.
McCain có thể ngăn cản việc thông qua một số đề cử của Trump. Ảnh: CNN.
Với cương vị chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông McCain có nhiều quyền hành để “xoay” Lầu Năm Góc và các chính sách quân sự của Trump. Những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp trước mắt là các đề cử lãnh đạo của Trump và việc phê duyệt ngân sách thường niên cho Bộ Quốc phòng.
Dù ông McCain có thể đồng tình với Trump việc tăng ngân sách quốc phòng, họ sẽ nảy sinh bất đồng ở những vấn đề như khôi phục tra tấn hay những lo ngại nhân quyền.
Một số thượng nghị sĩ phe Dân chủ kỳ vọng ông McCain sẽ là tiếng nói quan trọng để kiềm chế tổng thống đắc cử, người từng tuyên bố trong giai đoạn tranh cử sẽ khôi phục hình thức trấn nước và ra tay với gia đình của những phần tử khủng bố.
McCain từng thẳng thắn cảnh báo Trump không được áp dụng lại những biện pháp tra tấn từ thời Tổng thống George W. Bush. “Chúng ta sẽ không bao giờ trấn nước. Những ai muốn áp dụng tra tấn trở lại sẽ phải ra tòa trong tíc tắc”, ông phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Canada năm ngoái.
Vị thượng nghị sĩ cũng chống lại những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm tăng cường quan hệ với Nga trong khi rút dần những cam kết của Mỹ với các đồng minh tại Đông Âu, Trung Đông hay châu Á.
Các chiến thuật để ngăn cản Trump
Một trong những phương tiện để Trump thúc đẩy các chính sách mới là Luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA). Đây là một dự luật quốc phòng do Nhà Trắng cùng nhóm tại ủy ban của ông McCain cùng soạn thảo và phải được thông qua. NDAA bao gồm nhiều nội dung bắt buộc và giới hạn, nhằm buộc Nhà Trắng phải chấp nhận quan điểm của các nhà lập pháp về những vấn đề quan trọng.
“Vai trò của McCain sẽ càng gia tăng ảnh hưởng dưới thời Trump”, Thượng nghị sĩ Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ năm 2016, nói.
McCain dọa sẽ “không bao giờ chấp nhận” ông Tillerson (trái) cho chức ngoại trưởng vì mối quan hệ với Nga. Ảnh: Bloomberg.
So với một người không có kinh nghiệm như Trump, McCain trong hàng chục năm qua đã sử dụng thành thạo các kỹ năng để chống lại những đề xuất của Nhà Trắng.
McCain từng ngăn chặn nhiều kế hoạch của chính quyền Obama và Bộ Quốc phòng để buộc các đề xuất về cải cách quy trình mua vũ khí của mình được thực thi; hoặc cản trở quá trình thông qua một số đề cử lãnh đạo tại Lầu Năm Góc.
Khi Trump chính thức nắm quyền, McCain có thể tiếp tục áp dụng lại những cách làm này. Dù vị nghị sĩ đã ủng hộ mạnh mẽ đề cử tướng Mattis cho chức bộ trưởng quốc phòng, danh sách của Trump vẫn còn hàng chục ứng viên khác cần có sự thông qua của McCain.
Thậm chí, McCain cũng tỏ ý sẽ ngăn chặn đến cùng việc Trump chọn tổng giám đốc ExxonMobil là Rex Tillerson cho chức ngoại trưởng. “Mối quan hệ của ông ta với Tổng thống Putin chính là nguyên nhân gây quan ngại”, ông nói với Fox News.
Theo Zing News