Nhân sựQuản trị

Đánh giá nhân sự: Vẫn còn thói quen định tính

Trong một trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia, cả bình luận viên truyền hình trực tiếp và các bình luận viên sau trận đấu đều ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm của các cầu thủ Việt Nam. Và nhiều khán giả cũng ngợi khen các cầu thủ của chúng ta đã đá một trận rất hay – tấn công nhiều, giành thế chủ động, kể cả khi thi đấu thiếu người với một thủ môn bất đắc dĩ.

Và ai cũng tiếc rẻ là đội tuyển của chúng ta đã thiếu may mắn và thua cuộc. Nhiều người còn dùng những lời lẽ rất hay để khen ngợi và cám ơn các cầu thủ trẻ, các cầu thủ đã chơi một trận cầu tuyệt đẹp, một trận cầu mà chúng ta “thua trong thế thắng”.

Tại một buổi hội thảo, diễn giả hỏi trước hội trường mấy trăm người, ai là doanh chủ, ai là quản lý. Nhiều cánh tay giơ lên. Diễn giả hỏi: “Là chủ doanh nghiệp, cấp quản lý, các anh chị thường đánh giá cao những nhân viên nào, hay chính mình được cấp trên đánh giá như thế nào?”.

Tất cả các câu trả lời từ các doanh nhân, chủ doanh nghiệp và nhà quản lý tham dự hội thảo đều tập trung vào những tính từ như “năng động”, “nhiệt huyết”, “lăn xả”, “trách nhiệm”, “quên mình”, “tận tụy”…

Diễn giả không ngạc nhiên, vì những câu trả lời như vậy ông đã nghe hàng nghìn lần ở hàng trăm buổi đào tạo cho cấp quản lý, cũng như trong các lần phỏng vấn tuyển dụng cả quản lý cấp cao lẫn cấp trung. Và ông nói, đó chính là vấn đề của hầu hết các doanh nghiệp Việt.

Tại sao những câu trả lời như vậy lại là vấn đề của “doanh nghiệp Việt”? Vì như một thói quen, cấp trên hay đánh giá nhân viên thông qua những tiêu chí chung chung như “nhiệt tình”, “đoàn kết”, “chăm chỉ”, “máu lửa”, “lăn xả”, “kỷ luật”… mà chẳng mấy ai quan tâm đến kết quả, chẳng mấy ai nói là mình đánh giá cao những nhân viên có hiệu quả công việc tốt.

Và thực tế, ở hầu hết các doanh nghiệp Việt, trừ vài bộ phận trực tiếp như bán hàng, sản xuất, ở hầu hết các bộ phận gián tiếp khác (hành chính, kế toán, nhân sự), chẳng mấy khi có các tiêu chí đánh giá rõ ràng liên quan đến kết quả công việc.

Trở lại chuyện đội bóng. Các cầu thủ đã lăn xả, đã nhiệt huyết, đã chiến đấu hết mình, đã tạo nên “thế trận áp đảo” và rời sân trong thế “ngẩng cao đầu”… Họ đã làm được quá nhiều thứ, trừ một thứ duy nhất, đó là chiến thắng. Tất cả đều là vô nghĩa, dù cái cách mà các cầu thủ chiến đấu có mang ý nghĩa thế nào chăng nữa. Hàng triệu khán giả mong chờ một kết quả hơn là một “tinh thần chiến đấu” hay một “thái độ lăn xả”.

Trong môi trường doanh nghiệp cũng vậy, người lãnh đạo phải trông chờ (và đòi hỏi) ở nhân viên kết quả công việc hay sự “nhiệt tình”, “chăm chỉ”, “đoàn kết”, hay “chấp hành kỷ luật”. Không có kết quả, hay kết quả tồi, thì những thứ đó trở thành vô nghĩa!

Nhiều người đã rơi nước mắt khi xem trận bóng, rơi nước mắt thương các cầu thủ đã chiến đấu lăn xả đến giờ phút chót trong thế thiếu người và không có cả thủ môn đúng nghĩa. Nhưng có lẽ họ sẽ còn khóc thầm nhiều hơn khi thứ mà họ và hàng triệu khán giả Việt Nam mong chờ là một kết quả thắng thì lại không có.

Trách nhiệm này thuộc về ai? Và, ở doanh nghiệp bạn thì sao?

NGUYỄN HỮU LONG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close