Khởi nghiệpKinh doanh

Dịch vụ thể thao dưới nước mạo hiểm của chàng kỹ sư đóng tàu

Từ số vốn 300 triệu đồng, sau 3 năm thăng trầm, chàng kỹ sư trẻ sinh năm 1985 đã tạo dựng thành công thương hiệu chuyên về dịch vụ du lịch và thể thao mạo hiểm dưới nước.

Tốt nghiệp khoa đóng tàu, Đại học Hàng Hải Việt Nam, sau đấy tiếp tục học MBA tại Anh, rồi quay về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực thiết bị dầu khí, nhưng chàng trai sinh năm 1985 – Nguyễn Đức Hải lại rẽ ngang để xây dựng cho mình một công ty liên quan đến các sản phẩm về thể thao và du lịch dưới nước tại Quảng Ninh.

Hải cho biết, hơn 3 năm làm việc trong lĩnh vực dầu khí, cậu đã có nhiều cơ hội được đến các vùng biển đảo và nhận thấy biển Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng khai thác du lịch, kinh tế nhưng chưa tận dụng hết những gì đang có. Hải thầm nghĩ, tại sao một quốc gia có 3.260km chiều dài bờ biển, 2.773 hòn đảo lớn nhỏ và rất nhiều sông hồ khắp cả nước lại chỉ phát triển mỗi dịch vụ ăn uống, tắm biển là chính chứ chưa khai thác các trò chơi, hoạt động thể thao trên biển?

dich-vu-the-thao-mao-hiem-duoi-nuoc-cua-chang-ky-su-dong-tau

Chàng kỹ sư Nguyễn Đức Hải. 

Trong khi so sánh với các nước tiến bộ trên thế giới, tiêu biểu là Anh quốc – nơi Hải từng có thời gian học tập, sinh sống thì các hoạt động dưới biển luôn là niềm yêu thích của họ. Ngay cả trường đại học của Hải, hay các trường danh tiếng như Oxford, Cambridge đều có câu lạc bộ Rowing với sự tham gia đông đảo của các thành viên.

Điều này làm Hải đắn đo, suy nghĩ về một hướng khởi đầu mới cho đam mê tạo ra những sản phẩm thể thao dưới nước ngay tại quê nhà. Tháng 6/2013, anh quyết định lập nên Công ty Hai Water Sports với mong muốn giới thiệu và cung cấp các sản phẩm thể thao dưới nước phù hợp nhất cho các đơn vị kinh doanh du lịch biển đảo, phát huy tiềm năng du lịch biển của Việt Nam.

“Tôi muốn nâng cao các kỹ năng dưới nước cho người dân cũng như muốn thu hút thật nhiều du khách quốc tế đến với biển đảo. Ngoài ra, tôi muốn khai thác thị trường tiềm năng, rộng lớn này để làm giàu và phát triển kinh tế xã hội”, Hải chia sẻ.

Chọn hướng đi hoàn toàn mới tại Việt Nam, trong khi đại đa số khách hàng chưa hiểu rõ về các trang thiết bị cũng như lợi ích mà các hoạt động thể thao dưới nước mang lại, do đó mô hình của Hải gặp phải sự dè chừng, nghi ngờ về tính hiệu quả. Thêm nữa, điều khó nữa là khách du lịch thiếu kỹ năng nên sợ và không dám thử những trải nghiệm thể thao có tính mạo hiểm dưới nước. Quy mô đầu tư du lịch dịch vụ tại các địa phương chưa lớn nên ngân sách cho mảng vui chơi thể thao dưới nước là hầu như không có. Trong khi đó những sản phẩm mà công ty Hải cung cấp hướng đến khách hàng tại các địa phương là chủ yếu.

Một năm bắt đầu xây dựng hệ thống, sản phẩm và tiếp cận khách hàng, Hải và các đồng sự hầu như không có doanh thu. Hải nhớ như in vào thời điểm giáp Tết âm lịch 2015, công ty lúc đó mới chỉ có 4 người. Tình hình kinh doanh bết bát, sản phẩm không bán được và tiền quỹ cũng đã tiêu gần hết.

Chỉ còn một ngày cuối là nghỉ Tết mà không có tiền để trả lương cho anh em, Hải rất lo lắng và cảm thấy xấu hổ, xen lẫn nỗi lo về con đường phía trước, về kế hoạch thay đổi để tốt hơn trong năm tới.

“Dù buồn vì không tiền, nhưng lúc ấy mấy anh em không hề mảy may hỏi đến tiền lương. Điều này khiến tôi càng cảm thấy có lỗi và cần phải cố gắng hơn nữa để tìm hướng đi mới để họ bớt khổ”, Hải tâm sự và cho biết đang trong dòng suy nghĩ thì chợt có một chiếc ôtô đỗ lại trước cửa công ty. Bước vào là một khách hàng quan tâm tới lô thuyền kayak đơn đang treo trên kệ.

Chưa bao giờ Hải thấy các cộng sự của mình hào hứng và nhiệt tình đến thế khi chăm sóc tư vấn cho khách hàng. Sau khi khảo giá và mặc cả chút ít, khách nhanh chóng chốt mua hai chiếc, trả tiền mặt ngay tại chỗ và cho biết mua làm quà biếu Tết. “Bốn người chúng tôi vui mừng không nói nên lời vì có đủ tiền lương cho anh em ăn Tết và có thêm nhiều hy vọng cho năm mới”, Hải kể lại.

Sau đó, Hải cùng các cộng sự bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch khắc phục những khó khăn đang vướng phải. Để dịch vụ tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng, Hải đã tổ chức CLB Kayak Hạ Long với mục đích giới thiệu rộng rãi các môn thể thao dưới nước, đào tạo kỹ năng sử dụng các môn thể thao dưới nước cho mọi người và tìm kiếm nhân tố phù hợp cho công ty. CLB Kayak Hạ Long còn kết hợp và giao lưu với các CLB Kayak khác trong cả nước, đứng ra tổ chức chương trình giao lưu, giải đua kayak và các sự kiện Ngày hội Kayak thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia và ủng hộ.

Nhờ các hoạt động này mà công ty Hải đã đào tạo cũng như tìm kiếm được các nhân sự phù hợp cho công việc của mình – những người có cùng đam mê thể thao dưới nước, nhiệt tình trong công việc và có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị thể thao. Để chứng minh dịch vụ, sản phẩm của mình có đủ tiềm năng thu hút khách hàng và sinh lợi nhuận, Hải bắt tay vào đầu tư xây dựng mô hình mẫu với hai dự án Cotopark và Cat Ba Water Sports.

Dự án đã tạo được tiếng vang, nhờ đó nhiều người trên cả nước biết đến công ty như là một đơn vị chuyên nghiệp về các sản phẩm thể thao dưới nước. Hải cũng tích cực đi khắp nơi gặp gỡ, giới thiệu tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật cũng như kỹ năng quản lý cho các dự án giải trí dưới nước, nhờ vậy mà nhiều đối tác tin tưởng, cùng hợp tác và phát triển hơn với công ty.

Sau hơn 3 năm kinh doanh với số vốn ban đầu 300 triệu đồng cùng nhân sự chỉ có 3 người, giờ đây công ty Hải đã phát triển lên 12 nhân viên với mức lương tối thiểu 4 triệu đồng một người, doanh thu năm nay ước đạt 5 tỷ đồng. Điều Hải thấy an tâm hơn cả là công ty đã tham gia vào được nhiều dự án quy mô như triển khai Cat Ba Water Sports cùng Little Cat Ba – dự án tour du lịch trải nghiệm kết hợp thể thao dưới nước tại đảo Cát Bà; tham gia tư vấn và cung cấp thiết bị giải trí dưới nước cho FLC Sầm Sơn, FLC Qui Nhơn, Intercontinental Đà Nẵng, Bãi biển Đại Dương của Sun Group tại Hạ Long và các công ty du thuyền tại khu vực Hạ Long, Cát Bà…

Chia sẻ về kinh nghiệm giúp một doanh nghiệp mới có thể trụ vững và trên đà phát triển, Hải cho rằng, điều đầu tiên là cần chọn cho mình một lĩnh vực thực sự đam mê và đầu tư đủ thời gian cũng như tâm huyết để nắm bắt thật tốt lĩnh vực mình chọn.

Song song đó, theo Hải cần phải có đội ngũ thực sự tâm huyết và đủ kỹ năng để giúp mình thành công, có đủ nguồn cung cấp tài chính để phục vụ công việc. Bất cứ nguồn nào có thể huy động, ngắn hạn hay dài hạn đều có ích rất lớn. Ngoài ra, hãy tạo cơ gội gặp gỡ và cộng tác với các đối tác chiến lược; có mối quan hệ mọi cấp độ đủ sâu và rộng để giúp mình bán hàng, quảng bá thương hiệu. Và điều quan trọng không thể bỏ qua đó là sự tư vấn, hỗ trợ của các bạn bè, đối tác đi trước, nhiều kinh nghiệm hơn là đòn bẩy vô giá cho các start-up.

Hải cho biết thêm, con đường tiến ra biển lớn với những sản phẩm tự sản xuất đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vẫn đang là khát vọng lớn mà cậu cùng các cộng sự ngày đêm ấp ủ. Hải tin rằng con đường ấy sẽ đến đích sớm nếu có niềm tin và mãi trung thành với sự chọn lựa của mình.

Hạnh Nguyễn/VNE

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close