CEO ViệtNhân vật

Doanh nhân Đặng Văn Thành: “Gia đình là chỗ dựa vững chắc để tôi vượt qua cú sốc lớn nhất đời mình”

Cú sốc 2012 của ông Đặng Văn Thành đã qua đi. Mới đây, người ta thấy vị doanh nhân gần 60 tuổi lại tươi cười trò chuyện với lớp trẻ, say sưa hát bên người phụ nữ tri kỷ của đời mình & bày tỏ nhiều ấp ủ, dự định mới cho tương lai.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, CafeBiz đã thực hiện một chuỗi bài viết về các doanh nhân, để lắng nghe những chia sẻ về môi trường kinh doanh, những câu chuyện kinh doanh, và tâm tư trăn trở của họ. Mời quý độc giả đón đọc.


Khán phòng của buổi tọa đàm “Chiến lược đến thực thi và trải nghiệm thương trường”, nơi ông Đặng Văn Thành làm diễn giả tại TP HCM, không còn một ghế trống. Đa số là các doanh nhân, những người đã, đang và sẽ khởi nghiệp. Có người nghe tin ông Thành nói chuyện đã bay từ Hà Nội vào để được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ từ ông.

Người đàn ông đã gắn liền với tên tuổi của Sacombank một thời, tưởng chừng gục ngã cách đây 4 năm khi đứa con tinh thần ấy bị thâu tóm, đã trở lại. Người ta thấy ông lại tươi cười trò chuyện với lớp trẻ, say sưa hát bên người phụ nữ tri kỷ của đời mình & bày tỏ nhiều ấp ủ, dự định mới cho tương lai.

“Tôi mất đứa con tinh thần nhưng giờ đi đâu cũng được cảm tình”

“Ông được gì & mất gì khi rời Sacombank?”, câu hỏi dành cho Chủ tịch Thành Thành Công được đặt ra mang theo thắc mắc của nhiều người trong buổi tọa đàm đầu tháng 10 mới đây.

Với chất giọng trầm ấm và điềm tĩnh, ông Thành bộc bạch: “Tôi đã mất ‘đứa con’ mà tôi hằng ao ước sẽ trở thành “Citibank của Việt Nam”. Tôi là người đầu tiên mở ra chi nhánh ở Lào, Campuchia. Tôi cũng là người đầu tiên đưa quỹ Dominic vào Việt Nam. Vậy mà tôi đã không hoàn thành [ao ước đó] được. Tôi rất xin lỗi người đồng sáng lập, khách hàng. Lý do nằm ngoài khả năng của tôi”.

Về “cái được” sau cú sốc lớn năm 2012, ông Thành cho rằng, khi sự việc xảy ra rồi người ta mới nhìn lại, lúc đó họ đánh giá ông là người quản trị tốt. “Uy tín của tôi từ đó được giới doanh nghiệp, tài chính đánh giá cao. Họ thấy rằng những việc làm của mình trước đây là hình ảnh thực, giá trị có thực. Cái an ủi nhất của tôi là giờ đây khi đi đâu cũng có người cảm tình với mình”.

“Đời doanh nhân của tôi, có cái lời là lời… uống thuốc”

“Vậy bây giờ ông có thể trả lời về chuyện Sacombank bị thâu tóm được không?”, nhà báo Quốc Vĩnh, điều phối chương trình đặt câu hỏi tiếp.

Trái với lần từ chối câu hỏi này cách đây 2 năm, doanh nhân Đặng Văn Thành, người đã phải rời bỏ “đứa con ruột” Sacombank trong đắng cay 4 năm trước, đã chia sẻ rất thẳng thắn:

“Tôi là người sáng lập – Chủ tịch Sacombank, với số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng. Khi tôi rời đi và chuyển giao, Sacombank đã có 417 chi nhánh ở Việt Nam, Lào, Campuchia và 9 công ty con, vốn điều lệ trên 10 ngàn tỷ, lợi nhuận hàng năm 4 ngàn tỷ.

Nhậm chức chủ tịch ngân hàng năm 37 tuổi, niềm khát vọng trong tôi rất lớn, bỏ cả công việc nhà đi làm. Làm ngân hàng rất khó. Đây là ngành hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế, là mạch máu của sản xuất, làm cho tiền tệ lưu thông. Nhưng rất tiếc tôi phải rời bỏ giữa chừng, tôi cảm thấy mình có lỗi với cổ đông, những người sáng lập và khách hàng. Lúc ấy tôi phải kiềm lắm để không rơi lệ. Trong cuộc đời, những gì làm không được tôi vẫn còn nung nấu nó, khi nào có điều kiện sẽ làm tiếp thôi.

Hôm nay tôi là chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), một tập đoàn kinh doanh đa ngành gồm mía đường, du lịch, năng lượng, bất động sản, giáo dục… Riêng về mía đường, TTC đang sở hữu 8 nhà máy đường, chiếm 30% sản lượng đường của cả nước. Tôi đang tập trung cho TTC, một tập đoàn có vốn điều lệ trên 11 ngàn tỷ đồng với trên 20 công ty con.”

Ở vào giai đoạn 1994 – 2000, khi kinh tế thế giới biến động phức tạp và ngành ngân hàng trong nước mới “sơ khai”, thì với sức trẻ, năng động, nhiệt huyết, ông đã “tiên phong” đưa Sacombank sớm đi vào hoạt động chuẩn mực sau khó khăn tưởng chừng đứng bên bờ phá sản.

Có lẽ vì quá gắn bó với Sacombank, nên phải đến khi cú sốc năm 2012 qua đi đủ lâu, tinh thần đã bình tâm trở lại, ông Thành mới thú nhận: “Cơn sốc lớn nhất ập đến với tôi là đầu năm 2012. Khi đó tôi mất phương hướng. Gia đình, bạn bè tri kỷ là chỗ dựa lớn nhất. Một số cán bộ trung thành cũng tới lui tôi mới vượt qua. Giờ ngày nào tôi cũng phải uống thuốc lên máu thường xuyên. Trong cuộc đời doanh nhân của tôi, có cái lời là lời… uống thuốc”.

Truyền thông cũng từng đưa tin người ta thấy ông lặng lẽ đi đến nhiều ngôi chùa để tịnh dưỡng và tạm quên đi những muộn phiền vì lẽ sống, tình người, chấp nhận không cố giữ mọi thứ đã không còn thuộc về mình.

Thế nhưng, “đại sóng 2012” không khiến ông Thành gục ngã. Ông trở lại sau những biến cố lớn của cuộc đời. Giờ, sau 4 năm không còn gắn bó với ngân hàng, ông là đại gia mía đường với thị phần chiếm 30% đường của cả nước.

Hiện Thành Thành Công đã là tập hợp của hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trên 5 lĩnh vực chính gồm mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục, nông sản. Đầu năm 2012, báo chí từng đặt vấn đề tập đoàn này chiếm 40% thị trường đường Việt Nam còn hiện nay con số cũng được cho là 30%.

Ông Đặng Văn Thành và đế chế mía đường chiếm 30% thị phần mía đường Việt Nam

Khi ông Thành đến với mía đường, bình quân ngành mía đường của Việt Nam chỉ 60 tấn/ha.

“Tôi phải đi học ở Mỹ, Thái Lan để đưa ra quy trình canh tác, từ chuyện cài 3 tấc tôi cho thành cài 6 tấc, đội bén rễ, dinh dưỡng, độ chịu hạn cục bộ. 2018 tôi sẽ công bố chuyện giá thành mía đường của TCC VÀ Thái Lan sẽ san bằng”.

Giá thành của đường Việt Nam hiện đang ở mức cao hơn gấp rưỡi giá đường của Thái Lan. Tại Việt Nam, giá khoảng 12.4.000 đồng/kg còn ở Thái Lan là 8.000 đồng.

Thành Thành Công được ông Đặng Văn Thành sáng lập cách đây 25 năm. Hiện tại, TTC đã là tập hợp của 20 doanh nghiệp lớn hoạt động trên nhiều lĩnh vực như mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, đầu tư tài chính… nhưng mía đường vẫn là ngành chủ lực.

Đường của TTC cung cấp cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Pepsi, Vinamilk, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Trung Nguyên.

TTC sở hữu các doanh nghiệp mía đường như Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh), Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà – Ninh Hoà, SEC Gia Lai, CTCP Mía đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà….

Hiện 8 nhà máy đường của ông Thành chiếm khoảng 30% thị phần mía đường của Việt Nam.

Mới đây, trước thông tin TTC sắp sửa thành lập doanh nghiệp đường với quy mô cực lớn, chúng tôi cho rằng sẽ có một cuộc sáp nhập giữa 2 doanh nghiệp lớn nhất ngành đường hiện tại là đường Biên Hòa và TTC Tây Ninh. Đặt câu hỏi về thời điểm thực hiện thương vụ này trong cuộc gặp gỡ bên lề sự kiện với chúng tôi, ông Thành xác nhận:

“Ngày 29/9, tôi có trao đổi tại hội thảo rằng TTC sẽ chuẩn bị thành lập một doanh nghiệp đường có quy mô rất lớn, xứng tầm trong ngành mía đường, giống như đại diện cho ngành mía đường của cả nước để TTC tới đây có đầy đủ điều kiện tiếp nhận các đối tác, công nghệ và điều hành trong điều kiện ngày mía đường hết sức khó khăn”.

Làm nước dừa đóng chai vì Bến Tre là… quê vợ

Gác lại câu chuyện về ngân hàng, về mía đường, người ta tò mò về ông Thành với những dự án mới, trong đó có chuyện ông đi làm nước dừa đóng chai.

Chia sẻ về cái duyên đến với công việc khá mới mẻ ở Việt Nam, đem đóng chai nước dừa, lý do mà ông Thành đưa ra khiến mọi người khá ngạc nhiên, bởi với ông, động lực chủ yếu là ở… tình yêu với bà xã. Bến Tre là quê hương của vợ ông, bà Huỳnh Bích Ngọc. Làm nước dừa đóng chai là tạo được công ăn việc làm cho người dân quê vợ, nên ông phải cố gắng làm.

Ông Thành kể: “Tôi còn nhớ có người nói với tôi: Anh Thành ơi, mang tiếng là thủ đô dừa mà Bến Tre chưa có nhà máy xứng tầm, để nâng cao giá trị gia tăng của quả dừa. Nước dừa vốn chỉ được dùng làm nước màu, không có đóng góp gì cho ngân sách quốc gia, không có xuất khẩu.

Tôi có dịp sang Mỹ và mở tủ lạnh ở Mỹ ra thì thấy nước dừa đóng chai rất nhiều. 80% nước dừa của tôi hiện đang xuất khẩu. Họ đòi nhiều hơn nhưng tôi không chịu, tôi muốn tạo thương hiệu của Việt Nam nên tôi để 20% tiêu thụ trong nước.

Ở Việt Nam thì cũng khó lắm, đưa ra thì người ta so sánh trái dừa với hộp nước dừa vì là xứ sở của dừa mà. Tôi cũng phải ghi nhận để tạo thị phần. Cái này có thể giúp cho dân ở Bến Tre. Bến Tre là quê hương của bà xã tôi nên tôi phải cố gắng”.

Được xem là thủ phủ dừa Việt Nam, tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước với trên 70.000 ha, sản lượng hàng năm chiếm 44% sản lượng toàn quốc. Các sản phẩm từ dừa của Bến Tre được xuất khẩu đến trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre.

Tuy nhiên trước đây, trong chuỗi giá trị của các sản phẩm từ dừa, nước dừa tươi chưa được khai thác vì chưa có công nghệ sản xuất hiện đại có thể giữ được chất lượng cũng như đóng hộp để đưa ra thị trường.

“Công ty CP XNK Bến Tre (Betrimex), một thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) hồi tháng 7 đã mắt sản phẩm nước dừa nguyên chất đóng hộp CocoXim được sản xuất ở nhà máy có vốn đầu tư 20 triệu USD ở tỉnh Bến Tre, với công suất 8.000 lít/h, tương đương 37 triệu lít sản phẩm/năm.

Betrimex không chỉ cung cấp các sản phẩm nước dừa tươi thiên nhiên đóng hộp mang thương hiệu CocoXim cho thị trường nội địa mà còn định hướng xuất khẩu qua các quốc gia khác như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Đông”, ông Thành cho biết.

Theo Betrimex, việc đầu tư nước dừa đóng hộp đã nâng giá trị nước dừa lên khoảng 300 lần, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân từ trực tiếp cho đến gián tiếp, giúp cải thiện cuộc sống cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội tại địa phương.

Đây được xem là bước đi của Betrimex nói riêng và Tập đoàn Thành Thành Công nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nước dừa của thị trường trong nước, đưa nước dừa trở thành một dạng nước giải khát phổ biến trên thế giới. Mang lại giá trị gia tăng cho cây dừa, nâng cao tính cạnh tranh, hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm từ dừa, phù hợp với chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020.

“Thấy nhân viên ngồi trên xe con đọc báo, tôi vui lắm”

Quan tâm đến cả việc tạo công ăn việc làm cho người dân quê vợ, nhiều người bảo ông Thành là hình mẫu lãnh đạo nhân trị điển hình. Với ông, niềm hạnh phúc của doanh nhân là nâng cao thu nhập cho nhân viên của mình.

“Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng họ không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Làm sao giữ họ đây? Phải có chính sách, phải có cơ chế.

Tập đoàn tôi giờ có khoảng 400 xe con. Tôi đi thể dục mà nhìn thấy nhân viên ngồi trên xe con đọc báo, tôi vui lắm”, vị doanh nhân họ Đặng tranh thủ “khoe” với mọi người tại khán phòng.

Ông Thành quan niệm, nhân tài có thể thuê nhưng hiền tài thì tổ chức phải biết để phát triển, nuôi nấng, bồi dưỡng. Nếu một tổ chức không có đội ngũ hiền tài lãnh đạo thì tổ chức đó sẽ gặp khó khăn. Nhiều lãnh đạo thường mắc sai lầm rằng chờ thời điểm mới đề bạt. Nhưng theo ông Thành, nếu họ gắn bó lâu dài mà không quan tâm, không có chính sách đề bạt, không thăng tiến, họ sẽ “say goodbye”.

“Hồi tôi mua Đồi Mộng Mơ ở Đà Lạt, tôi không biết làm sao để cạnh tranh với Thung lũng Tình yêu, vốn là điểm đến nổi tiếng ở thành phố tình yêu. Sau đó, tôi nghĩ rằng mô hình Vạn lý Trường Thành mới tạo ra sự khác biệt. Tôi truyền cảm hứng cho những người thợ để họ hiểu, họ cảm thấy họ không phải chỉ là thợ, mà họ chính là những nghệ nhân”.

Hậu phương vững chắc, điểm tựa trong “cơn đại sóng” 2012

Cuối chương trình, ông Thành hát, giọng ông khỏe, và ông còn nhảy rất sung. Rồi người ta thấy “hậu phương” của ông trong cơn “đại sóng” của cuộc đời, người phụ nữ Bến Tre mà ông đã nhắc tới liên tục từ đầu chương trình, xuất hiện trên sân khấu cùng chồng. Họ song ca bài hát “Nổi lửa lên em”, đánh thức những ngọn lửa đam mê, sáng bập bùng & cháy hừng hực như nhiệt huyết doanh nhân của họ.


Ông Thành và vợ song ca trong đêm gala ra mắt Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp tại TP HCM đêm 1/10.

Ông Thành và vợ song ca trong đêm gala ra mắt Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp tại TP HCM đêm 1/10.

Và tạm quên đi những tước vị ông chủ, bà hoàng, tất cả những gì hiển hiện lúc đó chỉ còn là tình yêu, trong từng câu hát, từng ánh mắt và điệu nhảy hân hoan, hạnh phúc của cặp vợ chồng doanh nhân đã ngoại ngũ tuần.

Ông bảo, thời kỳ khủng hoảng, mọi công việc sản xuất, thương mại, ông đều giao lại cho vợ điều hành. Đến cuối ngày được bao nhiêu tiền bà Ngọc gom lại để tập trung ứng cứu kịp thời cho ngân hàng. Vừa bận rộn kinh doanh, bà lại vừa chăm lo, giúp ông giữ vững niềm tin bằng những lời động viên nhẹ nhàng, đầy tình cảm. Nhiều đêm dài thức trắng, cả hai đều trằn trọc không yên, nhưng sáng hôm sau ông vẫn thấy bà mỉm cười săn sóc từng miếng ăn, từng ly nước uống…

“Gia đình là chỗ dựa vững chắc để tôi vượt qua cú sốc mất đứa con tinh thần Sacombank”, ông Thành nói thay cho lời kết của tất cả những thăng trầm đời mình mấy năm qua. “Đó là những tháng ngày tôi không thể nào quên”.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close