Bất động sảnThị trường
Dự án xanh: mỗi người một phách
Việc người mua nhà hiện nay sẵn sàng chi nhiều tiền cho các căn hộ xanh với những tính năng bền vững, tiết kiệm và thân thiện môi trường là lý do giải thích tại sao các dự án được gắn mác xanh có tốc độ bán nhanh hơn, mức giá cao hơn dự án thông thường.
Tuy nhiên, dường như mỗi chủ đầu tư lại có một quan niệm khác nhau về dự án xanh hoặc chỉ coi đó là phương tiện quảng bá đến khách hàng.
Từ trường hợp của Ecolife Capitol…
Cuối tháng 11/2015, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thủ đô (Capital House) chính thức mở bán dự án Ecolife Capitol ra thị trường. Nằm ở trục đường Tố Hữu, dự án gây “sốt” không chỉ bởi có vị trí thuận lợi, mà còn bởi đây là một trong những dự án đầu tiên gắn mác “xanh” khi được Tổ chức IFC cấp chứng nhận EDGE. Dù mức giá không hề thấp, lên tới 28 triệu đồng/m2 (chưa kể phí chênh với những căn đẹp), nhưng đây vẫn là dự án bán hàng tốt với gần 90% số căn chào bán có người đặt mua.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo Capital House, chủ đầu tư đã phải mạnh dạn thay đổi hoàn toàn phương án thiết kế để đạt được các tiêu chí “xanh” cần thiết theo bộ nguyên tắc của IFC.
“Vì thế người mua nhà hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, mức giá mình bỏ ra là xứng đáng với một không gian sống xanh, lành mạnh, thân thiện với môi trường”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, tới khi bàn giao nhà, nhiều khách hàng nhận thấy một số thiết bị, chi tiết như sàn gỗ, tay nắm cửa, bồn tắm, vách kính khu bếp… không đúng theo hợp đồng mua bán đã ký. Trước bức xúc của khách hàng, Capital House khẳng định, Công ty luôn cam kết tôn trọng hợp đồng với người mua ở mọi dự án mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ xây dựng, đồng thời việc thay đổi là có lợi hơn cho khách hàng, tiết kiệm năng lượng hơn.
Lời giải thích này dường như không đủ để xóa đi nghi ngại của khách hàng về một dự án “xanh đâu chưa thấy, tiết kiệm đâu chưa thấy, nhưng cảm giác đồng tiền bỏ ra chưa nhận được sản phẩm xứng đáng là rất rõ ràng”.
…đến việc xác định giá trị thật của dự án xanh
Theo đánh giá của ông Richard Colville, Giám đốc Dịch vụ quản lý tài sản, CBRE Việt Nam, trong dài hạn, một dự án bất động sản phát triển theo tiêu chí xanh sẽ mang lại nhiều giá trị lợi ích cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư. Do đó, đây sẽ là xu hướng được các chủ đầu tư hướng tới trong tương lai gần. Tuy nhiên, có một thực tế là các dự án xanh vẫn theo kiểu mỗi nơi một phách và thường theo ý chí chủ quan của các chủ đầu tư.
Thống kê của CBRE cho thấy, hiện tại chỉ có 22 dự án được chứng nhận LEED và 22 dự án được chứng nhận LOTUS ở Việt Nam. Con số này là quá ít so với tổng số lượng dự án đang triển khai. Trên thị trường, nhiều dự án bất động sản đang sử dụng mác “xanh”, “sinh thái” như một cách để tạo sự quan tâm của khách hàng mua nhà, nhưng phần nhiều trong số này lại không đạt, hoặc mỗi dự án tự đặt ra một tiêu chuẩn riêng, khiến khách hàng không khỏi băn khoăn.
Đại diện Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), ông Đặng Thành Long cho biết, mặc dù thị trường đã bắt đầu nhìn nhận rằng các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể, đặc biệt là những người mua nhà và sinh sống trực tiếp tại các dự án này, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhận thức của chủ đầu tư và người tiêu thụ về các dự án “xanh” vẫn không được cải thiện nhiều, dẫn đến hệ quả là hầu hết dự án gắn mác “xanh” hiện nay chủ yếu mang tính tự phát hoặc là một phương thức quảng bá nhằm thu hút khách hàng.
“Nếu như ở nước ngoài, ngay khi bắt đầu có ý tưởng, chủ đầu tư đã phải tìm kiếm tiêu chí về chứng nhận công trình xanh rồi mới thuê kiến trúc sư, thì tại Việt Nam, quy trình lại ngược lại, thiết kế xong, triển khai rồi mới tìm hiểu các tiêu chí để được cấp chứng chỉ xanh. Điều này dường như không thể bởi cấu trúc công trình đã hoàn thành, khó thay đổi được gì” ông Long nói và cho biết, cách duy nhất là sẽ phải thay đổi tư duy khi tiến hành đầu tư dự án. Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn sàng làm.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc sử dụng hệ thống vận hành hiện đại nhằm giảm tiêu thụ nhiên liệu, phần nào xanh hóa công trình khiến chủ đầu tư tốn kém không ít chi phí. Chưa kể, việc phải “hy sinh” bao nhiêu lợi nhuận để dành một diện tích đất không nhỏ cho không gian công cộng là điều không thể không đắn đo. Nhiều khi việc đưa các vật liệu thân thiện với môi trường vào dự án cũng không khiến chủ đầu tư thoải mái vì… trước nay chưa làm bao giờ. Với thực tế này, thực trạng dự án xanh mỗi nơi một kiểu dường như sẽ còn tiếp diễn.
Báo Đầu tư Bất động sản