Công sởQuản trị

Đừng vô tình trở thành kẻ quấy rối

Chúng ta quá chú trọng những kỹ năng dành cho người bị quấy rối biết bảo vệ bản thân, nhưng cũng nên quan tâm việc giáo dục thanh thiếu niên nhận thức hành vi nào là thiếu lịch sự, hành vi nào có thể trở thành quấy rối, làm tổn thương nhân phẩm người khác.

Cô bạn tôi hồi mới ra trường, làm việc cho một đài truyền hình, lần đầu đến gặp giám đốc X., mọi việc diễn ra suôn sẻ, giám đốc X. hợp tác giúp cô chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn tiếp theo. Cuối buổi làm việc, trong tiếng cười thân thiện của hai bên, cô thấy ông giám đốc đi ra phía sau ghế cô ngồi, chỗ có cái tủ đựng tài liệu và rút giấy tờ gì đó, rồi cô cảm nhận hình như ông ta vuốt tóc cô và một cái hôn thoáng qua trên tóc. Cô không dám nói gì thêm, vội vã rút lui.

Cuộc phỏng vấn tiếp theo vẫn phải đúng lịch hẹn, lần này có thêm người quay phim. Cô gượng gạo làm nốt công việc, không dám nhìn vào mặt ông giám đốc. Chỉ có phóng viên quay phim cứ loay hoay tiến với lùi, có vẻ lúng túng. Rồi công việc cũng xong. Lúc ra về, người quay phim nói với cô: “Em biết ông giám đốc làm trò tệ hại gì dưới gầm bàn không? Ông ta nhìn em và làm trò xấu!”. Cô nghe xong, ngượng quá, không dám hỏi gì thêm, chuyện ấy đã để lại sự tổn thương và sợ hãi lâu dài khi cô làm việc với những người đàn ông khác.

Đối mặt với quấy rối tình dục không dễ dàng. Một cô gái đã 24 tuổi, tốt nghiệp đại học, lại làm trong ngành báo chí và khá hoạt bát, tự tin cũng chỉ biết im lặng trước những hành vi, thái độ quấy rối như vậy thì những cô gái trẻ nhận thức kém hơn sẽ đối diện với sự việc này thế nào để bảo vệ nhân phẩm, tránh rủi ro một cách tốt nhất?

Đó cũng chính là động cơ thúc đẩy người phụ nữ trưởng thành đó nói ra sự việc cũ với tâm nguyện làm sao để giúp cho thanh thiếu niên nhận thức được và có kỹ năng ứng phó với nạn quấy rối. Sự thức tỉnh đó còn được ghi nhận ở một số người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, họ cũng đã công khai câu chuyện bị quấy rối, lạm dụng tình dục ở tuổi niên thiếu để xã hội thấy điều này có thể xảy ra ở bất kỳ môi trường nào, chứ không phải chỉ trong cộng đồng người ít học sống ở nơi hẻo lánh.

Vấn đề là rất nhiều người không nhận thức được mình có thể trở thành kẻ quấy rối tình dục nơi công cộng, công sở với đồng nghiệp, với cấp dưới bằng những câu chuyện tục tĩu, gợi dục, bằng cách suồng sã đụng chạm, và nặng hơn là tán tỉnh, quyến rũ hoặc ép buộc với mục đích thỏa mãn dục vọng.

Nhiều người đang nấp dưới chiêu bài là một người đàn ông hoặc một phụ nữ vui vẻ, dễ tính, chan hòa với người khác giới, nhưng thật ra họ đang dùng “sự vui vẻ” đó để lạm dụng người khác, làm người khác khó chịu, hoặc nặng hơn là tổn thương. Nếu không có vụ việc mang tính chất tố cáo, thì chính những kẻ quấy rối này không biết xấu hổ trước hành vi của mình mà đẩy phần trách nhiệm sang hành vi, cách ăn mặc của đối tượng để tìm sự đồng lõa tạo hỏa mù trước dư luận.

Một kỹ sư trẻ từng gặp vụ việc tương tự mà anh không dám gọi đích danh hành vi “quấy rối”. Khi làm trợ lý cho sếp là phụ nữ, anh kỹ sư trẻ đẹp trai luôn được nghe sếp nói năng dịu dàng, dần dần chăm sóc anh trước mặt những người đồng nghiệp như bẻ lại cổ áo, vuốt cái cà vạt hơi lâu.

Có hôm sếp nói bị chóng mặt, bảo anh đưa bà ra thang máy, bà cứ như lả đi, dựa sát vào người anh, nhiều đồng nghiệp nữ nhìn thấy, mỉm cười một cách ý nhị. Anh kỹ sư trẻ tiếc công việc tốt, không muốn nghỉ, nhưng dần dần anh bị ức chế trước ánh mắt soi mói của đồng nghiệp và sự gần gũi quá mức của sếp. Cuối cùng, tìm được chỗ làm mới thích hợp, anh quyết định ra đi như một cách phản ứng.

Chúng ta quá chú trọng những kỹ năng dành cho người bị quấy rối biết bảo vệ bản thân, nhưng cũng nên quan tâm việc giáo dục thanh thiếu niên nhận thức hành vi nào là thiếu lịch sự, hành vi nào có thể trở thành quấy rối, làm tổn thương nhân phẩm người khác dù chỉ bị dư luận chê trách chứ chưa đến mức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

PHAN HÒA BÌNH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close