Kinh doanh quốc tếThế giới
Fed tăng lãi suất, lo dòng vốn đảo chiều
Kể từ đầu năm, dòng vốn ngoại vẫn chảy về Việt Nam với giá trị thị trường danh mục đầu tư 19,55 tỉ USD.
Cuối cùng, đồng USD cũng đã tăng giá sau sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm. Dưới triều đại của Chủ tịch Janet Yellen, cơ quan này đã 2 lần tăng lãi suất trong vòng 8 năm qua, lần gần nhất là vào tháng 11 năm ngoái. Sự điều chỉnh lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới rõ ràng khiến ngân hàng trung ương các nước phải đau đầu khi USD tăng giá quá nhanh và quá mạnh so với đồng tiền nước họ. Thậm chí, các chuyên gia dự báo cặp tiền tệ USD/EUR 1 đổi 1 chỉ còn là vấn đề thời gian (lần tương đương gần nhất là vào năm 2002). Tỉ giá cặp tiền tệ này đã ở mức 1,0364 USD/EUR vào ngày 15.12.2016.
Dù vậy, sự tăng giá này hầu như không gây ngạc nhiên cho thị trường, vì thế giới đã chờ đợi sự kiện này từ cả năm nay. Điều ngạc nhiên nằm ở chỗ tuyên bố của FED sẽ tiếp tục tăng thêm lãi suất đến 4 lần trong năm sau, trong khi dự báo của thị trường chỉ khoảng 3 lần.
Thực ra, FED không “giỏi” trong việc dự đoán, tờ The Economist nhận định. Cùng thời điểm này năm ngoái, FED tuyên bố lãi suất có thể tăng đến 4 lần trong năm nay, nhưng thực tế chỉ có 1 lần. Dù vậy, lần duy nhất trong năm nay cũng đã đủ làm thế giới đảo điên và những nước nhỏ như Việt Nam hẳn cảm thấy lo ngại. Áp lực mất giá nội tệ so với USD cũng sẽ khiến cho giới đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển để chuyển sang thị trường Mỹ.
“Khi FED bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu áp lực phá giá”, ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, HSBC Việt Nam, nhận định.
Trên thực tế, thị trường Việt Nam tiếp nhận thông tin FED tăng lãi suất khá bình thản. Có lẽ lý do là vì những lo ngại này đã phản ánh hết vào tháng 11 liền trước đó, khi tỉ giá trên thị trường (cả chính thức lẫn thị trường tự do) đều tăng liên tục và đột biến. Hoặc cũng vì động thái can thiệp trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động bán USD ra thị trường. Cơ quan quản lý thị trường tiền tệ thừa nhận đã bán ra, dù không nói chính xác là bao nhiêu, trong khi những nguồn tin khác thì nói rằng lượng bán ra không nhiều.
Tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tính đến ngày 21.12 là 22.154 VND/USD, mức cao nhất kể từ khi tỉ giá trung tâm ra đời và tăng 1,2% so với hồi đầu năm. Các ngân hàng hiện công bố tỉ giá giao dịch ở mức biên độ tối đa 3%. Trong khi đó, diễn biến trên thị trường tự do phức tạp hơn, hiện vượt trên mốc 23.200 VND/USD.
Sự ổn định của thị trường nhờ can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là có cơ sở, đặc biệt khi cơ quan này đang sở hữu nguồn lực đáng kể. Còn nhớ cuối năm ngoái, FED cũng có động thái tăng lãi suất tương tự như trong năm nay. Kể từ đó, Ngân hàng Nhà nước lại mua vào thêm 11 tỉ USD, cơ quan này cho biết. Nguồn lực thứ hai của Ngân hàng Nhà nước đến từ việc bán vốn nhà nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thương vụ gần đây nhất là việc F&N mua lại cổ phần mà SCIC thoái vốn một phần khỏi Vinamilk.
FED dự kiến sẽ có 3 lần nâng lãi suất trong năm 2017. Ảnh: businesspundit.com |
Tỉ giá được kiểm soát chặt chẽ, nhưng một mối lo đang hiện hữu là dòng vốn đảo chiều, nhất là khi có một số tín hiệu báo động trong 2 tháng gần đây. Theo đó, trong tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 340 triệu USD cổ phiếu và trái phiếu, tháng 10 bán ròng 107 triệu USD. Trong số này, chủ yếu là bán ròng trái phiếu chính phủ sau giai đoạn mua ròng 9 tháng đầu năm với giá trị gần 1 tỉ USD. “Ðây là dấu hiệu cần chú ý”, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.
Kể từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại vẫn chảy về Việt Nam với giá trị thị trường danh mục đầu tư đạt khoảng 19,55 tỉ USD, tăng 20% so với cuối năm ngoái. Còn chia theo loại tài sản, khối ngoại hiện nắm giữ khoảng 20,3% giá trị vốn hóa các cổ phiếu niêm yết trên thị trường và chiếm khoảng 5,5% dư nợ trái phiếu, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
“Điều may mắn cho Việt Nam là khối lượng đầu tư trái phiếu chính phủ bằng tiền đồng của khối ngoại rất ít nên chúng ta không thấy tình trạng bán tháo trái phiếu và mua ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài như ở một số thị trường trong khu vực”, ông Khoa, HSBC, bình luận.
Như vậy, trong ngắn hạn, dòng vốn ngoại dường như vẫn ở lại với một nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng. Trong dài hạn, câu chuyện dòng vốn còn nhiều điều cần phải bàn vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ đơn thuần là sức mạnh của đồng tiền. Tuy nhiên, chưa biết dòng vốn có đảo chiều hay không, nhưng áp lực lên tỉ giá thì ngày càng rõ ràng hơn.
Một diễn biến đáng chú ý khác là sau 7 tháng, Ngân hàng Nhà nước khởi động lại thị trường mở (OMO). Theo đó, trong giai đoạn nửa đầu tháng 12, cơ quan này đã bơm ròng khoảng gần 32.488 tỉ đồng ra thị trường. Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu ở tất cả các loại kỳ hạn (để hút tiền về). “Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện tại đã không còn dư thừa nhiều như trong quý III vừa qua”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định. Điều này càng thể hiện rõ khi lãi suất liên ngân hàng đang duy trì mức cao trong thời gian gần đây; hiện lãi suất qua đêm trung bình đã vượt mốc 5%/năm.
Một trong những nguyên nhân là tín dụng nội tệ đang tăng cao vào dịp cuối năm. Thêm nữa, nhu cầu đồng USD tăng cũng khiến các tổ chức tín dụng phải hút tiền đồng về để mua USD đưa ra lại thị trường. Tiền đồng vì thế hiện chịu áp lực kép, càng nặng nề hơn nữa khi chịu tác động từ làn sóng tăng giá đồng USD trên thế giới. Kịch bản tỉ giá tăng trong năm sau không phải là không có khả năng xảy ra, đặc biệt là vào giai đoạn đầu năm 2017.
Thiên Phong