Kinh tế vĩ môThời sự

GDP 2017 đối diện hai thách thức

Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố tuần trước đã giảm dự báo kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,3% trong năm 2017 và 6,5% trong năm 2018, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây của ADB trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO).

Đang có hai thách thức chính sách có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững của Việt Nam nếu không được điều chỉnh hợp lý.  

Thứ nhất, thách thức liên quan đến nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm bội chi ngân sách, trong đó có việc giảm chi tiêu công nhằm giãn áp lực đối với nợ công. Tuy nhiên, điều này cũng làm giảm chi tiêu đầu tư cơ bản và nếu không được cân đối, có khả năng ảnh hưởng tới hiệu quả tăng trưởng trong dài hạn.

Thứ hai, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Các chỉ số kinh tế của Việt Nam, theo dự báo của ADB, sẽ mạnh lên trong năm 2018. Theo đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng tiếp tục xu hướng gia tăng.

Các đơn hàng mới đã tăng liên tục từ tháng 12/2015 cho thấy điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất đã cải thiện. Đơn hàng tồn đọng tăng vào tháng 7/2017 cao nhất trong 6 năm trở lại đây, trong khi lượng hàng thành phẩm tồn kho giảm xuống, cho thấy doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng sản xuất trong những tháng tới.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào sẽ tạo thêm xung lực cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng và tình hình tín dụng thuận lợi hơn trong thời gian gần đây.

Lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng đã xuất hiện trong những tháng gần đây, được “tiếp nhiệt” bởi lãi suất giảm, sức mua tăng và tăng trưởng GDP tốt.

Kế hoạch tăng giá và phí dịch vụ giáo dục và y tế, bên cạnh thông báo mới đây về việc tăng lương tối thiểu 6,5% sẽ có hiệu lực vào năm 2018, sau khi đã tăng 7,0% trong năm 2017, sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát.

Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình có thể đạt 4,5%, dự kiến tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo mà ADB đưa ra vào tháng 4.

Do tăng thu ngân sách cao hơn kỳ vọng, nên mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP trong năm 2017 và 4,0% trong năm 2018 của Chính phủ nhìn chung là khả thi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những nỗ lực đốc thu tiếp theo, và việc kiểm soát chặt chẽ hơn chi ngân sách cho tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác.

Sau 3 năm giảm chi đầu tư, ngân sách 2017 chi cho đầu tư xây dựng cơ bản nhiều hơn và điều này sẽ giúp điều chỉnh cơ cấu chi tiêu công.

GDP 9 tháng năm 2017 ước tăng 6,41% so với cùng kỳ năm 2016. Với đà tăng trưởng GDP 9 tháng qua, để đạt mục tiêu GDP cả năm 6,7% thì quý IV tăng trưởng phải đạt 7,31%. Đây là mục tiêu khá cao nhưng với những kết quả khả quan trong 9 tháng qua, đặc biệt là xu hướng phát triển trong quý III, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu tăng mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 có khả năng đạt được.

(Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm)

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến tiếp tục khả quan nhờ sự hỗ trợ từ các nhà máy mới có vốn đầu tư nước ngoài và giá cải thiện.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy triển vọng xuất khẩu. Đồng thời, do nền kinh tế phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng hóa nên kim ngạch nhập khẩu sẽ tiếp tục ở mức cao.

Hệ quả là thặng dư cán cân vãng lai dự báo sẽ giảm xuống tương đương 1,0% GDP trong năm 2017 trước khi tăng trở lại 2,0% vào năm 2018. Cả hai dự báo này đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4.

Rủi ro khách quan chính đối với triển vọng này là tốc độ phục hồi kinh tế của các nền kinh tế phát triển tiếp tục mong manh. Rủi ro trong nước chính là khả năng Chính phủ quyết định kích thích tăng trưởng bằng việc nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ và tài khóa.

Nợ công hiện đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nên nếu kỷ luật ngân sách yếu sẽ đe dọa quá trình củng cố tài khóa và bền vững nợ. Tương tự, bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu vốn đã và đang là vấn đề nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng.

Nghị quyết mới đây của Quốc hội đã xác định các biện pháp giải quyết một số rào cản pháp lý đang ngăn trở việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xiết chặt quản lý đối với hệ thống ngân hàng, thông qua áp dụng các chuẩn mực Basel II. Để đảm bảo các biện pháp này đạt được hiệu quả, cần nới lỏng những quy định kiểm soát quá chặt hiện nay đối với sở hữu vốn nước ngoài tại các ngân hàng

Tuy vậy, để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn, Chính phủ Việt Nam cần có những cải cách tài khóa để sao cho không ảnh hưởng tới tăng trưởng. Các cơ quan chức năng cần tập trung một cách hiệu quả vào việc áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu vốn đang lấn át khoản chi phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây. Cạnh đó, Việt Nam cũng phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay.

ERIC SIDGWICK – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam/THANH HUYỀN ghi

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close