Doanh nghiệpKinh doanh
Hãng hàng không lớn thứ 3 thế giới đang khủng hoảng nghiêm trọng
Air France – hãng hàng không lớn nhất châu Âu nói rằng 13 ngày biểu tình của cán bộ công nhân viên đã tiêu tốn của hãng khoảng 300 triệu euro (tương đương 358 triệu USD).
Ảnh minh họa.
Cổ phiếu của Air France đã lao dốc 14,5% vào ngày thứ 2 sau khi CEO tập đoàn này tuyên bố từ chức giữa bão khủng hoảng, tranh chấp về lương thưởng với nhân viên. Trong khi đó, phía chính phủ Pháp thì nói rằng dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ cũng sẽ không tung gói cứu trợ để cứu hãng hàng không này.
Cụ thể, Bộ trưởng bộ tài chính Bruno Le Maire nói rằng “tranh chấp giữa người lao động và tập đoàn có thể đe dọa tới sự sống còn của Air France”.
Ông cũng khẳng định dù chính phủ Pháp nắm 14,3% cổ phần nhưng họ sẽ không cứu hãng hàng không này. Trong tuyên bố vào ngày thứ 6, CEO Jean-Marc Janaillac thì nói rằng ông sẽ rời đi vào khoảng giữa tháng 5 sau khi 10.000 công nhân viên và phi công biểu tình chống lại đề xuất lương thưởng từ phía ban lãnh đạo.
Việc thâu tóm KLM vào năm 2004 biến Air France-KLM trở thành tập đoàn hàng không lớn nhất châu Âu và lớn thứ 3 thế giới về lượng hành khách và số km vận chuyển.
Về phía Air France, hãng này nói rằng 13 ngày biểu tình của cán bộ công nhân viên đã gây thiệt hại cho hãng khoảng 300 triệu euro (tương đương 358 triệu USD).
Trong khi đó, báo cáo tài chính quý 1 cho thấy hãng này thua lỗ 118 triệu euro (tương đương 141 triệu USD) và đóng góp vào khoản thua lỗ tới hàng trăm triệu USD này là 75 triệu euro (tương đương 90 triệu USD) vì ảnh hưởng của các cuộc biểu tình.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia phân tích khẳng định không thể có chuyện Air France có thể sụp đổ ngay lập tức. “Tôi không nghĩ có mối đe dọa ngay lúc này rằng Air France sẽ phá sản”, Johannes Braun – một chuyên gia phân tích nói.
Braun nói rằng dù con số thua lỗ ở quý đầu tiên khá tồi tệ nhưng hãng vẫn có bảng cân đối kế toán “đẹp” và họ đang đặt ra kỳ vọng có lãi trong năm 2018.
Điều đáng nói là Air France có “tiền sử” gây phẫn nộ đối với liên đoàn lao động. Năm 2015, cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra yêu cầu lãnh đạo hãng này từ chức sau khi công ty tiết lộ kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm.
Thời điểm đó, Giám đốc nhân sự Xavier Brosesta và Pierre Plissonnier, người đứng đầu các tuyến bay đường dài đã phải trốn thoát qua hàng rào với sự trợ giúp của nhân viên an ninh. Áo sơ mi của Brosesta và bộ complet của Plissonnier đều trong tình trạng bị xé rách.
Theo Trí thức trẻ