CEO Thế giớiNhân vật

Henry Ford – người tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô

Sau 20 năm Ford đã bán được 17 triệu chiếc Model T chiếm gần một nửa tổng số xe được sản xuất trên thế giới trong thời gian đó.

Henry Ford – người sáng lập hãng xe hơi Ford nổi tiếng toàn cầu và cũng chính ông là người đã làm thay đổi hoàn toàn xã hội, lối sống, thương mại và cả lịch sử của hãng Ford bằng việc chế tạo ra chiếc xe hơi Model T và bán rộng rãi ra công chúng. Khi chiếc Model T đầu tiên được chế tạo vào năm 1908, ông nói: “Tôi sẽ chế tạo một chiếc xe hơi cho đa số người dân”. Và ông đã làm được điều đó.

Sau 20 năm Ford đã bán được 17 triệu chiếc Model T chiếm gần một nửa tổng số xe được sản xuất trên thế giới trong thời gian đó. Ngành chế tạo xe hơi đã trở thành điểm tựa cho một nền kinh tế mới. Nó thúc đẩy việc đi lại, mở rộng phạm vi của các khu đô thị và tạo điều kiện cho người dân có thể đến sống ở vùng ngoại ô mà không sợ xa khi đã có phương tiện đi lại mới.

William Clay Ford Jr – cháu ngoại của Henry Ford và là người đầu tiên trong gia tộc đứng đầu hãng Ford trong gần 2 thập kỷ – đã nói rằng, trước khi xe Model T ra mắt thì mọi người không bao giờ đi xa khỏi nhà quá 20 dặm. Đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc trong lịch sử nhân loại. Nó làm thay đổi quyết định của mọi người trong việc sống ở đâu và làm việc ở chỗ nào.

Henry Ford không phải là người đầu tiên chế tạo ra những phương tiện chuyên chở không dùng ngựa. Ông cũng không phải là người đầu tiên nghĩ đến hệ thống máy móc băng tải dùng trong công nghiệp. Các hệ thống băng tải thô sơ đã được ứng dụng từ lâu trong việc sản xuất thịt và thực phẩm đóng hộp. Nhưng ông – một thợ cơ khí tài năng – là người luôn có sở trường biến những ý tưởng hay thành những sản phẩm tuyệt hảo. Ông cũng có ý chí sắt đá cũng như niềm tin mãnh liệt vào các ý tưởng của mình để biến chúng thành hiện thực.

David Lewis, Giáo sư về lịch sử kinh doanh tại Đại học Michigan đã nói: “Ông ấy là một con người đã biết tăng tốc đúng thời điểm và có tầm nhìn xa”. Tầm nhìn sâu rộng đó đã được hình thành từ những kinh nghiệm thu được trên chính trang trại của ông tại Michigan mà từ đó ông đã nảy ra ý tưởng chế tạo ra chiếc máy cày. Nhưng khi nhận thấy mọi người dường như lại thích “một phương tiện có thể di chuyển được trên đường” hơn, nên ông đã bắt tay vào chế tạo một chiếc xe “đủ rộng cho một gia đình nhưng lại đơn giản trong sử dụng và bảo dưỡng và giá cả thấp để một người với một thu nhập kha khá cũng có thể mua được một chiếc”. Đó chính là chiếc xe chạy bằng xăng kiểu Model T. Trông nó hết sức đơn giản, thậm chí thô kệch, không bắt mắt. Nó có giá 850USD vào năm 1908. Với cái giá này, thì nhiều công nhân vẫn không thể đủ tiền để mua nó. Nhưng bằng việc sử dụng hình thức chế tạo ô tô thông qua hệ thống dây chuyền sản xuất hàng loạt tại nhà máy của ông tại Highland Park, ngoại vi thành phố Detroit, H. Ford đã giảm thời gian sản xuất xuống gần 75% và giảm giá xe xuống còn 260 USD.

Bước cuối cùng trong công cuộc cải cách mà ông là người khởi xướng lại chính là điểm đáng lưu ý nhất. Đó là vào ngày 5-1-1914, ông đã công bố việc giảm giờ làm hàng ngày cho công nhân của mình xuống còn 8h/1 ngày (giảm gần 90 phút) nhưng lại với mức lương cao hơn hẳn là 5USD. Giáo sư Lewis đã gọi đây là sự kiện đáng ghi nhớ nhất trong lịch sự phát triển của tiền lương. Bằng việc mang lại cơ hội cho những công nhân trực tiếp chế tạo ra ô tô có thể thực tế có được hẳn một chiếc xe, ông đã có được một thị trường lớn theo như mong muốn đủ để duy trì công ty của mình. Từ đó Henry Ford đã trở thành một nhà công nghiệp nổi tiếng và được trọng vọng nhất trên thế giới.

Nhiều thập kỷ trôi qua, H.Ford ngày càng thu được nhiều tiếng tăm và cả những lời chỉ trích về tác phong làm việc độc đoán, việc theo dõi chặt chẽ công nhân của mình cũng như hàng loạt những câu chuyện mỉa mai chống người Semit được đăng tải trên tờ báo thuộc sở hữu của ông tại Michigan. Công ty Ford của ông cũng chậm chân trong việc thích ứng nhanh với sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng mà giờ đây muốn được tự do lựa chọn màu sắc của xe theo ý thích hay muốn các loại xe có động cơ lớn hơn. Và đây là một sai lầm mà đã làm cho hãng Ford bị đối thủ cạnh tranh General Motor (GM) phế truất khỏi vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe hơi. Vào năm 1927, cuối cùng công ty của ông cũng cho ra đời sản phẩm xe hơi mới Model A. Trong khi sản phẩm này đang được ưa chuộng thì nó lại bị sản phẩm Chevrolet của GM và Plymouth của Chrysler qua mặt. Dù sao thì Henry Ford vẫn là một con người đáng kính trọng – người đã định hình ra một ngành công nghiệp mang tính toàn cầu mà hiện tại hàng năm chế tạo ra hơn 50 triệu phương tiện đi lại và có ảnh hưởng tới tất cả các ngành sản xuất hiện đại.

Một đóng góp quan trọng nữa của H.Ford đó chính là việc phát minh ra quy trình sản xuất công nghiệp theo từng công đoạn. Trước đây thì sản xuất thường theo lối thủ công truyền thống. Có nghĩa là trong cùng một thời điểm thì chỉ có thể chế tạo được một chiếc xe và từng bộ phận sẽ lần lượt được lắp ráp vào với nhau. Nhưng quan điểm mang tính đột phá của H.Ford lại là: Nếu bạn muốn chế tạo 1.000 chiếc ô tô, bạn cần 1.000 (hoặc hơn) “bản sao” của tất cả các bộ phận cần thiết của một chiếc ô tô, từng bộ phận riêng biệt được hiệu chỉnh và chế tạo một cách chính xác bằng máy chính xác để tối đa hiệu quả và đơn giản hoá quá trình lắp ráp.

Sản xuất hàng loạt – một định nghĩa khác xuất phát từ ý tưởng của H.Ford – ngày nay đã được các nhà chế tạo ô tô nắm bắt. Họ tạo ra một vài kiểu dáng khác nhau dựa trên những thành phần cơ bản nhất: một khung gầm, các bộ phận chung và hệ thống máy móc thậm chí cả động cơ giống hệt nhau. Đây chính là con đường mà ngày nay công ty Ford đã áp dụng để chế tạo ra khá hiệu quả xe ô tô Jaguar S-Type, Lincoln LS và sắp tới là một mẫu xe kiểu dáng cổ của chiếc Thunderbird huyền thoại của Ford.

H. Ford hẳn sẽ mỉm cười khi biết rằng 96 năm sau ngày ra đời, công ty Ford dường như đang ở trong tư thế sẵn sàng để lấy lại vị trí số 1 mà đã mất vào tay GM từ lâu. Ngày nay công ty do ông sáng lập đang có một bộ máy điều hành mới đầy nhiệt huyết, hàng loạt các sản phẩm xe cộ mới đầy triển vọng và khoản tiền mặt 24 tỷ USD mà cho phép công ty tiếp tục theo đuổi tham vọng lớn về những vụ thôn tính sát nhập mới. Tập đoàn Ford hiện nay không chỉ sở hữu nhãn hiệu Ford, Lincoln hay Mercury mà còn cả nhãn hiệu Aston Martin và Jaguar của Anh, Volvo của Thụy Điển và cả Mazda của Nhật.

Qủa là không ngoa chút nào William Clay Ford Jr – Chủ tịch tập đoàn Ford – đã đưa ra kết luận về người cụ tổ H.Ford của mình rằng: “Hầu hết mọi người chỉ coi H.Ford như là một biểu tượng của ngành công nghiệp mà không để ý đến di sản về mặt xã hội mà ông đã để lại. Ông đã làm cho chiếc xe hơi trở nên bình dân hơn và ông tin tưởng việc phải đối xử tốt với mọi người. Và những ảnh hưởng, những việc làm của ông sẽ không bao giờ phai nhạt.”

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close