Kinh tế vĩ môThời sự
Hiệp định TPP, “con nuôi” được đối xử tốt hơn “con đẻ”?
Liệu những cam kết, nguyên tắc trong hiệp định TPP có đang ưu ái hơn cho các nhà đầu tư TPP hơn các nhà đầu tư trong nước là một trăn trở đang được đặt ra.
Sáng này 27/10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP về đầu tư: Kết quả rà soát và đề xuất hoàn thiện pháp luật từ góc độ lợi ích doanh nghiệp”.
Cơ bản đã có sự tương thích
Đây là lần thứ 6 trong chuỗi 9 lần rà soát về pháp luật Việt Nam với các hiệp định tự do thương mại.
“Về cơ bản đã có sự tương thích giữa các quy định pháp luật Việt Nam với những cam kết quốc tế”, Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI đưa ra nhận xét.
Tuy nhiên, cũng theo bà, một số nội dung, điều khoản và quan điểm thực thi pháp luật chưa có sự đồng nhất, dẫn tới việc cần phải có sự tập hợp nhiều ý kiến hơn nữa từ các cấp, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh luật sao cho vừa đảm bảo tuân thủ các cam kết TPP, vừa góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nhưng đồng thời vẫn bảo vệ và cân bằng được lợi ích giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư TPP.
Cụ thể, pháp luật Việt Nam bao gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không có quy định phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, trừ thủ tục đầu tư. Việt Nam hiện quy định khá đầy đủ, bình đẳng về các quyền tố tụng và được đảm bảo bởi các cơ quan công quyền.
Cũng theo bà Trang, các nguyên tắc về mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản, với những nguyên tắc về yêu cầu hoạt động, quy định về nhân sự cấp cao… hầu hết đều có sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và cam kết TPP. Chỉ riêng cam kết về việc chuyển tài sản ra nước ngoài hay quy định về thủ tục tham vấn, hòa giải khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật Việt Nam không có các quy định chi tiết như TPP.
Mặt khác, bà Trang cũng lưu ý về một điểm trong TPP là nguyên tắc chuẩn đối xử tối thiểu trong TPP “yêu cầu Nhà nước không được đối xử với các nhà đầu tư TPP kém hơn các nhà đầu tư trong nước”.
Theo đó, nội dung này có thể khiến cho các nhà đầu tư TPP được “ưu ái” hơn các nhà đầu tư trong nước, bà Trang nhấn mạnh.
“Con nuôi” hơn “con đẻ”?
“Đặc biệt, nguyên tắc về đối xử quốc gia trong TPP yêu cầu không được đối xử với các nhà đầu tư TPP kém hơn các nhà đầu tư trong nước. Vậy, liệu trong tương lai, có thể ở một nơi nào đó vì sự thu hút đầu tư TPP, sẽ có sự đối xử ưu ái hơn đối với nhà đầu tư TPP so với nhà đầu tư trong nước”, bà Trang đặt ra câu hỏi.
Do vậy, theo bà đây là vấn đề được đặt ra cho các cấp chính quyền bởi “chúng ta có nên cải cách hệ thống pháp luật, thông lệ, quy định…đối với nhà đầu tư trong nước lên mức mà nhà đầu tư TPP được hưởng hay không?”.
Bà Trang cũng đặc biệt lưu ý đến các nhà đầu tư trong nước hợp tác với các nhà đầu tư TPP bởi chính họ sẽ là đối tượng bị tác động mạnh nhất.
“Lĩnh vực đầu tư trong TPP cũng giới hạn về cam kết chỉ dành cho các nhà đầu tư TPP. Do đó, với các nhà đầu tư trong nước tác động mạnh khi có hợp tác với các nhà đầu tư TPP. Cần biết về những thuận lợi, lợi ích mà đối tác với những nhà đầu tư TPP sẽ được hưởng”, bà nói.
Do vậy, các nhà đầu tư nội cần phải lưu ý tới vấn đề này, để có thể cùng lên tiếng kiến nghị Nhà nước lưu ý sửa đổi luật giúp những nhà đầu tư trong nước có được những ưu đãi, quyền lợi tương tự như các bạn đầu tư TPP được hưởng.
Theo Trí thức trẻ