Câu chuyệnKinh doanh

“Hồi sinh” chất liệu truyền thống

Trong khi một số bạn trẻ có xu hướng lập nghiệp ở nước ngoài thì Vũ Thị Thanh Vân lại về nước để góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc và làng nghề truyền thống Việt Nam. Để thực hiện ước mơ mang thổ cẩm Việt Nam ra thế giới, Vũ Thị Thanh Vân đã thành lập Công ty theMay.

 

“Hồi sinh” chất liệu truyền thống

Tạo sản phẩm đậm chất Việt

Học đại học về kinh tế đối ngoại tại TP.HCM, rồi ba năm sang Nhật Bản làm chuyên viên sale và marketing, phụ trách thị trường Đông Nam Á với mức lương khá cao trong Tập đoàn Asahi Kasei, nhưng Thanh Vân quyết định về nước. Vân kể: “Những ngày làm việc ở Nhật, tôi luôn tìm những sản phẩm truyền thống của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế nhưng rất ít sản phẩm mới lạ. Trăn trở vì sao Việt Nam có đến 54 dân tộc, đa dạng về văn hóa nhưng lại rất ít sản phẩm mang nét văn hóa riêng đã thôi thúc tôi trở về nước và khởi nghiệp với theMay”.

Chọn lĩnh vực phụ kiện trang sức bằng chất liệu thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam là một ý tưởng chưa ai làm. Vân cho biết: “Nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số vốn mang những giá trị văn hóa đặc sắc nhưng đang dần mai một. Nhìn thị trường quà tặng và lưu niệm còn nghèo nàn và đa số đều không khác biệt, không có nhiều sản phẩm sáng tạo, tôi quyết định làm mới nhiều loại sản phẩm truyền thống và đó cũng là cách gìn giữ làng nghề. Tôi đặt ra sứ mệnh hồi sinh những chất liệu truyền thống đặc sắc đang dần mất qua cách thiết kế hiện đại nhưng nét văn hóa vẫn ẩn chứa trong mỗi sản phẩm”.

Mất gần một năm tìm nguyên liệu và lên ý tưởng thiết kế mẫu mã, Vân chọn nguyên liệu làm gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận và thổ cẩm Mỹ Nghiệp để thực hiện bộ sản phẩm đầu tiên. “Đến Ninh Thuận, tôi nhận ra nhiều hoa văn và phương cách dệt truyền thống ở làng Mỹ Nghiệp đã biến mất theo sự ra đi của các nghệ nhân kỳ cựu nên quyết tâm khôi phục. Rồi tôi đến với thổ cẩm của người H’Mông ở miền Bắc và của người Ba Na ở Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác”, Vân chia sẻ.

Không chỉ sáng tạo ra các loại túi xách, khăn quàng, bóp, ví, bông tai, vòng tai, vòng cổ… từ nguyên liệu dân dã như thổ cẩm, gốm, đá, xà cừ, ốc… mong muốn cao hơn của Vân là trang sức, phụ kiện của theMay tạo được phong cách thời trang Boho (hay còn gọi là Bohemian) thể hiện sự phóng khoáng, lãng mạn, tự do đối với các bạn trẻ và những người dưới 50 tuổi.

Cho đến nay, trên thế giới, phong cách thời trang Bohemian có thể được xem như một loại hình thẩm mỹ biểu hiện sự mộc mạc, phóng khoáng, đã truyền cảm hứng không chỉ ở thời trang mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Ngoài điểm nhấn về thiết kế như màu sắc, họa tiết, mẫu mã thì tính ứng dụng luôn được theMay hướng đến, tức là sản phẩm được sử dụng hằng ngày chứ không chỉ là quà lưu niệm hay trưng bày như nhiều sản phẩm làm cho khách du lịch hiện nay. Đó là điểm khác biệt trong cách kinh doanh của theMay. Ví dụ, một đôi bông tai thông thường chỉ đeo được một kiểu thì bông tai của theMay có thể ráp thành hai đến ba kiểu cho từng bộ trang phục. Khách hàng cũng có thể tự thiết kế mẫu và đặt hàng cho theMay làm. Mỗi năm theMay ra mắt ba bộ sưu tập và mỗi bộ có trên dưới 20 mẫu sản phẩm với giá từ 150.000 đồng cho đến 1 triệu đồng/mẫu.

Ngoài điểm nhấn về thiết kế như màu sắc, họa tiết, mẫu mã thì tính ứng dụng luôn được theMay hướng đến, tức là sản phẩm được sử dụng hằng ngày chứ không chỉ là quà lưu niệm hay trưng bày như nhiều sản phẩm làm cho khách du lịch hiện nay.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, những phụ kiện của theMay trình diễn kết hợp với áo dài truyền thống đã được nhiều người đón nhận và khen ngợi. Ngay sau đó, một số mẫu được khách nước ngoài chọn mua với giá 2-3 triệu đồng/bộ và một số mẫu đã được Vân đem đấu giá gây quỹ cho Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng (LIN) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thế giới

Nhưng làm thế nào để sản phẩm đến được với người dùng? Tìm đến các cửa hàng thời trang để trưng bày nhưng liên tục bị từ chối vì ngại sản phẩm không hợp phong cách của cửa hàng, vì tiền hoa hồng không nhiều. Vân kiên trì bằng nhiều cách như liên hệ với các doanh nghiệp, các sự kiện để hợp tác, giới thiệu sản phẩm, đồng thời sử dụng các kênh quảng cáo online trên Facebook và fanpage…

Sau hai năm, khi đã có lượng khách hàng nhất định, Vân mở cửa hàng ở đường Hai Bà Trưng, quận 1 để vừa trưng bày vừa để khách du lịch tìm hiểu về thổ cẩm và làng nghề Việt Nam thông qua các bộ sưu tập.

“Hằng tuần, tôi mời các nghệ nhân đến cửa hàng để chia sẻ về văn hóa làng nghề, thu hút khá đông bạn trẻ và du khách đến nghe. Nhiều khách nước ngoài đã chăm chú đọc lời giới thiệu trong catalogue của theMay. Song điều tự hào nhất là không ít người tỏ ra ngạc nhiên khi biết đây là sản phẩm được những người trẻ Việt Nam thiết kế”,  Vân kể.

Vân chia sẻ: “Ông bà xưa nói, trong cái khó sẽ ló cái khôn. Ngày xưa tôi rất rụt rè và muốn “an toàn” trong công việc, nhưng bước vào khởi nghiệp, tôi đã vượt qua chính mình, dám bỏ ra 5-10 triệu đồng để làm thử một mẫu sản phẩm, bù lại tôi đã học được cách vượt qua nỗi sợ bản thân, dám đưa ra quyết định và bảo vệ quyết định của mình”.

Trong kinh doanh, cái khó nhất là làm sao có được ý tưởng sáng tạo để cho ra những sản phẩm khác biệt. Biết là những thiết kế mới cũng sẽ có lúc bị người ta “nhân bản”, nhưng giá trị thặng dư mà tôi có được nguồn năng lượng tích cực khi được làm công việc mình yêu thích và có ý nghĩa đối với cộng đồng.

Để thực hiện ước mơ đem sản phẩm văn hóa Việt Nam đến với thế giới, Vân cho biết sẽ tiếp tục sáng tạo những bộ trang sức kết hợp với áo sơ mi, áo dài, trang phục dạ hội… và các mẫu trang sức phù hợp với nhiều phong cách, độ tuổi.

Vân kỳ vọng sẽ tạo xu hướng và thay đổi quan niệm của các bạn trẻ cho rằng chất liệu truyền thống, thổ cẩm chỉ phù hợp độ tuổi trung niên và không mốt. Thông qua các trang thương mại điện tử, tour du lịch đưa khách đến Việt Nam, theMay sẽ tiếp cận trực tiếp với người dùng nước ngoài, cũng như tìm thêm một số đối tác ở các nước để phân phối sản phẩm theMay ở các nước sở tại.

Ngoài trang sức, theMay cũng sẽ mở rộng nhiều sản phẩm khác như trang trí nội thất, tranh thổ cẩm, đồ lót ly bằng thổ cẩm hay liễn treo tường, tranh gốm… để góp phần làm phong phú thêm sản phẩm truyền thống Việt.

Ý Nhi

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close