Câu chuyệnKinh doanh

Khi các tài phiệt cũng phải nghe lời mẹ

Để giải quyết vấn đề của tập đoàn Lotte, hai anh em nhà Shin có lẽ cần ghi nhớ một lời khuyên đã có từ lâu đời: mẹ biết điều gì là tốt nhất.

Khi các tài phiệt cũng phải nghe lời mẹ

Theo Bloomberg News, hôm 29/6 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin và cựu Phó chủ tịch Tập đoàn Lotte Holdings Shin Dong-joo đã hội ngộ lần đầu tiên sau hai năm tranh giành quyền kiểm soát tập đoàn lớn thứ năm tại Hàn Quốc.

Điều gì đã thúc đẩy cuộc hội ngộ này? Giống như nhiều cậu con trai ngoan ngoãn khác, anh em nhà Shin quyết định vâng lời mẹ. Và dù không thể đi đến một thoả thuận chung, nhưng cả hai đều công nhận rằng hoà giải là cần thiết.

Đây chỉ là khởi đầu, đặc biệt là nếu anh em nhà Shin muốn cứu Lotte – tập đoàn có doanh thu còn cao hơn cả Google, sau khi người anh cả giành quyền kiểm soát, lật đổ người cha và sa thải em trai. Bên cạnh đó, gia đình nhà Shin còn phải đối mặt với các cáo buộc biển thủ công quỹ và dính vào bê bối đã “hạ bệ” cựu tổng thống Hàn Quốc.

Tuy nhiên, thay vì đoàn kết, có lẽ anh em nhà Shin sẽ chấp thuận chia đôi đế chế Lotte. Nhờ đó, họ vẫn sẽ được thừa kế một phần sản nghiệp của cha mình, nhưng lại không phải làm việc cùng nhau.

Hiện nay, Tập đoàn Lotte cũng đã bắt đầu chia thành các công ty riêng rẽ, bao gồm Lotte Shopping (phụ trách mảng trung tâm thương mại), Lotte Chemical (phụ trách mảng hóa chất) và Lotte Confectionery (phụ trách mảng bánh kẹo). Bên cạnh đó, Lotte đã lên kế hoạch cho một đợt IPO có thể có trị giá 4,5 tỉ USD cho đơn vị khách sạn của tập đoàn, chia nhỏ đế chế Lotte, giúp phân chia kinh doanh dễ dàng hơn.

Phương án chia tách này đã từng xuất hiện trên thế giới.

Một thập kỉ trước, mẹ của Mukesh và Anil Ambani đã lập ra một hiệp ước hoà bình giữa hai con trai, giúp tập đoàn lớn nhất Ấn Độ đạt được thành công sau khi chồng bà qua đời mà không để lại di chúc. Cổ phiếu của các công ty Ambani đã tăng giá mạnh sau khi bà chủ gia đình thuyết phục các con trai chia đôi tập đoàn và chấm dứt tranh giành.

Hai anh em nhà Ambani đã chia đôi tập đoàn; trong đó, người anh tiếp quản các lĩnh vực lọc dầu, hoá dầu và dầu khí, và người em nắm giữ các công ty năng lượng và viễn thông. Anh em nhà Ambanis đã ký kết một thoả thuận năm năm không cạnh tranh và “ai đi đường nấy”. Cổ phiếu của các công ty tăng vọt: cổ phiếu của Reliance Industries Ltd. thuộc sở hữu của người anh đã tăng từ 160 rupee/cổ phiếu lên mức kỷ lục 1.649 rupee vào năm 2008.

Tất cả đều công bằng khi có tình yêu và các thoả thuận không cạnh tranh.

Chiến lược “chia rẽ và chinh phục” còn tỏ ra hiệu quả hơn tại chuỗi siêu thị Aldi tại Đức.

Hai anh em Karl và Theo Albrecht thành lập chuỗi siêu thị này vào năm 1946 sau khi tiếp quản cửa hàng tạp hoá của mẹ mình. Sau đó, họ đã chia đôi chuỗi siêu thị, tạo ra Aldi Nord và Aldi Sud, vào năm 1960 sau tranh cãi về vấn việc có nên bán thuốc lá.

Cả hai thương hiệu Aldi đều tiếp tục mở rộng ra toàn thế giới, ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh tạp hoá toàn cầu và giúp hai anh em trở thành tỉ phú lớn trước khi họ lần lượt qua đời vào năm 2010 và 2012. Hai anh em đã có những chiến lược khôn ngoan khi còn sống: họ tuyển dụng các quản lý chuyên nghiệp không phải là người trong gia đình nhằm tránh xuất hiện thêm các tranh chấp gia đình.

Lotte nên đi theo con đường này. Thay vì cố gắng “hất cẳng” em trai mình để giành quyền kiểm soát, Shin Dong-joo nên nhường nhịn. Đồng thời, Shin Dong-bin, chủ tịch đương thời, nên chia sẻ một phần công việc kinh doanh với anh trai mình. Và cả hai cần ghi nhớ một lời khuyên đã có từ lâu đời: mẹ biết điều gì là tốt nhất.

Theo Quỳnh Mai

Trí thức trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close