Khởi nghiệpKinh doanh
Khởi nghiệp: Hãy khát khao, nhưng chớ dại khờ
Năm 2016 được lấy là Năm khởi nghiệp của Việt Nam. Chính phủ đã đưa ra chương trình Silicon Valley Việt Nam với sự tham gia của hàng loạt ngân hàng, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư. Cùng với đó là chuỗi những hội thảo, sự kiện được tổ chức nhằm kết nối giữa các công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư với mong muốn tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp. Và hàng loạt công ty khởi nghiệp đã xuất hiện. Thực tế “câu chuyện khởi nghiệp” tại Việt Nam đang diễn ra thế nào?
Không dành cho tất cả
Tổng giám đốc Standard Chartered là Scott Lars đã viết trên Launch (là nơi quy tụ cộng đồng startup mạnh nhất hiện nay) thế này: “Các công ty khởi nghiệp hãy ngưng pitching (thuyết trình) gọi vốn mà hãy tập trung vào khách hàng đang trả tiền cho các bạn, bởi các công ty cần có khách hàng thực sự và có doanh thu thực sự. Nếu không, những nhà đầu tư thực sự sẽ không đầu tư. Đó là kinh doanh!”.
Ý kiến của Scott Lars tạo nên một cuộc tranh luận lớn trong giới khởi nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra một thực tế rằng, rất nhiều công ty được gọi là khởi nghiệp đang hoạt động phần lớn chỉ dựa trên một ý tưởng mà nhóm (team) sáng lập coi là hay ho. Tuy nhiên, điều thiếu của những ý tưởng đó là khả năng thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm của mình và tạo ra dòng doanh thu.
Tại một sự kiện về khởi nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Điệp – Sáng lập/CEO của trang thương mại điện tử Vật Giá đã chia sẻ: “Bản chất cuối cùng của kinh doanh là con số. Ý tưởng có hay thì bạn hãy chứng minh bằng con số, data khách hàng là bao nhiêu, doanh thu là bao nhiêu và lợi nhuận thu về là bao nhiêu”. Hay nói một cách dân giã hơn thì: “Không có lợi nhuận thì đừng có lý luận”.
Bản chất một công việc kinh doanh là tạo ra lợi nhuận. Công ty khởi nghiệp cũng vậy, câu hỏi ban đầu đặt ra có thể là từ những mục tiêu lớn: “Công ty có gì đóng góp cho xã hội?” nhưng đừng bao giờ quên câu hỏi quan trọng sau cuối: “Công ty có thể kiếm tiền bằng cách nào?”. Rất nhiều công ty khởi nghiệp thử nghiệm ý tưởng của mình mà không biết đến lúc nào dòng tiền mới về. Tỷ lệ các công ty khởi nghiệp thất bại sau 2 năm đầu tiên lên tới hơn 80%. Trong số trụ được, chỉ dưới 5% thực sự bứt phá, phần còn lại thì chỉ đủ sống qua ngày. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp, ai cũng nghĩ mình thuộc về 5% tỏa sáng.
Đặc điểm chung của những người khởi nghiệp là lãng mạn. Sau khi có ý tưởng (tự đánh giá là “hay”), những nhà sáng lập lao vào làm việc và thử nghiệm, và chờ đợi đến ngày có thành quả. Bạn hãy cứ là một người lãng mạn, nhưng nếu muốn trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, bạn cần phải biết “lãng mạn một cách thực tế”. Vậy nên, sau khi bay bổng với giấc mơ của mình, hãy trở lại với thực tế là tìm được nguồn lực để nuôi sống ước mơ. Rất nhiều nhà sáng lập (founder) sau một thời gian cháy bỏng với đam mê cũng đối mặt với bài toán thực tế khắc nghiệt cơm áo gạo tiền.
Rất nhiều công ty khởi nghiệp không thể sống sót trước khi có dòng tiền quay lại. Điều trớ trêu là khi doanh nghiệp không có dòng tiền, việc gọi vốn sẽ rất khó khăn. Nhưng khi có dòng tiền, có khách hàng, việc gọi vốn lại lập tức trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Cuối cùng, công ty khởi nghiệp vẫn cần phải tập trung vào sản phẩm và khách hàng để tạo ra dòng tiền hơn là tập trung vào việc gọi vốn.
Một trong những ảo tưởng của việc khởi nghiệp là chúng ta nghĩ rằng khởi nghiệp sẽ có rất nhiều tiền, sẽ có nhiều thời gian và có nhiều quyền lực. Điều này tạo nên một xu hướng là khởi nghiệp theo phong trào. Nhưng, khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người. Và thực tế thì không phải khởi nghiệp lúc nào cũng là lựa chọn đúng. Bởi một người có thể theo đuổi và trở thành một thầy giáo giỏi, một bác sĩ giỏi vẫn có đóng góp cho xã hội lớn hơn rất nhiều so với một doanh nghiệp khởi nghiệp làng nhàng. Đừng khởi nghiệp theo phong trào bởi khởi nghiệp không phải là lựa chọn duy nhất.
Khởi nghiệp không phải là con đường duy nhất để thành công |
Vẫn cần cổ súy khởi nghiệp. Tại sao?
Không phải tự nhiên Chính phủ đã có rất nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong năm qua. Và thực tế, tiếng nói từ cộng đồng khởi nghiệp đã được Chính phủ lắng nghe, và được đáp ứng, đó là đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, sửa Bộ luật Hình sự (Điều 529)… Điều đó đã giúp môi trường khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn nhiều. Những công ty hàng đầu Việt Nam một thời cũng đã từng là những công ty khởi nghiệp.
Mặc dù có nhiều công ty khởi nghiệp thất bại nhưng một công ty khởi nghiệp thành công như FPT thôi cũng đã cung cấp được rất nhiều dịch vụ giá trị gia tăng đến cho xã hội, đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước và đem lại công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động. Kể cả doanh nghiệp thành công ở quy mô nhỏ hơn thì việc có thể “gánh đỡ” cho xã hội 5-10 lao động, giúp nhân viên của mình có một cuộc sống ổn định cũng đã là điều rất đáng khuyến khích.
Xét cho cùng, những người đam mê khởi nghiệp là những người mơ mộng, bởi nếu nhìn trên tỷ lệ những công ty thất bại/công ty thành công thì những người có đầu óc logic thông thường sẽ không chọn con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều những sản phẩm tuyệt vời và những công ty tuyệt vời đã được tạo dựng từ những “kẻ mơ mộng” như vậy. Vì mơ mộng nên nỗi sợ thất bại thường hiếm khi khiến họ lùi bước. Drew Houston – sáng lập/CEO của Dropbox đã nói: “Đừng lo về thất bại. Bạn chỉ cần đúng một lần”.
Những con đường dễ dàng hơn dành cho người khởi nghiệp:
– Cloning: Đây là cách bắt chước những mô hình đã thành công. Rất nhiều công ty khởi nghiệp ở nước ta đã đi theo con đường này và gặt hái thành công. Phương pháp này đảm bảo bởi mô hình đó đã được chứng minh là thành công và khách hàng tiềm năng là chắc chắn có. Ví dụ mô hình Groupon khi đã được chứng minh thành công, lập tức một loạt mô hình cloning đã xuất hiện ở nước ta và tồn tại đến giờ, như MuaChung, HotDeal. Hay, mô hình Tiki ở Việt Nam có sự tương đồng rất lớn với Amazon – từ một cửa hàng bán sách online trở thành một đại siêu thị lớn nhất thế giới. Cloning là một hướng đi an toàn và luôn có thị trường dành cho những sản phẩm cloning, miễn là bạn phải xuất hiện đúng lúc và đúng thời điểm.
– Bản địa hóa: Tuy rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nhưng trên thực tế, mỗi quốc gia vẫn có những đặc điểm riêng về địa lý, dân số và thói quen tiêu dùng khác biệt. Nếu tìm thấy có sản phẩm ở một nơi nào đó thực sự xuất sắc, bạn có thể nhập khẩu về, bản địa hóa nó để mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Hàng loạt cửa hàng hoa quả nhập khẩu, những chuỗi thực phẩm sạch đang thực hiện theo cách làm này. Kể cả đối với công nghệ – lĩnh vực được coi là phẳng nhất của thế giới phẳng, thì vẫn có thể bản địa hóa sản phẩm được. Ví như Grab khi cạnh tranh với Uber đã biết rằng ngoài kia có nhu cầu rất lớn của những người muốn đi xe ôm và họ đã tung ra sản phẩm Grab Bike. Hay ở Trung Quốc, khi việc truy cập facebook khó khăn (do chính phủ cấm) thì xiaonei đã trở thành công cụ thay thế. Hoặc, nắm bắt được nhu cầu muốn tải video của người dùng nên trình duyệt Coccoc tích hợp tính năng này khiến Coccoc trở thành đối trọng của trình duyệt Google Chrome tại thị trường nước ta.
– Nhượng quyền (Franchising): Đây là mô hình “chìa khóa trao tay”, giúp doanh nghiệp nhận nhượng quyền có thể có được toàn bộ bí quyết về sản phẩm, cốt lõi vận hành, kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ về marketing và quyền sử dụng thương hiệu mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã trở nên lớn mạnh nhờ vào cách mua nhượng quyền của những thương hiệu lớn.
Jardines Group là công ty chuyên mua nhượng quyền của những thương hiệu ẩm thực nổi tiếng thế giới và triển khai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đang là đại diện tại khu vực này của những cái tên đình đám như Starbucks, KFC, McDonald’s… Kể cả trong lĩnh vực công nghệ, nếu bạn có đủ năng lực và chuyên môn để trở thành đại lý của Facebook và Google thì công việc kinh doanh sẽ bền vững hơn rất nhiều so với một công ty khởi nghiệp với sản phẩm lõi chưa được chứng minh.
Nhượng quyền là một trong những cách khởi nghiệp dễ dàng hơn, cơ hội thành công cao hơn. |
HOÀNG TÙNG – Founder Pizza Home và Coffee Bike