CEO ViệtKhởi nghiệpKinh doanhNhân vật

Khởi nghiệp là cô đơn, nước mắt, là mơ mộng và ảo tưởng… nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn startup!

CEO Hoàng Đức Minh của dự án Wake it up và Kindmate đã chia sẻ nhưng tâm sự rất thật lòng về khởi nghiệp, về con đường dẫn anh đến với mô hình startup vì xã hội.

Khởi nghiệp là cô đơn, nước mắt, là mơ mộng và ảo tưởng… nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn startup!

Câu chuyện siêu nhân

Từ bé đến lớn, ước mơ của tôi chẳng hề thay đổi, làm được điều gì đó hoành tráng để cứu thế giới. Điểm khác biệt là khi còn bé, nhân vật mà tôi theo đuổi là Super Man, khi lớn lên, tôi muốn được như Nelson Mandela, còn bây giờ, tôi đọc về con đường của Zuckerberg hay Elon Musk.

Tôi sinh ra trong một gia đình tri thức, đặc biệt có người cha là một nhà khoa học về khí hậu. Những câu chuyện về băng tan, cháy rừng, nước biển dâng của ông đã ám ảnh tuổi thơ của tôi, những trải nghiệm đó khiến tôi đã lựa chọn trở thành một nhà hoạt động bảo vệ môi trường khi mới bắt đầu bước chân vào đại học.

Năm 18 tuổi, kế hoạch của tôi là biến tổ chức do mình sáng lập trở thành 1 tổ chức phi chính phủ thành công, và vị trí cao nhất trên con đường sự nghiệp của tôi là làm việc cho Liên Hợp Quốc. Những năm tháng tuổi trẻ, khi bạn bè miệt mài trên giảng đường đại học, công việc chính của tôi là trở thành 1 phần của phong trào chống Biến đổi khí hậu toàn cầu, tham gia vào những hội thảo quốc tế, biểu tình trước cửa trụ sở Liên Hợp Quốc, tổ chức các chiến dịch quốc gia về bảo vệ môi trường, có khi là đi nhặt rác quanh các hồ vào ngày ông Công ông Táo.

Tôi bỏ ngang việc học vào năm thứ 4, theo đuổi toàn thời gian các dự án của mình. Tôi chưa bao giờ hoài nghi về tương lai của mình, tôi chắc chắn sẽ là một nhà hoạt động xã hội.

Định kiến về doanh nhân hay nỗi sợ hãi kinh doanh

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ khởi nghiệp, kể cả khi được lựa chọn vào danh sách 30 Under 30 của Forbes với tư cách của một nhà hoạt động xã hội dưới tuổi 30. Với tôi, kinh doanh nghĩa là buôn bán, là sẽ phải đối mặt với lỗ lãi, hàng tồn kho, trong khi tôi chẳng có vốn, và đặc biệt mắc “bệnh” chung của nhiều người hoạt động xã hội là không coi tiền là mục tiêu to lớn lắm trong cuộc đời.

Thậm chí trong mắt tôi, doanh nghiệp đem lại một cảm giác rất khó tả, họ vừa là nhà tài trợ tiềm năng đồng thời cũng có thể là thủ phạm hàng đầu của những thảm họa về ô nhiễm hay trốn thuế, lao động trẻ em ….

Khi trở nên trưởng thành hơn, tổ chức của chúng tôi bắt đầu nhìn nhận lại về những điều mà chúng tôi đã làm được, và đặt câu hỏi về tương lai của mình. Chúng tôi có thể giúp đỡ được bao nhiêu người, chúng tôi sẽ trồng bao nhiêu cái cây, sẽ bảo vệ được bao nhiêu con tê giác? Càng thành công, câu hỏi về những gì tiếp theo càng lớn, và chúng tôi nhận ra mình càng nhỏ bé.

Chúng tôi bắt đầu nghĩ về những hướng đi khác với gì mình đã làm.

Có 1 ngày tôi đã tự hỏi, rằng tổ chức phi chính phủ nào có tác động sâu sắc nhất tới thế giới, đáp án lúc đó lại là Google, và Facebook. Hai sản phẩm này đã thay đổi sâu sắc cuộc sống của cả tỷ người trên thế giới. Chúng tôi, những tổ chức phi lợi nhuận là một trong những kẻ được lợi to lớn từ những công cụ miễn phí này. Quy đổi ra, đó là một số tiền không lổ.

Khi chúng tôi bắt đầu nhận ra điều này, cả một thế giới mới mở ra trước mắt chúng tôi. Wikipedia, Wikihow, Khan Academy, Indiegogo, Change.org, GoFundMe, AirBnB… đều là những doanh nghiệp đã tạo ra những sự thay đổi tích cực to lớn trong xã hội bằng công nghệ. Không chỉ thay đổi thế giới, những người đứng đầu các công ty này có thể thu được lợi nhuận to lớn và tiếp tục tái đầu tư cho thế giới qua các quỹ phi lợi nhuận.

Khởi nghiệp khi không biết… khởi nghiệp

Chúng tôi nhận ra điều đó sau khi vừa chiến thắng 1 cuộc thi Hackathon với ý tưởng là một website kết nối các tình nguyện viên với các sự kiện xã hội đang diễn ra xung quanh họ mang tên Tử tế là (tutela.vn). Nhận được 10.000 USD tiền thưởng để đầu tư, một đội ngũ khá ăn ý, uy tín và mối quan hệ trong giới, mọi thứ có vẻ thuận lợi để bắt tay vào khởi nghiệp.

Vấn đề duy nhất: Chúng tôi chưa bao giờ thực sự vận hành một sản phẩm công nghệ.

Tiền hết sau 4 tháng, sản phẩm chạy thử nghiệm thành công với 35.000 thành viên và 40 sự kiện, hỗ trợ 2 chiến dịch lớn lúc bấy giờ là #6700cayxanh và #SaveSonDoong. Thế nhưng chúng tôi hoàn toàn không có một đồng doanh thu nào cả, công ty hoạt động không khác gì một tổ chức phi lợi nhuận. Sai lầm lớn nhất của chúng tôi là đã theo đuổi chức năng mà hoàn toàn không nghĩ gì đến mô hình kinh doanh. Một sự thật rất phũ phàng hiện ra trước mắt: nếu người dùng không trả tiền thì có nhiều người dùng cũng chả để làm gì.

Thời gian tiếp đó, lập trình viên duy nhất rời khỏi nhóm, thành viên khác thì có người du học, có người vào Nam sinh sống. 3 người còn lại thậm chí đã có lúc xuống Cát Bà làm du lịch để nuôi sống bản thân. Đến tận lúc đó, chúng tôi vẫn chưa nghĩ tới việc gây quỹ đâu từ và trở thành 1 startup thực sự.

Đúng lúc đó, tôi được lựa chọn vào danh sách 30 Under 30 của Forbes. Đứng cạnh những người chỉ tầm tuổi tôi nhưng đã thành công từ rất sớm, tôi nhận ra rằng mình cần phải thay đổi cách suy nghĩ. Một người bạn đã nói với tôi rằng: “Vay tiền hay đi kêu gọi đầu tư không có gì phải xấu hổ, bởi chẳng ai có tiền mà ngu ngốc cả, thế nên nếu em vay được nghĩa là em có năng lực”.

Ngay sau sự kiện đó, chúng tôi tìm được một nhà đầu tư thiên thần, anh đầu tư vào chúng tôi 100 triệu và nói: “Phá sản thì về làm việc cho anh”. May thay, đến giờ chúng tôi vẫn chưa phá sản. 3 tháng sau đó chúng tôi nhận được đầu tư chính thức từ hai công ty trong nước, công ty chuyển tên thành Wake It Up với hy vọng sẽ giúp đánh thức những ý tưởng, những sáng kiến xã hội trên toàn thế giới.

Sống cuộc sống của một startup vì xã hội

Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã quyết định startup, dù rằng nó đã biến đổi con người tôi thành một tôi rất khác. Dù rằng sau 2 năm nhìn lại, tôi giật mình nhận ra rằng công việc của 1 startup không khác nhiều công việc của một tổ chức phi chính phủ: Cố gắng hết sức để đem lại giá trị cho đối tượng mục tiêu, và thuyết phục họ trả tiền cho điều đó.

Thế nhưng, startup là chuỗi những tháng ngày chịu đựng áp lực kinh khủng. Trong khi đang chịu đựng áp lực cạn vốn, để nhận được tiền đầu tư, chúng tôi được nhà đầu tư tiềm năng yêu cầu đưa ra dự toán tài chính. Chúng tôi phải tính toán xem sẽ cần bao nhiêu tiền để tạo ra một sản phẩm còn chưa thiết kế xong, và sẽ phải đoán xem có bao nhiêu người sẵn sàng trả tiền cho một sản phẩm chưa từng tồn tại trên thị trường. Kết quả là tôi đã nộp lên một bản kế hoạch kinh doanh cho thấy công ty sẽ lỗ trong suốt 3 năm trước khi huề vốn.

Thủa ban đầu thành lập công ty, tôi vẫn mong muốn có thể thực hiện một chuyến đi xuyên Việt bằng… ngựa. Tôi thậm chí đã mua một chú ngựa và lên kế hoạch quảng bá cho startup của chính mình qua chuyến đi để đời đó. Ngay tháng sau đó tôi nhận ra rằng kế hoạch của mình chỉ là ảo tưởng, chuyến đi như vậy là quá xa xỉ đối với 1 startup nghèo, và chẳng có nhà đầu tư nào chấp nhận giao tiền cho một kẻ lông bông như vậy. Tôi thậm chí chẳng có thời gian về thăm mẹ nói chi là chăm ngựa.

Suốt hai năm phát triển, áp lực chưa bao giờ rời xa tôi, rõ ràng là khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Có đôi khi tôi đã từng ước ao công ty mình chỉ là một đội ngũ nhỏ bé và vô danh, khi đó chúng tôi có thể cả ngày đắm chìm vào công việc thiết kế sản phẩm, có thể tha hồ thử nghiệm các tính năng mới mà chẳng phải sợ sệt gì. Giờ đây, khi đã có gần một trăm nghìn người sử dụng, hàng trăm tổ chức xã hội đăng tải hoạt động trên hệ thống, chỉ một sự cố nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng tới cả nghìn người.

Thế nhưng, startup vẫn luôn là một sự lựa chọn đúng đắn. Là một startup, bạn thực sự làm việc cho chính mình, bạn dành toàn bộ thời gian và tâm trí cùng với đồng đội của mình để thỏa mãn khách hàng. Bạn cảm thấy mình thực sự đang tạo ra sự thay đổi cho thế giới. Cảm giác nhìn thấy sản phẩm do bạn làm ra và được sử dụng để giúp ích cho cộng đồng là một cảm giác cực kỳ tuyệt vời. Điều tuyệt vời hơn là khi người dùng khen ngợi bạn trên Facebook của họ, bảo vệ bạn khi sự cố xảy ra, chia sẻ thông tin tuyển dụng của bạn và nói rằng đây là một đội ngũ tuyệt vời.

Dù phải đối mặt với nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào, phần thưởng cho chúng tôi khi thành công là một tương lai đầy hứa hẹn, nơi các sáng kiến đóng góp cho xã hội thành công ở khắp mọi nơi nhờ sự kết nối mà chúng tôi đã tạo ra.

Gửi tới những bạn trẻ muốn startup

Tôi không phủ nhận rằng sự giàu có về tài chính là một động lực quan trọng của tất cả chúng tôi khi khởi nghiệp, thế nhưng đó không bao giờ là mục tiêu duy nhất.

Những câu chuyện phá sản như của The Kafe, Lingo hay FoodPanda chưa bao giờ là xa vời luôn nhắc nhở tôi rằng, có thể thành công sẽ không đến với bạn trong lần này. Thế nhưng, những trải nghiệm và cả niềm hy vọng mà công việc này mang lại hoàn toàn xứng đáng với mồ hôi, nước mắt mà chúng tôi đã bỏ ra.

Thế nên nếu có được chọn một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn startup. Và cũng tại vì trên con đường khá cô đơn và gian nan này, tôi thật sự may mắn vì đã có vợ và cũng là người đồng nghiệp mỗi ngày của tôi.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close