Khởi nghiệpKinh doanh

Khởi nghiệp như một con đường không lối về, vẫn cần nghe lời truyền cảm hứng thì đừng làm, và thôi tin vào những “huyền thoại” đi!

Vấn đề nan giải thật sự của khởi nghiệp không phải là sỡ hữu những giấc mơ lớn lao, mà là giữa đêm bạn thức dậy, toát mồ hôi lạnh nhận ra: giấc mơ đã trở thành một cơn ác mộng.

 

Khởi nghiệp như một con đường không lối về, vẫn cần nghe lời truyền cảm hứng thì đừng làm, và thôi tin vào những "huyền thoại" đi!

Ảnh minh họa: SHOUT

Không biết bắt đầu từ khi nào, mỗi khi nhắc đến khởi nghiệp thì người ta đều nghĩ đến những tấm gương thất bại. Những bài viết trải lòng của họ, từng con chữ đều là những bài học mà họ phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi công sức và tiền bạc.

Cho dù đã có những người đi trước trầy da tróc vẩy trên con đường khởi nghiệp, vẫn có vô số người quyết tâm muốn đi theo con đường không lối về này.

Tỷ phú Jack Ma đã từng nói: “Làm doanh nghiệp, làm thương nhân rất gian khó, giống như đánh trận vậy, còn sống là người chiến thắng. Những người có thể trở về từ chiến trường là những người thành công, cho dù họ đã làm gì trên chiến trường. Cũng giống như thương nhân vậy, lúc bạn đi con đường này, bạn nên nghĩ đến: 95% kẻ đã gục ngã, dựa vào đâu bạn là một trong số 5% những người may mắn.”

5% những người thành công đó đã học hỏi bài học thất bại từ 95% còn lại. Và 95% người khởi nghiệp gục ngã trên mặt đất này đều thất bại ở hai chữ “mù quáng”.

  1. Tự tin mù quáng 

“Con người vẫn cần phải có ước mơ chứ, lỡ như thực hiện được thì sao?” 

Câu nói này đã trở thành một danh ngôn đầy cảm hứng của vô số người trẻ đang theo đuổi mơ ước của mình. Tuy nhiên, mỗi tối khi bạn tự nói thầm câu này trên giường, cân đo đong đếm ước mơ của bạn được bao nhiêu lạng, còn thực lực của bạn liệu có thể hỗ trợ cho ước mơ của mình?

Cách đây vài năm khi mà các loại ứng dụng gọi xe nở rộ, có thể được xem như thuận buồm xuôi gió. Nhưng hóa ra người bạn cùng lớp với tôi đã sớm có ý tưởng khởi nghiệp bằng một phần mềm gọi xe. Vào thời điểm đó, anh ta làm việc cho một công ty Internet trong hai năm. Mặc dù anh ta có bằng lái xe nhưng hầu hết các chuyến đi đều lựa chọn ngồi taxi.

Trùng hợp anh ta gặp một sinh viên ngành khoa học máy tính, thế là họ hợp tác với nhau, ngay lập tức nộp đơn từ chức rồi bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Họ lại không có bất kì kinh nghiệm gì về khởi nghiệp cả, luôn tin tưởng rằng dự án của mình là tốt và nhất định có thể tìm được nguồn vốn.

Họ đăng ký tham gia lớp đào tạo về khởi nghiệp, đã quen biết một giáo viên khởi nghiệp trên Internet. Khi họ kể với giáo viên rằng họ muốn làm ra một ứng dụng gọi xe trên điện thoại di động. Giáo viên nói: “Trình độ tài xế taxi không cao, mà điện thoại thông minh thời đó vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.” Ông đề nghị họ nên xem lại nhưng họ khăng khăng làm theo ý mình, cảm thấy trào lưu mà hết thì sẽ không có lại nữa.

Họ vừa học vừa làm, sửa lỗi, phải mất 5 tháng để làm ra một phần mềm gọi xe trên điện thoại di động. Nhưng tại thời điểm này trên thị trường lại xuất hiện phần mềm khác cũng bắt đầu phổ biến rộng rãi trong thành phố.

Anh ta tính toán một chút, chi phí cho phần mềm của mình cực kì cao trong khi nguồn vốn mà anh ta có được chỉ cao hơn chi phí một chút. Vì vậy, mỗi ngày anh ta bận rộn loay hoay kêu gọi đầu tư, cuối cùng tự mình mệt mỏi gục ngã, báo cáo dự án khởi nghiệp đã thất bại.

Ước mơ rất đẹp đẽ nhưng hiện thực rất tàn khốc. Nếu như sự tự tin của bạn đủ để bạn có thể đứng thẳng dậy khi gặp cú ngã thất bại, vậy thì xin bạn hãy giữ sự tự tin này. 

  1. Đi theo mù quáng 

“Anh ta cũng thành công rồi, tôi lại không ngốc bằng anh ta. Tại sao tôi không thể?” 

Rất nhiều người mang suy nghĩ hùa theo, cảm thấy bản thân cũng có thể làm lại thành công của người khác. Trên thực tế, bạn chỉ nhìn thấy vẻ ngoài hào nhoáng của người khác nhưng lại không thấy được những nỗ lực và gian lao đằng sau mà họ phải bỏ ra. 

Có người gọi đùa Jack Ma là “bậc thầy lay động” bên Trung Quốc. Ông lay động rất nhiều người khởi nghiệp…rồi chết trên con đường thương mại điện tử này. Nhưng chung quy vẫn là do những người đó làm theo một cách mù quáng.

Nhìn thấy người khác bán hàng online thu nhập cao ngất, doanh thu mỗi năm hơn hàng tỷ, đến khi đủ sức nóng thì rời khỏi  tạo một trang điện tử riêng cho mình và kiếm được rất nhiều tiền. Bản thân cũng bắt đầu kinh doanh online, sau cùng thua lỗ đến khuynh gia bại sản rồi quay ngược lại trách người khác đã vẽ vời ngành thương điện tử quá tốt đẹp.

Những năm gần đây là thời đại của trào lưu ‘livestream’. Nhìn thấy người khác ‘livestream’, fan hâm mộ gửi tặng xe, tặng máy bay tặng hỏa tiễn, thảnh thơi thoải mái thu nhập hàng triệu.

Bản thân cũng tham gia vào ngành ‘livestream’. Mỗi ngày trình diễn mỗi kiểu khác nhau trước máy quay, không những không ai nhấn ‘Like’, mà còn thu hút thêm một lượng ‘Anti’ đông đảo.  Một người từng khởi nghiệp thành công sau bao năm vất vả từng nói “Bạn chỉ ngửi thấy hương nước hoa của tôi, nhưng không nhìn thấy những giọt mồ hôi của tôi.” 

Vì vậy, xin bạn hãy nhìn vào những nỗ lực đằng sau vẻ hào nhoáng của người khác rồi hẵng quyết định xem có nên bắt đầu khởi nghiệp như họ hay không. 

  1. Tín nhiệm mù quáng

“Điều tôi sợ nhất trước khi hợp tác là gặp khó không cùng gánh, đến sau khi hợp tác là được phúc không cùng hưởng.” 

Trong cuộc sống, thường có trường hợp vợ chồng cùng nhau đi qua đói nghèo nhưng lại mỗi người một ngả khi đã giàu có. Khi trường hợp đó xảy ra trong khởi nghiệp thì trở thành gặp gỡ nhau vì lí tưởng chung, phản bội nhau vì lợi ích riêng.

Một người bạn của tôi khởi nghiệp khi còn trẻ nên thiếu hụt kinh nghiệm. Anh ta quá tin tưởng vào đối phương, không ký hợp đồng, cuối cùng bị khai trừ bởi chính công ty mà mình sáng lập. Anh ta hợp tác với đối tác khác để xây dựng một công ty trò chơi. Anh ta phụ trách các hạng mục kỹ thuật, làm ra trò chơi, còn đối tác phụ trách tài trợ và quảng bá.

Họ đã thỏa thuận trước rằng sau cùng đối tác chiếm 70% cổ phần, anh ta chiếm 30%. Trò chơi vừa được ra mắt đã nhanh chóng nổi tiếng, họ kiếm được một số tiền. Sau đó, đối tác bận rộn quản lý công ty, gặp rỡ khách hàng. Anh ta vùi đầu vào duy trì trò chơi, sửa lỗi.

Sau khi trò chơi về cơ bản đã ổn định, anh ta đã chọn để bản thân có một kỳ nghỉ. Một tháng trôi qua, công ty đã phát sinh thay đổi. Toàn bộ hạng mục và nhân viên đều được thay thế, ngay cả sếp cũng không còn là anh ta, người bạn hợp tác càng không thấy tung tích.

Hóa ra, trong thời gian anh ta đi du lịch, đối tác của anh đã bán hạn mục trò chơi với giá cao cho công ty khác, tự mình mang theo tiền bạc cao bay xa chạy. Nhưng anh ta lại không có bằng chứng, bản thân cũng đã nhận phần lợi nhuận trước đó nên không có cách nào để khiếu nại, không thể không chấp nhận kết cục này.

Giữa anh em ruột thịt còn nên rạch ròi chuyện tiền nong, đừng nói đến giữa bạn bè hợp tác với nhau. Đứng trước lợi ích, người ta mới lộ diện khuôn mặt thật sự. Vì thế nên cẩn trọng trong việc lựa chọn người cùng hợp tác.

  1. Hành động mù quáng 

“Hầu hết người khởi nghiệp đều đang “tìm kiếm” những ngành nghề “chưa được biết” thay vì “thực hiện” một ngành nghề “đã được biết””.

Hầu hết những người khởi nghiệp đều chọn những ngành, lĩnh vực mà người ta chưa biết đến nhằm để bản thân tiên phong chiếm ưu thế giữa một “Đại dương xanh” (chỉ những ngành nghề mới lạ chưa được biết đến). Người khởi nghiệp hy vọng có thể mở ra một vùng đất rộng lớn trong sự mông lung nhưng quên mất bản thân cũng đang ở giữa đám mông lung đó.

Tác giả Ngô Hiểu Ba đã kể một câu chuyện trong quyển sách “Họ đã thất bại như thế nào”: Một nông dân Ôn Châu khởi nghiệp, nhà máy nhựa của ông ta đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng đột nhiên vào một ngày, ông ta quyết tâm tạo ra chiếc xe hơi đầu tiên của Trung Quốc hoàn toàn chạy bằng điện. Vì để thực hiện mơ ước, ông ta bán đi nhà máy, đóng cửa chuyển sang chế tạo xe.

Sau cùng chỉ làm ra “những thanh sắt biết chạy”. Nhà khởi nghiệp này chìm vào thua lỗ. Câu chuyện này khiến chúng ta nhớ đến: cũng tạo ra xe hơi điện như vậy, nhưng tại sao Tesla của Elon Musk lại thành công?

Lý do rất đơn giản: Musk không chỉ có Tesla mà còn có SpaceX. Người ta ngay cả tên lửa cũng có thể làm ra, sao lại không tạo được xe hơi chứ? Khởi nghiệp có thể được coi là một cuộc phiêu lưu, nhưng không có nghĩa là mạo hiểm hoàn toàn.

Khởi nghiệp mang rủi ro cần có tinh thần mạo hiểm nhưng đồng thời cũng cần phải thận trọng vững vàng, đừng nên liều lĩnh. Có rất nhiều yếu tố góp phần thức đẩy doanh nghiệp thành công: Kinh phí, dự án, kinh nghiệm, đối tác, bài học… Nhưng trong đó quan trọng nhất vẫn là lí trí. Phân tích bản thân và doanh nghiệp một cách lí trí mới có thể loại bỏ sự mù quáng. 

“Vấn đề nan giải thật sự không phải là sỡ hữu những giấc mơ lớn lao, mà là giữa đêm bạn thức dậy, toát mồ hôi lạnh nhận ra: giấc mơ đã trở thành một cơn ác mộng.”

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Tu An

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close