Kinh tế vĩ môThế giới

Khủng hoảng tột độ, người Venezuela phải bay qua Mỹ mua… giấy vệ sinh

Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Venezuela đang dần biến thành khủng hoảng nhân đạo. Người dân nước này phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, thuốc men, tội phạm thì gia tăng.

Bà Carmen Mendoza – một công dân Venezuela 66 tuổi vừa bay đến New York thăm con gái Anabella, nhưng đồng thời để tranh thủ mua giấy vệ sinh, xà phòng tắm, xà phòng, kem đánh răng và bột ngô. Hiện bà ấy không thể tìm được bất kỳ loại hàng hoá cơ bản nào như vậy ở quê nhà.

Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Venezuela đang dần biến thành khủng hoảng nhân đạo. Người dân nước này phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, thuốc men, tội phạm thì gia tăng. Rất nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra, kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro từ chức.

Tính đến nay bà Mendoza đã ở New York gần 1 tháng với con gái, và nhận ra mình đã mất “khái niệm về sự bình thường”. Nói như vậy là bởi ở Venezuela, bà đã quen với việc không có giấy vệ sinh suốt tháng 7, mà phải dùng giấy ăn.

Gần nhà Anabella có một cửa hàng Whole Foods mới mở, và cô đã gợi ý mẹ qua đó mua sắm. Khi tới đây và nhìn thấy những kệ hàng chật ních đồ, hoa quả và rau, bà Mendoza đã suýt khóc. Đây là cảnh tượng hiếm có tại Venezuela hiện nay. “Ở Venezuela, bạn sẽ cực kỳ hạnh phúc khi thấy những thứ căn bản, như sữa chẳng hạn”, bà cho biết.

Bà Mendoza phải sang Mỹ sống với con gái. Ảnh: CNN

Dĩ nhiên, trường hợp của bà Mendoza không phải là duy nhất. Có khoảng nửa triệu người Venezuela đã đến Mỹ năm ngoái. Và những người Venezuela sống tại Mỹ cũng cho biết họ hàng, bạn bè của họ ghé thăm ngày càng nhiều để tranh thủ mua đồ dùng thiết yếu.

“Điều này cho thấy tình hình ở Venezuela đang tồi tệ đến mức nào”, Beatriz Ramos – một doanh nhân công nghệ người Venezuela đang sống tại New York cho biết. Anh đang cho 6 người bạn Venezuela của mình ở nhờ riêng trong năm nay.

Dù Ramos, Mendoza và nhiều người khác tin rằng cuộc sống tại Venezuela sẽ không tệ thế này mãi nhưng họ cũng không cho rằng tình hình có thể sớm cải thiện.

Riêng Ernesto Chang – một chủ nhà hàng tại đây cho rằng mọi chuyện sẽ không cải thiện trong ít nhất 5 năm tới chính vì vậy anh đã mang vợ và 4 con sang Mỹ trong tháng này để tránh tình trạng thiếu thốn.

Sống với gia đình người anh trai tại New York, Chang nhận ra cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến các con của mình như thế nào. “Chúng thường xuyên hỏi tôi, tại sao siêu thị ở Venezuela không như thế này”, anh cho biết, “Tôi ước có thể mang mọi thứ về nhà, cả thuốc, cả thức ăn”.

Cả gia đình Chang vui mừng khi tới Mỹ. Ảnh: CNN

Trước khi sang Mỹ, con trai 2 tuổi của Chang bị ốm. Anh đi tới 7 nhà thuốc mà không nơi nào còn penicillin. Cuối cùng, anh phải sang xin hàng xóm. Còn giờ đây, cuộc sống tại Mỹ của anh lúc nào cũng có đủ thuốc men, sữa bột, đậu, xà phòng và nhiều thứ khác.

Chang và Mendoza đều thuộc tầng lớp trung lưu ở Venezuela. Họ có học vấn tốt, công việc ổn định, gia đình tốt. Nhưng tất cả những điều đó là vô nghĩa nếu như đến những nhu yếu phẩm hàng ngày cũng chẳng có mà mua.

Ngay cả việc đến việc sang Mỹ với những người dân Venezuela cũng không hề dễ dàng. Ngoài việc không còn đường bay thẳng, chẳng hãng bay nào của Mỹ nhận đồng bolivar của Venezuela nữa, vì đồng này mất giá quá nhanh. Những người muốn rời đi đều phải dựa vào tiền tiết kiệm, hoặc sự giúp đỡ của người thân bên Mỹ.

Ở quê nhà, Mendoza dạy thêm cho các học sinh trung học với thu nhập 150 USD một tháng. Trước đây, bà từng dạy 7-8 học sinh mỗi ngày. Nhưng giờ, con số này chỉ còn 3-4. Một số gia đình còn không thể trả bà đúng hạn nữa.

Chang thì kiếm được 60 USD một tháng nhờ làm nhiều việc – quản lý nhà hàng gia đình, làm việc tại ngân hàng và hỗ trợ một công ty nhập khẩu thực phẩm. 5 năm trước, khi kinh tế Venezuela còn chưa quá tệ, Chang kiếm được 200 USD một tháng – mức thu nhập đủ sống.

Tuy nhiên, lạm phát chóng mặt tại Venezuela đã khiến thu nhập của họ chẳng đủ chi tiêu. IMF dự báo chỉ riêng năm nay, lạm phát tại đây sẽ lên tới mức 700%.

Trước kia Mendoza từng mơ ước sẽ có thể nghỉ hưu ở tầm tuổi này. Tuy nhiên, bà bị trộm 2 lần và tiền tiết kiệm giờ cũng hết sạch, nên lại phải tiếp tục làm việc. Một phần chi phí bay sang Mỹ cũng phải nhờ con gái hỗ trợ.

Thỉnh thoảng, bà còn theo con trai 25 tuổi đi biểu tình. Bà nói: “Ở Caracas (Venezuela), chẳng nơi nào cảm thấy an toàn cả. Nếu quay về Venezuela, tôi sẽ rất nhớ mỗi lúc đi dạo trên những con đường ở New York. Ở Venezuela tôi chẳng thể làm như vậy được”.

Theo Trí Thức Trẻ/CNN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close