Tư duy
Làm sao để người Việt cạnh tranh với robot?
Đã đến lúc lao động Việt Nam cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm đa dạng để gia tăng sức cạnh tranh trong mắt nhà tuyển dụng.
Trong bữa ăn tối đầm ấm trên hành trình đi công du các nước Châu Phi trong khuôn khổ hành động của quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates, người viết có dịp lắng nghe tỉ phú Bill Gates chia sẻ về những hệ quả của trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, ông quan ngại nhất là hiệu ứng “thất nghiệp xanh” trong thập niên tới, tức vấn nạn trí thức trẻ không thể tìm được việc làm. Một thời gian sau, báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với tiêu đề “The Future of Jobs” đã chỉ rõ trên phạm vi toàn cầu, nhân loại đang ở đỉnh cao của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 và cũng là nguyên nhân khiến cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt.
Mới đây, số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy số người thất nghiệp tại Việt Nam trong quý III/2016 là hơn 1,16 triệu người, tăng thêm 40.000 người chỉ trong vòng 3 tháng. Điều đáng nói là hơn 10% số người thất nghiệp nằm trong nhóm trí thức được đào tạo chuyên môn từ cao đẳng trở nên. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng dự báo sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2020 vào khoảng 11 triệu người, tức số người thất nghiệp mang quốc tịch Việt Nam đang chiếm khoảng 10% lực lượng lao động thất nghiệp toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc tại thị trường nội địa, người lao động Việt ngày nay đứng trước áp lực phải bổ sung và hoàn thiện các kỹ năng mềm. Bởi lẽ, họ không chỉ phải cạnh tranh với nhau trong cuộc chiến giành việc làm mà còn phải cạnh tranh với robot, sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
Báo cáo của WEF đã khảo sát các nhà điều hành cao cấp và phụ trách nhân sự của 350 doanh nghiệp đại diện cho hơn 13 triệu lao động trong 9 lĩnh vực công nghiệp ở 15 nền kinh tế phát triển và mới nổi và một số vùng kinh tế. Theo đó, sự gia tăng đáng kể số lượng robot và trí thông minh nhân tạo tham gia vào các lĩnh vực, ngành nghề sẽ thay thế con người và chiếm tới 5,1 triệu việc làm tại 15 quốc gia hàng đầu. Tại Việt Nam, theo ILO, 86% lao động trong ngành may mặc và da giày sẽ thất nghiệp vì việc làm được chuyển cho robot.
Nguyên nhân chính nằm ở “cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4”, dẫn đến tổn thất việc làm do sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, in ấn 3D, di truyền học và công nghệ sinh học. Cụ thể, dù mức độ tổn thất việc làm có vẻ ngang nhau giữa nam (52%) và nữ (48%) nhưng do phái mạnh chiếm phần việc làm nhiều hơn, đa dạng hơn ở các lĩnh vực trong thị trường lao động chung, nên thực tế, phụ nữ vẫn là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất do tỉ lệ việc làm hiện hữu chuyển về cho robot. Ngoài ra, theo tính toán, khoảng 65% trẻ em bắt đầu bậc tiểu học ngày nay sẽ làm việc trong ngành chưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại. Do vậy, việc đào tạo đảm bảo chất lượng nhân lực cho tương lai rất quan trọng.
Theo chuyên gia về nhân sự người Úc Mark Oliver, CEO của MarkTwo Consulting, đã đến lúc lao động Việt Nam cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm đa dạng để gia tăng sức cạnh tranh trong mắt nhà tuyển dụng. Kỹ năng quan trọng nhất giúp thăng tiến trong sự nghiệp, theo Oliver, chính là kỹ năng lãnh đạo, điều mà ông nhấn mạnh cần phân biệt với kỹ năng quản lý. Bởi lẽ, dù là ở cấp bậc nhân viên hay quản lý trung gian thì việc truyền cảm hứng, khích lệ cho cả đội ngũ sẽ đem lại năng suất và hiệu quả hơn từ 3-5% trên mỗi cá nhân trong nhóm, so với mỗi kỹ năng chuyên môn truyền thống.
Trong khi đó, WEF lại dành hơn 2/3 báo cáo “The Future of Jobs” để định lượng 13 mảng nghề nghiệp khác nhau để tìm câu trả lời cho câu hỏi: kỹ năng mềm nào sẽ quan trọng nhất trong 5 năm tới? Khảo sát hơn 350 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu cho thấy kỹ năng xử lý tình huống được các tập đoàn đa quốc gia quan tâm nhất khi tuyển dụng. Đối với nhân viên và cấp quản lý trung gian, kỹ năng này chiếm đến 36% trong “rổ” các kỹ năng yêu cầu từ nhà tuyển dụng. Xu hướng này cũng phù hợp với những hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp hàng đầu hiện nay khi họ đã đổi ưu tiên từ chỉ số IQ và EQ sang đánh giá cao những ứng viên có kết quả kiểm tra vượt trội về chỉ số sáng tạo CQ (Creative Intelligence) và chỉ số đam mê PQ (Passion Quotient). Bởi lẽ, theo các nhà quản trị hiện đại, xét cho cùng, chính trí thông minh sáng tạo và niềm đam mê bất tận mới là chìa khóa tạo nên cuộc cách mạng lịch sử khoa học kỹ thuật công nghệ và thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại.
Tuy nhiên, đối với nhà lãnh đạo và quản lý cao cấp, kỹ năng mềm quan trọng nhất được WEF xác nhận chính là đồng cảm. Tại Mỹ, khoảng 20% nhà tuyển dụng lao động đã áp dụng phương pháp đào tạo khả năng đồng cảm như một phần trong chiến lược phát triển cấp quản lý, tăng mạnh so với cách đây 1 thập niên, theo Richard S. Wellins, Phó Chủ tịch cấp cao DDI. Ông dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm.
Theo một nghiên cứu, tốp 100 trong số 160 doanh nghiệp thuộc chỉ số đồng cảm toàn cầu Global Empathy Index 2015 đã tạo ra mức lãi ròng trên mỗi nhân viên cao hơn 50% so với 10 doanh nghiệp chót bảng xếp hạng. Chỉ số này phân tích các yếu tố như doanh nghiệp cư xử thế nào với nhân viên cũng như giao tiếp thế nào với khách hàng. Một nghiên cứu năm 2011 trên 6.731 nhà quản lý từ 38 nước do Center for Creative Leadership thực hiện cũng cho thấy, những vị sếp thể hiện được sự đồng cảm lại tạo ra kết quả kinh doanh tốt vì “đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mối quan hệ”.
Ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế Giới Di Động, chia sẻ trong Hội Nghị Đầu tư do NCĐT tổ chức tuần qua rằng bí quyết giúp chi phí bán hàng của Công ty được xếp vào hàng thấp nhất thị trường trong khi lương nhân viên lại thuộc hàng cao nhất nằm ở 4 chữ: thấu hiểu nhân viên. Ông cho rằng 22.000 nhân viên của Thế Giới Di Động không phải chăm chỉ và tự giác hơn những lao động khác trên thị trường Việt Nam mà cái khác biệt nằm ở chỗ ông tạo ra cho họ một môi trường làm việc “làm thật, ăn thật”, tức chủ động cống hiến hết mình và được ghi nhận thành quả nhờ đội ngũ lãnh đạo biết lắng nghe.
Minh Nguyệt