Khởi nghiệpKinh doanh
Lời khuyên để tránh vết xe đổ của những startup thất bại
Việt Nam đang trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” với những con số ấn tượng về cả số lượng và mật độ startup. Thế nhưng liệu những yếu tố này đã đủ để làm nên chuyện khi mà hơn 80% các startup dừng hoạt động chỉ trong 1 năm?
Startup – Sáng nở, tối tàn
Chưa bao giờ người ta thấy cụm từ ‘khởi nghiệp’ được đề cập và nhấn mạnh nhiều đến vậy. Một thống kê mới đây cho thấy Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp (nguồn). Tất cả tạo nên một viễn cảnh “tươi sáng” cho nền kinh tế trong tương lai, nhưng đi cùng với nó là một loạt những “ảo tưởng” về khởi nghiệp. Các sai lầm của startup Việt thường bắt nguồn từ 2 nguyên do chính: kinh nghiệm và tài chính.
Hầu hết các startup bắt đầu ra thị trường đều có những ý tưởng kinh doanh thú vị. Tuy nhiên, ý tưởng thôi vẫn chưa đủ, điều quan trọng là kinh nghiệm. Ngay cả ở những quốc gia có nền kinh tế cởi mở và phát triển như Mỹ, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn và đều hiểu rõ cách thức vận hành của một công ty. Tuy nhiên, ở Việt Nam, rất nhiều startup được bắt đầu với một nhóm bạn trẻ chưa có nhiều cơ hội va chạm với thực tế triển khai sản phẩm.
Ngoài ra, tiếp cận vốn và quản lý dòng vốn cũng là trở ngại lớn với nhiều startup Việt. Nếu như tại thung lũng Silicon – Mỹ có vô số nhà đầu tư chuyên nghiệp với tầm hiểu biết sâu sắc và sẵn sàng lắng nghe, đầu tư vào các startup mạo hiểm, thì ở Việt Nam, rất khó để tìm kiếm những nhà đầu tư như vậy. Một chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ: “Hiện, có 2 nguồn vốn để các startup kì vọng, một là vốn kêu gọi từ các quỹ đầu tư như IDT (Việt Nam), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Singapore), 500 Startup (Mỹ),… hai, là vốn vay tín dụng từ các ngân hàng uy tín, đơn cử như BIDV.”
Trên thực tế, các quỹ đầu tư còn khá thận trọng với thị trường nên số lượng và chất lượng vốn đầu tư của họ tại Việt Nam không nhiều. Thậm chí, khi có được nguồn vốn trong tay, nhiều startup cũng loay hoay với vấn đề quản lí và điều hành nguồn vốn.
Những điều cần lưu ý để giải quyết bài toán này
Nếu như cọ xát thực tế sẽ giải được bài toán kinh nghiệm thì chuyện quản lý tài chính lại nan giải hơn rất nhiều. Dưới đây là 3 vấn đề lớn nhất bạn cần lưu ý:
1. Giai đoạn khởi đầu – Đừng quá sức
Ở bước khởi đầu, hầu hết các nhà kinh doanh chỉ lên kế hoạch cho số vốn khởi động mà không dự tính ngân sách vốn lưu động. Khi gặp áp lực về dòng tiền, họ nhanh chóng mất khả năng duy trì. Điều này là nguyên nhân chính khiến nhiều startup lâm vào tình cảnh phá sản.
2. Giai đoạn thực hiện – Phải trả phí cho mọi nguồn lực
Đối với những mô hình nhỏ, rất nhiều nhà đầu tư tận dụng các nguồn lực sẵn có (văn phòng, nhân công gia đình, …) nên không tính toán đầy đủ. Ở quy mô nhỏ, điều này không ảnh hưởng nhiều nhưng khi mở rộng quy mô, phải bỏ thêm vốn đầu tư, trước rào cản giá thành và biên độ lợi nhuận, đầu tư trở nên không hiệu quả thậm chí rơi xa khỏi điểm hòa vốn. Do vậy, ngay khi tính toán, các startup cần nhìn nhận khách quan các nguồn lực hiện có. Đồng thời, cần chuẩn bị nguồn tài chính để dự phòng cho thời gian đầu khi doanh số còn bấp bênh.
3. Giai đoạn huy động vốn – Cân nhắc giữa gọi vốn và vay vốn
Ở giai đoạn này có rất nhiều startup tìm cách gọi vốn hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Tuy có nhiều lợi thế nhưng đây chưa hẳn là phương án tốt. Nhiều trường hợp startup vì nóng lòng gọi vốn đã bị đánh cắp ý tưởng, đánh mất phần lớn cổ phần, hoặc mất dần ý chí vì không tìm ra nhà đầu tư đồng lòng. Vì vậy, một khi đã có kế hoạch kinh doanh đủ tiềm năng, bạn nên cân nhắc việc vay vốn ngân hàng để tự chủ tài chính.
Nếu biết cách tìm kiếm và nhanh tay chớp lấy những đợt ưu đãi vốn từ ngân hàng, bạn hoàn toàn có thể sở hữu nguồn vốn giá rẻ, thậm chí chi phí hấp dẫn hơn rất nhiều so với việc gọi vốn và chia cổ tức. Đơn cử, có thể kể đến Gói tín dụng Tết Mậu Tuất 2018 với quy mô 15.000 tỷ đồng vừa được BIDV áp dụng. Tham gia gói tín dụng này, người kinh doanh có thể lựa chọn linh hoạt các gói vay khác nhau, lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm đối với các khoản vay dưới 06 tháng và từ 7,2%/năm đối với các khoản vay từ 06 tháng đến 11 tháng (Lãi suất thực tế áp dụng theo từng chi nhánh BIDV).
Với những lưu ý trên, hy vọng bạn góp thêm được một số kinh nghiệm quý báu cho con đường khởi nghiệp của mình.
Theo Trí Thức Trẻ