Kinh doanh quốc tếThị trường

“Mánh lới” vung tiền thâu tóm doanh nghiệp Châu Âu của Trung Quốc

Có vẻ các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng được một cuốn “cẩm nang” để vận dụng trong trường hợp lời đề nghị mua lại doanh nghiệp bị chính phủ sở tại tuýt còi, hãng tin Bloomberg nhận định.

Tháng Năm vừa qua, công ty điện dân dụng lớn nhất Trung Quốc Midea đã đánh tiếng mua lại Kuka – hãng chế tạo robot công nghiệp hàng đầu của Đức – với mức giá “trên trời” là 5,2 tỷ USD. Mảng robot tự động của Kuka lắp ráp máy bay cho Airbus và xe hơi cho Audi.

Tính đến thời điểm đó, mức giá này cao hơn 36% so với thị giá cổ phiếu Kuka. Đây là một trong những đề nghị mua lại một công ty nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên tham vọng này của Midea đã vấp phải sự phản đối từ phía quan chức Đức. Đích thân Bộ trưởng kinh tế Đức đã lên tiếng phản đối thương vụ, một động thái hiếm thấy trên nghị trường của quốc gia Châu Âu này.

Ông nói Kuka nên tìm một nhà đầu tư khác, và Đức cần ngăn cản sự can thiệp của Trung Quốc vào công nghệ lắp ráp tự động.

Thế nhưng chỉ hai tháng sau, Midea đã tìm được cách để thỏa thuận diễn ra suôn sẻ. Sau một loạt các sự can thiệp từ phía chính phủ, cam kết của Midea về việc làm và an ninh, sự chống lưng từ lãnh đạo công ty xe hơi Daimler – khách hàng của Kuka, Midea đã nhận được cái gật đầu từ phía Berlin.

Tính đến tháng Bảy, Midea đã thâu tóm 86% cổ phần Kuka, định giá Kuka ở mức 5 tỷ USD.

“Linh động”

Câu chuyện này cho thấy các doanh nghiệp của Trung Quốc đang ngày càng “linh động” trong việc bôi trơn những trở ngại nảy sinh khi vung tiền thâu tóm (M&A) công ty nước ngoài.

Trong vài năm gần đây, nhiều công ty của Trung Quốc ngày càng thành thạo hơn trong việc lèo lái các thương vụ M&A và xoa dịu cổ đông, chuyên gia tại hãng luật Linklaters LLP nhận định.

Tại nhiều công ty lớn của Trung Quốc, cấp bậc quản lý là người đã từng du học hoặc làm việc tại nước ngoài. Họ hiểu tâm lý và góc nhìn của cổ đông ngoại đối với doanh nghiệp Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên trên bản đồ M&A tại châu Âu đồng nghĩa các đối thủ của họ ở lục địa già gặp khó. Tính từ đầu năm tới nay, công ty của Trung Quốc bỏ ra gần một nửa tổng số tiền của các vụ M&A tại khu vực này.

Có vẻ các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng được một cuốn “cẩm nang” để vận dụng trong trường hợp lời đề nghị mua lại bị chính phủ sở tại tuýt còi.

Chúng bao gồm cam kết giữ lại bộ máy lãnh đạo của công ty bị mua lại, cam kết đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định…

Với thương vụ Kuka, Midea cam kết giữ nguyên hoạt động của các nhà máy cùng công nhân cho đến ít nhất năm 2023, một khoảng thời gian dài bất thường.

Ngoài ra, Midea cũng hứa sẽ bảo vệ hồ sơ khách hàng của Kuka trước sự tiếp cận của công ty mẹ tại Trung Quốc.

Để tạo quan hệ, Midea đã cử Phó Chủ tịch Andy Gu đến đàm phán trực tiếp với các cố vấn thân cận của Bộ trưởng kinh tế Đức. Ông là kỹ sư có bằng tiến sĩ từ đại học Cornell của Anh. Cùng với đó, Kuka cũng giúp Midea xoa dịu lo ngại nơi cổ đông.

Không chỉ dừng lại ở Kuka, Midea cũng nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội khác. Công ty gửi thư ngỏ mua lại mảng điện gia dụng của General Electric khi thỏa thuận M&A giữa GE và Electrolux đổ vỡ.

Mặc dù không giành chiến thắng trong thương vụ này, Midea cũng chỉ để thua một công ty Trung Quốc khác là Qingdao Haier chứ không phải doanh nghiệp Phương Tây.

Quy mô khủng

Từ đầu nay đến nay, có thể điểm danh nhiều thương vụ M&A lớn khác do công ty Trung Quốc đứng ra chỉ đạo như tập đoàn hóa chất China National Chemical (ChemChina) mua lại Syngenta của Thụy Sỹ với giá 43 tỷ USD; tập đoàn công nghệ Tencent Holdings chi 8,6 tỷ USD mua lại công ty sản xuất game Supercell Oy của Phần Lan; HNA mua mảng cho thuê máy bay trị giá 10 tỷ USD của CIT.

Trong đó, thương vụ của ChemChina có quy mô lớn lịch sử trong làng kinh doanh Trung Quốc. Sau khi hoàn thành giao dịch, một công ty nhà nước của Trung Quốc sẽ nắm thế kiểm soát ngành thực phẩm của không chỉ Thụy Sỹ mà còn cả thế giới. Thế nhưng nó hầu như không làm nảy sinh bất cứ tranh cãi nào tại Thụy Sỹ.

Trong thương vụ này, ChemChina cam kết giữ lại các thành viên trong ban lãnh đạo của Syngenta, bảo lưu trụ sở và hướng tới tái niêm yết công ty trên sàn chứng khoán.

“Đây không phải làm một vụ thâu tóm, mà chỉ đơn giản là thay đổi chủ sở hữu. Syngenta vẫn là Syngenta”, đại diện Syngenta viết trong thông cáo.

THẢO MAI/Bizlive

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close