CEO Thế giớiNhân vật

“Mark Zuckerberg nước Ý” – từ hình tượng người hùng trở thành nạn nhân của sự kỳ vọng trong một nền kinh tế khủng hoảng

Trong vài năm gần đây, báo chí Italia tốn không ít giấy mực tung hô doanh nhân trẻ tuổi Matteo Achilli như chiếc phao cứu vớt niềm tin dần vơi cạn từ một nền kinh tế khủng hoảng.

Mọi thứ được đẩy lên đỉnh điểm trong bộ phim tựa đề “The Startup”, nhưng khôi hài ở chỗ chính điều này lại khiến truyền thông xứ sở mì ống chĩa ngòi bút trở lại doanh nhân 24 tuổi.

Achilli đã giới thiệu phiên bản beta mạng xã hội Egomnia khi còn là sinh viên trường Đại học Bocconi tại Milan vào năm 2012. Thời điểm đó, nhà đầu tư duy nhất lại chính là cha của Achilli với số tiền 10.000 bảng Anh để chi trả cho một nhân viên. Chàng trai trẻ bắt đầu mở rộng ý tưởng để kết nối các bạn trẻ với công việc tiềm năng.

Chàng sinh viên Đại học Bocconi cùng tham vọng tạo ra công cụ kêt nối việc làm cho người trẻ

Nhiều người “tôn sùng” Achilli, trong đó, đáng chú ý là Antonio Aloisi, người đã đăng một bài viết lên trang Linkiesta miêu tả lại câu truyện khởi nghiệp truyền cảm hứng của ông chủ Egomnia.

Ở Mỹ, không thiếu những gương mặt chỉ mới 19 tuổi tự xây dựng công ty riêng, nhưng ở đất nước vốn đang loay hoay trước cuộc khủng hoảng suy thoái toàn cầu như Italia lại giống như chuyện cổ tích. Thế nên, một thanh niên với mong muốn mang tới nhiều việc làm cho các bạn trẻ ở quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp trên 12% trở thành hiện tượng. Bài viết của Aloisi nhanh chóng lan tỏa.

Câu chuyện đã thuyết phục được ban Kinh tế của tạp chí Panorama chọn Achilli làm nhân vật ảnh bìa vào tháng 3/2012 với tựa đề “Zuckerberg nước Ý”. Thêm lần nữa, câu chuyện được viết dựa trên nhận định về tiềm năng thành công của chàng trai trẻ chứ không phải từ những thành quả đã sẵn có.

Achilli được mệnh danh là “Zuckerberg xứ sở hình chiếc ủng”

Hai năm sau, BBC đưa Achilli vào loạt bài “The Next Billionaries” với nội dung phần lớn tham khảo dữ liệu của Panorama. Không lâu sau đó, Businessinsider đã có dịp trò chuyện cùng chàng trai trẻ nước Ý để hỏi về sự nổi tiếng của anh dù bản thân Achilli chưa giành được kết quả gì nổi bật. “Zuckerberg xứ sở hình chiếc ủng” chia sẻ bản thân đã tới thăm Thung lũng Silicon vào mùa hè năm 2013, “Tôi chẳng vui chút nào. Tại Mỹ, mọi người đều có một dự án khởi nghiệp riêng. Nếu bạn sở hữu công ty như vậy ở Italia, bạn là người đặc biệt”.

Thời điểm đó, Achilli đã ký hợp đồng cho phép sản xuất bộ phim “The Startup” dự định công chiếu năm 2017.

Từ năm 2014 đến khi phát hành bộ phim, Achilli tiếp tục xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông ở Ý, thậm chí chàng trai trẻ còn lọt vào danh sách “Những cái tên dưới 30 tuổi quyền lực nhất” năm 2015 của BI. Bộ phim cuối cùng đã ra mắt vào tháng này, nhưng cũng chính từ đây mà báo giới Italia quay ngoắt thái độ để khai thác từng chi tiết nhằm bóc mẽ về tính xác thực của bộ phim, xem có bao nhiêu là “huyền thoại”.

Những con số biết nói cho ta cái nhìn rõ nét về bức tranh của công ty 5 năm tuổi này.

Luca Zorloni, cây viết của tờ Wired phát hiện ra rằng, tính đến tháng 12 năm ngoái, Egomnia có 847.000 người đăng ký và đến tháng 4 năm nay thì có khoảng 1.300 công ty tham gia đang bài tìm ứng viên.

Giuliano Balestreri của Business Insider lập luận, việc Achilli nói công ty của mình giá trị 1 tỷ Euro, chỉ dựa vào quan điểm cá nhân chứ không dựa vào những số liệu cụ thể nào. Nhìn qua báo cáo tài chính năm 2005 của Egomnia, Balestreri nhấn mạnh tới doanh thu 314.000 Euro và khoản nợ 120.000 Euro. Phân nửa số đó phải chi trả cho hoạt động công ty, nên mức lãi ròng chỉ là 5.000 Euro.

Achilli trở nên nổi tiếng nhờ cơn khát của truyền thông

Chưa dừng lại ở đó, Balestreri cho biết trải nghiệm trên trang Egomnia không mấy thuyết phục vì thiếu tinh thẩm mỹ và khó sử dụng. Đó là một phần nguyên nhân vì sao nó không thể cạnh tranh với mạng lưới Linkedln chuyên nghiệp, thậm chí với cả những cái tên cùng ngành như GiantlnfoJobs.

Chiara Ugolini của tờ La Repubblica thì mỉa mai, một công ty 5 năm tuổi mà chỉ có vài chục nhân viên. Cô nói rằng, dư luận phản đối gay gắt về tính xác thực của bộ phim. Đạo diễn Alessandro D’Alatri của The Startup cũng thừa nhận với Ugolini, ông muốn lấy cốt truyện về Achilli để làm nền tảng mô tả những ngày tháng của tất cả các doanh nhân khởi nghiệp trong nước, nên việc cường điệu hóa nhân vật là điều cần thiết.

Valentina Ferrero của Diaro Innovazione cho rằng, sự hiện diện của Egomnia trên mạng xã hội rất yếu. Trang Facebook của họ chỉ có khoảng 19.000 lượt thích, còn trang Twiiter là hơn 8.000 lượt theo dõi. Chủ yếu, Egomnia tập trung vào các công cụ tìm kiếm. Ferrero chia sẻ, nhiều phản hồi trên Facebook về công ty mang tính tiêu cực.

Bộ phim The Startup lấy hình mẫu Achilli gặp phải phản ứng gay gắt từ công chúng

Trở lại năm 2012, Achilli khi đó là doanh nhân trẻ mang trong mình hoài bão lớn. Anh nhanh chóng trở thành nhân vật nổi tiếng trong lòng công chúng Italia, phần vì may mắn bởi cơn khát khao tạo nên câu chuyện khởi nghiệp có hậu của báo chí. Nền kinh tế khủng hoảng của Italia dường như giết chết hoài bão của lớp trẻ.

Thế nên “toàn hệ thống” cố bấu víu vào một câu chuyện thành công như đòn bẩy cho đất nước hình chiếc ủng đang sục chân dưới bùn. Buồn thay, khi bộ phim về người anh hùng của xứ sở mì ống lên màn ảnh nhỏ, nguyên mẫu chính là Achilli lại chưa tạo ra thành quả gì xứng đáng với kỳ vọng và với miêu tả trong phim.

Nhưng công bằng mà nói, Achilli cần nhận được sự tôn trọng và thông cảm hơn là những lời chỉ trích, giống như cây viết Balestreri của tờ BI đã nói: “Achilli là một người nổi tiếng có câu chuyện bình thường. Cậu là doanh nhân trẻ, người đã cố gắng xây dựng dự án khởi nghiệp công nghệ nhưng thất bại, giống như hàng ngàn thanh niên khác.

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close