Câu chuyệnKinh doanh

Môi trường công sở Nhật: Sếp bất công, đồng nghiệp nói xấu, họp hành triền miên

Dù có vô cùng nhiều điều để người nước ngoài ngưỡng mộ, nhưng môi trường ở đâu cũng có người làm việc chăm chỉ đến quỵ vì việc, nhưng cũng có những mặt trái, có nói xấu, thị phi, dèm pha nhau.

Novega Sarah là một người Indonesia đến Nhật đã được 7 năm. Trong khoảng thời gian này, cô học xong chương trình thạc sỹ rồi sau đó đi làm cho tập đoàn tài chính lớn của Mỹ đóng trụ sở tại Nhật. Trước khi sang Nhật, Novega đã có khoảng thời gian khá lâu làm việc tại Indonesia nên cô có thể so sánh giữa môi trường làm việc của cả hai nước.

Sau khi làm việc nhiều năm, Novega cho biết dù tất nhiên xét trên bình diện chung, môi trường làm việc ở Nhật tốt hơn ở Indonesia, cùng một công việc đó gần giống nhau về bản chất nhưng mức lương có thể được trả cao gấp 2 hoặc 3 lần, dù áp lực không nhiều đến gấp 3.

Hơn thế nữa, công ty lại trợ cấp cho cô cả tiền thuê nhà và một bữa ăn, nên lương cao nhưng chi phí cô phải bỏ ra cho cuộc sống không cao, vì vậy tiết kiệm được khá nhiều tiền. Xét trên phương diện tài chính, có thể nói là khá hoàn hảo.

Tuy nhiên cùng lúc đó, cô cảm thấy người nước ngoài bị đối xử cực kỳ thiếu công bằng. Trong cùng nhóm của cô có một số đồng nghiệp Nhật. Có người trong số họ làm việc chăm chỉ, sáng tạo luôn đúng thời hạn.

Thế nhưng cùng lúc đó có không ít người quanh năm ngày tháng không chịu làm việc, công việc của nhóm luôn phải chờ họ làm xong phần việc của mình, thậm chí chậm cả deadline nhưng họ vẫn không làm xong, khi hỏi đến lại lấy đủ lý do để bao biện. Nhưng rồi họ vẫn nhận được lương thưởng đủ và hợp đồng gia hạn.

Cùng lúc đó, đối với người nước ngoài như cô, khi hoàn thành công việc cực nhanh, trước thời hạn, người ta bảo cô làm chậm lại. Nhưng khi cô làm đúng thời hạn, họ lại nói cô có thể làm nhanh hơn được không.

Suốt 3 năm làm việc, cô chưa bao giờ để muộn deadline. Thế nhưng hợp đồng lao động của cô vẫn chỉ dừng lại ở mức 1 năm cho mỗi lần ký. Trong khi nếu là nhân viên người Nhật, họ lập tức được ký hợp đồng vô thời hạn ngay khi bước sang năm thứ 2 dù kết quả làm việc kém hơn và ai cũng thấy điều đó.

Việc ký hợp đồng mỗi năm một lần có điểm rất khắc nghiệt, đó là nếu chỉ cần cô lấy chồng sinh con, lập tức họ sẽ chỉ cho cô làm đến cuối thời hạn 1 năm của hợp đồng đó và không chấp nhận tiếp tục gia hạn. Vì thế nếu muốn sinh con, cô bắt buộc phải nghỉ việc. Công việc lương cao, đãi ngộ tốt khiến cô đành phải trì hoãn việc sinh con cho đến khi nào được ký vô thời hạn.

Anh Nguyễn Công Minh, hiện đang làm công việc kỹ thuật cho một hãng xe ở Nhật, cho biết: “Xét về căn bản, khi đã động chạm đến vấn đề tài chính, thì con người ở đâu cũng giống nhau, cũng tham, sân, si, nói xấu nhau, chơi bẩn nhau. Cùng công ty với tôi, tất nhiên có rất nhiều đồng nghiệp Nhật. Nhiều khi, tôi cảm thấy muốn phát điên vì những lời đồng nghiệp nói sau lưng tôi với sếp”.

Đó có thể là những lời kiểu như: anh ta hay đi làm muộn, anh ta đi họp không chú tâm, không chịu tham gia phát biểu ý kiến, anh ta hay làm việc riêng trong giờ lắm, anh hay đi muộn, thằng đó chưa làm xong việc đã bỏ về sớm.

“Tôi cảm thấy rất mệt mỏi vì cứ liên tục phải giải thích. Trên hệ thống của công ty có giám sát giờ đi giờ về của nhân viên, vì thế không hề khó để sếp có thể kiểm tra được tôi đi/về giờ nào. Máy tính của công ty cũng có hệ thống giám sát, vì vậy cũng không thể buộc tội tôi làm việc riêng vì tôi rất cẩn thận để không làm gì sai. Tuy nhiên, khi mà liên tiếp những lời buộc tội được rỉ tai đến sếp, tôi chắc hình ảnh của mình trong mắt sếp đã bị ảnh hưởng xấu”, anh cho biết.

Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi mà sếp gọi anh vào phòng với cáo buộc có những mối quan hệ với công ty đối thủ. Anh liên tiếp khẳng định rằng đúng là anh có quen nhân viên công ty ô tô đối thủ nhưng mối quan hệ đó bắt nguồn từ việc hai anh từng biết nhau khi còn học phổ thông ở Việt Nam và cũng không phải thường xuyên gặp gỡ. Khi gặp nhau cũng không bàn về công việc, chủ yếu là chuyện phiếm và chuyện về bạn bè chung của hai người.

Dù đã giải thích hết lời như vậy nhưng sếp vẫn có cảm giác không tin anh. Dù sau đó lương thưởng của anh không bị ảnh hưởng, nhưng anh thực sự cảm thấy mệt mỏi với kiểu dựng chuyện, thổi phồng sự thật của những người được coi là đồng nghiệp.

Anh cho biết, trong nhóm làm việc luôn có những người rất lười, nhưng đến khi vào họp họ phát biểu rất hăng và chỉ trích đồng nghiệp khác lười biếng trong khi người đó luôn cố gắng hoàn thành mọi công việc của mình trước deadline. Anh hiểu rằng sếp cũng biết họ lười bởi sếp luôn có những lời khen anh trong những lần tiếp xúc riêng, sếp cũng giao cho anh khá nhiều công việc quan trong, nhưng cùng lúc đó không bao giờ sếp sa thải hay hạ lương của họ.

Anh Diwalker Bandali là người Ấn Độ làm việc tại tập đoàn IT lớn của Nhật cũng đã nhiều năm. Công việc dù khá áp lực, thế nhưng cái anh ghét nhất là văn hóa họp hành của Nhật.

Có những tuần đến công ty làm việc nhưng thực ra nửa thời gian họp hành để kaizen (đổi mới). Có rất nhiều thứ kaizen mà chi phí bỏ ra cho nó còn cao hơn mức chi phí công ty tiết kiệm được nhưng vẫn phải làm, vì theo quan điểm của ông chủ, phải như thế hệ thống mới phát triển được.

Văn hóa họp hành quá nhiều cũng khiến cho nhiều người Mỹ làm việc tại Nhật than phiền. Thông thường giờ họp cũng tính là giờ làm việc nhưng với người Nhật họp là họp và sau khi đó vẫn phải làm đủ thời gian mình đã họp.

Ví dụ buổi họp 3 tiếng nhưng sau đó nhân viên sẽ phải làm việc bù đến 9h tối chứ không thể nào đứng lên lúc 6h chiều. Nếu người đó không tuân thủ, cả công ty sẽ nhìn anh ta như người ngoài hành tinh và khả năng không được gia hạn hợp đồng hoặc nghỉ việc cũng sẽ sớm xảy ra.

Nói vậy để thấy, doanh nghiệp Nhật dù có vô cùng nhiều điều để người nước ngoài ngưỡng mộ, nhưng môi trường ở đâu cũng có người làm việc chăm chỉ đến quỵ vì việc, nhưng cũng có những mặt trái, có nói xấu, thị phi, dèm pha nhau. Bất kỳ ai đến Nhật làm cũng không nên quá kỳ vọng vào môi trường làm việc hoàn hảo.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close