Tháng 10, tháng 11, rất nhiều người đổ lên Hà Giang, Lào Cai để chiêm ngưỡng hoa tam giác mạch. Còn chúng tôi tìm về một miền hoa tam giác mạch mới lạ, hoang sơ ẩn giữa núi rừng Lạng Sơn.
Từ Hà Nội, chúng tôi theo quốc lộ 1A đến Đồng Mỏ, rẽ vào đường 279 rồi lên quốc lộ 1B. Sau khoảng 160km, cả đoàn tìm được đến Ngã Hai để tiếp tục rẽ vào tỉnh lộ 241 về xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Đã đến trung tâm xã Trấn Yên rồi, nhưng để vào được thung lũng Lân Khoản, nơi có hoa tam giác mạch mà chúng tôi mới may mắn được một người dân chỉ, khá là gian nan vì phải cuốc bộ vượt qua khoảng 3km đồi rừng, leo hàng trăm bậc đá con đường mòn vắt qua mỏm núi.
Sau quãng đường mệt mỏi và gian truân, chúng tôi được tưởng thưởng bằng hình ảnh hoang sơ mà thơ mộng: cả một thung lũng bốn bề núi cao thăm thẳm bỗng xuất hiện nương tam giác mạch. Xa xa nơi chân núi là dê và bò nhởn nhơ gặm cỏ. Một thế giới thanh bình, tĩnh tại, tách biệt với cuộc sống ồn ã bên ngoài hiện hữu ở thung lũng Lân Khoản. Nằm ép mình bên sườn núi là vài ba túp lều nhỏ của bà con người Tày.
Họ dấn thân vào nơi hẻo lánh này để tìm miền đất hứa. Nhà nào cũng có một chuồng nho nhỏ để nhốt dê, trâu bò. Một người đàn ông trung tuổi niềm nở mời chúng tôi vào lều. Tuy được làm cao giống kiểu nhà sàn của người miền núi, nhưng chỉ có tre, nứa và tấm bạt ghép nên chủ nhân coi đây chỉ là lều ở tạm.
Thung lũng Lân Khoản 15 năm trước chẳng có bóng người. Năm 2005, một số người Tày ở Trấn Yên do không có đất sản xuất nên đã vượt núi vào đây mưu sinh. Thung lũng Lân Khoản như một cái máng nước nên có 4 tháng trong năm không thể trồng trọt được gì vì lũ. Chính vì thế mà những gia đình ở đây đều phải dựng lều cao, nhưng có năm nước vẫn ngập tới sát sàn. Để ra ngoài thôn hoặc đi chợ, chỉ còn cách đóng bè.
Tám tháng còn lại trong năm, các gia đình chung sức, dốc lòng khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất ít người biết tới. Lúc đầu mới có hai hộ vào khai hoang trồng ngô, khoai, sắn ở những thửa đất bằng phẳng. Dần dần có thêm vài hộ nữa kéo vào. Họ bắt đầu nuôi gà, vịt, trâu, bò.
Vào mùa khô, cả thung lũng bạt ngàn cỏ dại, trâu, bò, dê thả rông lớn nhanh, béo tròn. Gà ăn ngô, ăn khoai tự nhiên thành gà đồi, gà rừng. Vào những tháng nước ngập, bà con lại cùng nhau sơ tán vật nuôi lên núi.
Cùng với hoa, đàn dê chính là nguồn thu của các hộ dân |
Dần dà, qua tivi mà các gia đình người Tày biết được nuôi dê có thể cho thu nhập khá, bởi vùng đất họ tạm cư có nhiều cây cỏ. Năm 2010 chỉ một hộ nuôi dê, đến nay cả thung đã có tới 100 con của 6 hộ. Dê nuôi ở Lân Khoản lớn nhanh, sinh sản tốt nên việc gây đàn rất thuận lợi. Chỉ 3 năm, các hộ đã có dê bán.
Những người Tày hiền hậu, chất phác mà chúng tôi tiếp xúc trong chuyến vào thung hầu hết chỉ biết đọc, biết viết do phải nghỉ học từ sớm nhưng rất chịu thương chịu khó, cần cù làm lụng và đã biết dùng internet. Có mấy gia đình còn bàn nhau xuống xuôi mua gà Hồ, gà Đông Tảo về nuôi.
Cũng từ sự mạnh dạn làm cái mới mà những nương hoa tam giác mạch ra đời. Dân đi phượt và khách du lịch vô cùng ngỡ ngàng và thích thú khi thấy hoa tam giác mạch bung nở giữa thung lũng Lân Khoản, bởi trước đây mới chỉ biết đến hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Và càng hấp dẫn hơn khi toàn bộ hoa tam giác mạch ở đây chỉ một màu trắng, đẹp đến tinh khôi, khác biệt với hoa tam giác mạch ở Lào Cai, Hà Giang thường có màu hồng phớt.
Tam giác mạch có tên gọi khác là kiều mạch, hay mạch ba góc. Ở Việt Nam, tam giác mạch phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nhất là Hà Giang. Tam giác mạch thân thảo, cao 30 – 80cm, phân cành, lá hình tim, hoa mọc ở nách lá và ngọn.
Tháng 10/2014, vài thanh niên ở Lân Khoản rủ nhau lên Hà Giang xem hoa tam giác mạch. Họ mê mẩn bởi vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của loài hoa mang hồn núi rừng này, nên đã tìm mua hạt giống về gieo thử ở thung. Tam giác mạch thường nở rộ 2 đợt: vào tháng 4 và tháng 10 – 11 dương lịch hằng năm.
Thật là trùng hợp: 2 thời điểm đó ở thung lũng Lân Khoản không bị ngập nước. Cây tam giác mạch dễ sống, dễ phát triển nên hầu như không phải chăm sóc gì nhiều, chỉ phải canh gia súc. Đầu năm 2015, đã có 100kg hạt giống tam giác mạch được gieo giữa lòng thung. Chỉ sau thời gian ngắn, tam giác mạch đã nở trắng một vùng rừng núi.
Khi hoa chuẩn bị nở, nhóm bạn trẻ lên Hà Giang mua hạt ngày nào bắt đầu đưa thông tin lên mạng, từ đó ở Lạng Sơn cũng có hoa tam giác mạch lan rộng, thu hút trước tiên dân phượt. Có công gieo trồng, trông coi nên dân Lân Khoản bàn nhau thu phí 20 ngàn đồng một lần đối với những ai muốn vào chụp ảnh, riêng học sinh, sinh viên thì miễn phí. Với những đôi bạn trẻ vào chụp ảnh cưới thì trả cho chủ nương hoa 100 ngàn đồng.
Do vào Lân Khoản đường sá khó khăn, nên nhiều khách ở xa thường phải ở lại ăn cơm trưa. Có gà đồi và rau nhà trồng, nên gia chủ làm cơm bán cho khách. Tuy mới chỉ manh nha làm du lịch nhờ hoa tam giác mạch, nhưng ngay mùa đầu tiên 2015, mỗi nương hoa đã cho thu nhập hơn 10 triệu đồng, đến mùa thứ 2, vào tháng 4/2016 đã tăng lên 25 triệu đồng, đó là chưa kể việc làm cơm trưa cho du khách.
Thanh niên miền xuôi chiêm ngưỡng hoa tam giác mạch ở Lân Khoản |
Tháng 10/2016, khi chúng tôi đến Lân Khoản, đã thấy du khách khá đông. Họ chụp ảnh, tham quan rồi vào các lều đặt cơm. Dùng bữa với gà rừng, cơm nếp nương và rau sạch giữa khung cảnh toàn hoa tam giác mạch.
Tam giác mạch ở Lân Khoản đã cho các gia đình cả tấn hạt để làm bột. Bột hoa tam giác mạch thêm trứng gà và hành, rán thành bánh, là một món ăn khoái khẩu.
Chúng tôi đã được ăn bánh rán từ bột tam giác mạch do gia chủ khoản đãi. Quả thực món bánh này ngon và lạ miệng, một số bạn trẻ thích thú ăn thay cơm trưa. Nếu ai muốn mua mang về thì trả 25 ngàn đồng một ký. Vì thế mà nhiều gia đình thu về vài triệu đồng từ việc bán bánh. Tháng 10 dương lịch, khá nhiều khách từ Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn đổ về Lân Khoản để tìm một mùa hoa tam giác mạch mới, hoang sơ và huyền diệu.
Những khoảng đất trống giữa thung lũng Lân Khoản đang được người dân cày xới để gieo tam giác mạch. Chắc chắn đến mùa hoa năm 2017 sẽ thấy cả một vùng thung lũng hoa tam giác mạch với đủ cả màu trắng tinh khôi lẫn mầu hồng phớt quyết rũ. Nhờ có dê, gà và hoa tam giác mạch mà những người Tày mạnh dạn vào thung sâu tìm kế sinh nhai đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, đang dần khấm khá…