Kinh tế vĩ môThời sự

Nâng chất khởi nghiệp và vai trò của Chính phủ

Hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2016 khá nổi bật với nhiều hoạt động liên quan. Đặc biệt là có sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo nhà nước cũng như truyền thông. Số lượng nhà đầu tư giai đoạn đầu (early stage) cũng tăng lên và số thương vụ cũng có tăng. Một số công ty đã gọi được vốn ở vòng Serie C với số tiền lên đến hàng chục triệu USD.

Song, nếu xét trong phạm vi khu vực thì hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là việc kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm có phần chững lại so với mọi năm. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng kinh tế chung toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Tại Việt Nam, số thương vụ gọi vốn thành công của các startup trong năm 2016 khá nhiều, đặc biệt có một vài thương vụ lớn như trường hợp Công ty CP M-Service, đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo đã công bố nhận khoản đầu tư 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Tuy vậy, số startup nhận được đầu tư so với tổng số startup thì vẫn còn khá khiêm tốn (Việt Nam hiện có khoảng 1.500 startup).

Để hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và mang tính thực chất, theo tôi, Chính phủ có thể đóng vai trò là nhà đầu tư ban đầu, cụ thể là hỗ trợ một phần kinh phí giống như các nước Singapore, Malaysia hay Israel đã làm.

Chẳng hạn với Israel, đầu những năm 1990 – thời điểm không có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, Chính phủ đã thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm và phối hợp với khu vực tư nhân. Ở đây, Chính phủ đóng vai trò bỏ vốn, còn tư nhân lĩnh trách nhiệm giám sát và điều phối hoạt động đầu tư. Nếu quỹ hoạt động hiệu quả, khu vực tư nhân có thể mua lại các quỹ này, ngược lại, nếu thua lỗ, nhà nước sẽ gánh phần rủi ro.

Cho đến cuối những năm 1990, chính phủ Israel không còn tham gia vào hoạt động khởi nghiệp theo hình thức này vì hệ sinh thái khởi nghiệp đã hoàn chỉnh và hiện Israel là quốc gia thu hút đông đảo các quỹ đầu tư mạo hiểm, tập đoàn công nghệ lớn đến từ Mỹ.

Với hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam, tôi nghĩ Chính phủ nên đóng vai trò tạo ra môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp thì tự khắc hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ hình thành. Ví dụ như hành lang pháp lý đơn giản hơn cho việc thành lập, tăng vốn hoặc gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, bỏ bớt các giấy phép con đang làm khó các doanh nghiệp (đặt biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp), làm rõ hơn các vấn đề mà nhiều người quan tâm như thuế để giúp cho nhiều cá nhân có tiền sẵn sàng đầu tư vào khởi nghiệp hơn.

Bởi, một trong những yếu tố tác động đến sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp là có nhiều vướng mắc về chính sách cản trở dòng vốn ngoại vào Việt Nam (quản lý ngoại hối, quy chế đầu tư nước ngoài…). Chính những thủ tục rườm rà dẫn đến chi phí cho một khoản đầu tư khá lớn và mất nhiều thời gian.

Điều này xem ra quá sức với công ty khởi nghiệp vì trong giai đoạn khởi đầu, họ cần tập trung nguồn lực để phát triển sản phẩm và chăm sóc cộng đồng người dùng của mình. Việc mất 6 tháng đến một năm mới hoàn tất thủ tục đầu tư thì khi hoàn tất đầu tư cũng là lúc sản phẩm lạc hậu với thời cuộc và dễ “chết” do sự thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm internet và công nghệ.

Ngoài ra, quy mô nền kinh tế còn khá khiêm tốn, sức mua của người dân chưa cao, rủi ro pháp lý lớn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn ngại đầu tư vào doanh nghiệp nội. Hơn nữa, Việt Nam đang thiếu kênh thoái vốn cho nhà đầu tư và đây là vấn đề lớn với một nhà đầu tư.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường có chiến lược đầu tư dài hạn, từ 3 – 7 năm. Thông thường, sau 5 năm thì Quỹ sẽ tính đến việc thoái vốn. Thoái vốn trong một doanh nghiệp khởi nghiệp là một quá trình dài và đòi hỏi nhiều thời gian, đặc biệt khi hệ sinh thái của khởi nghiệp và đầu tư chưa được hình thành đầy đủ như ở Việt Nam sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn đó.

Nhìn chung, ở góc độ quỹ đầu tư mạo hiểm, tôi nhận thấy, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Sản phẩm khởi nghiệp khá hạn chế, các nhóm khởi nghiệp trong nước thường nhắm vào các lĩnh vực như game, thương mại điện tử. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các trang B2C phát triển khá nhanh. Không ít người đặt nghi vấn, liệu thương mại điện tử có còn hấp dẫn nhà đầu tư bỏ vốn?

B2C nói chính xác ra sẽ có 3 mảng, B2C marketplace như Vatgia, Chodientu, Lamido… và Retail B2C như Tiki, Lazada hoặc Vertical B2C như Thegioididong, Zalora.

Với mảng B2C marketplace thì nhận được không ít khoản đầu tư từ các quỹ lẫn các Angel Investors (nhà đầu tư thiên thần), ngay như CyberAgent Ventures cũng đã đầu tư vào Vatgia, còn với Retail B2C thì đã có Tiki. Nếu có tìm kiếm, thì CyberAgent Ventures sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp làm Vertical B2C (đó là nói đến hàng hoá vật chất).

Mở rộng ra, thì các website đặt phòng khách sạn, vé máy bay trực tiếp quản lý đơn hàng cũng được hiểu là B2C như Agoda, Mytour, Chudu, Yesgo hoặc Vexere… cũng là mảng rất tiềm năng.

Trong khi đó, khi các thiết bị thông minh ngày một phổ biến thì C2C cũng là một mảng rất tiềm năng nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp biết xây dựng và khai thác đúng, các quỹ đầu tư như CyberAgent Ventures cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào mảng này.

Bước sang năm 2017, tôi cho rằng, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ tiếp tục sôi nổi theo kiểu phong trào, truyền thông và mọi người sẽ nói nhiều hơn về khởi nghiệp nhưng tôi không chắc chất lượng sẽ thế nào và số lượng thành công ra sao. Nếu Việt Nam có thể tháo gỡ được những vướng mắc mà tôi đã đề cập sẽ là chất xúc tác lớn để hoạt động khởi nghiệp đi vào thực chất.

NGUYỄN MẠNH DŨNG – Trưởng đại diện, GĐ Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close