Vì người thành công là người tạo ra xu hướng, chứ không phải người cứ mãi chạy theo xu hướng và đám đông.
“Bắt chước là hình thức chân thành nhất của xu nịnh”.
Tôi đã từng rất ghét câu nói này, kể cả bạn có dùng để tự an ủi bản thân hay một số người khác chỉ nói để biện minh cho hành động của họ. Và may mắn thay, trong kinh doanh, dù việc sao chép ý tưởng có vẻ dễ dàng, nhưng nếu muốn thành công nhờ một sản phẩm đi ‘copy’ lại là một con đường gian nan.
Chắc bạn còn nhớ HP đã cho ra dòng TouchPad được ‘copy-cat’ từ chiếc iPad của Apple nhưng rồi thất bại với những điều chỉnh tốn kém cả triệu đôla, hay Microsoft cũng không thành công khi cạnh tranh với iPod với việc tung ra sản phẩm tương tự – thiết bị truyền thông kỹ thuật số Zune. Mà đó còn là những công ty có đầy đủ tiềm lực để tạo ra những ‘bản sao’ thực sự ấn tượng.
Ở một mức độ nhỏ hơn trong kinh doanh, tôi nghĩ mọi người đều có một đối thủ cạnh tranh thị trường bằng cách sử dụng những sản phẩm ‘nhái lại’ đầy nhạt nhẽo thay vì tự tạo ra điều gì đó là nguyên bản sáng tạo của chính họ. Những đối thủ này khiến chúng ta khó chịu, tuy nhiên, một người lãnh đạo giỏi sẽ đưa ra được nhận định rằng những đối thủ này thực chất chỉ đang đi trên lối mòn và rất khó để thành công lâu dài nhờ những sản phẩm đi ‘copy’.
Những đối thủ bạn thật sự cần phải cẩn trọng chính là những người không bao giờ cố copy hay đưa ra một sản phẩm tương tự với ta. Họ không phải những kẻ chuyên rình mò và bắt chước. Họ dành thời gian cho việc nghiên cứu thị trường, tìm ra yếu điểm của những đối thủ khác, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và rồi đưa ra những sản phẩm ưu việt hơn trong tương lai.
Những đối thủ mạnh thật sự sẽ không ‘chầu chực’ để copy từ bạn đâu.
Đó là lí do khiến tôi bây giờ không buồn ‘vò đầu bứt tai’ với những kẻ chuyên chạy sau ‘ăn sẵn’ của mình nữa. Tôi dành thời gian, tiền bạc và năng lượng vào việc phát triển công việc và tối ưu hóa sản phẩm của mình. Tôi hiểu rằng những đối thủ mạnh thật sự của mình cũng không tốn thời gian để chực chờ tôi ra sản phẩm rồi cải tiến nó mà họ chỉ quan tâm đến việc biến sản phẩm của họ thành sự lựa chọn tốt nhất trên thị trường mà thôi.
Hãy nhớ rằng, bạn là người tiên phong không có nghĩa là bạn sẽ có được thành công. Apple không phải công ty đầu tiên làm ra smartphone, Facebook cũng chẳng phải mạng xã hội đầu tiên, Tesla chẳng phải là chiếc ô tô điện đầu tiên, hay Google cũng chẳng phải công cụ tìm kiếm đầu tiên xuất hiện.
Những nhà lãnh đạo tài ba luôn cố gắng đổi mới doanh nghiệp của mình, khiến nó trở nên nổi bật và luôn tìm kiếm những ý tưởng mới. Họ nhiệt tình học hỏi và lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng không ‘cướp’ lấy công sức của người khác rồi cải tiến lên. Họ là những người dẫn đầu chứ không phải những kẻ chỉ biết theo đuôi người khác, và họ sẽ tập trung để cho ra những sản phẩm tốt nhất cũng như những dịch vụ hàng đầu.
Để tôi cho bạn vài gợi ý về những điều nên làm, thay vì tốn thời gian lo lắng về những đối thủ chuyên đi ‘copy-cat’:
Tập trung vào khách hàng: Có nhiều công ty quá mải mê tập trung vào chuyện cạnh tranh mà quên mất đối tượng trung tâm của mình. Hãy nhớ, khách hàng luôn là đối tượng trung tâm, là lí do tồn tại và phát triển của công ty, chứ không phải đối thủ.
Tạo ra những kênh mở về phản hồi: Những ý tưởng hay thường tới từ chính những khách hàng, cổ đông, đối tác và đôi khi cả chính nhân viên của chúng ta. Không cần làm nghiên cứu thị trường ở đâu xa, chỉ cần dạo qua những kênh phản hồi của khách hàng, chúng ta sẽ biết phải làm gì.
Chú ý tới những xu hướng đang nổi: Công nghệ hiện đại đang dần thay đổi bộ mặt của nhiều ngành công nghiệp. Hãy theo dõi những xu hướng đang nổi này để áp dụng một cách hợp lý vào doanh nghiệp cũng như nắm bắt được thị trường.
Luôn sẵn sàng thay đổi: Đừng cho rằng lợi thế cạnh tranh bạn có ngày hôm nay sẽ kéo dài mãi mãi. Sẽ luôn có ai đó có thể làm tốt hơn như thế. Ngủ quên trên chiến thắng chính là mối nguy có thể sẽ đẩy bạn và doanh nghiệp của mình vào vòng xoáy mà bạn sẽ mãi là kẻ theo sau. Hãy luôn sẵn sàng thay đổi để tốt hơn, nếu không muốn bị thay thế.
Theo Trí Thức Trẻ