Câu chuyệnKinh doanh
Ngân hàng đối mặt “bão công nghệ”
Với những đề án như thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy và phát triển tài chính toàn diện hay yêu cầu nâng tỷ trọng thu nhập dịch vụ theo Đề án 1058 cũng sẽ giúp các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu và gia tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ, từ đó giúp lợi nhuận có thể tăng bền vững.
Ảnh: QH |
Năm 2017 là năm có hàng loạt chính sách được Nhà nước ban hành với mục đích hỗ trợ tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có thể chia thành 3 nhóm chính: nhóm ngân hàng kinh doanh hiệu quả, nhóm ngân hàng kinh doanh ở mức trung bình, nhóm ngân hàng kinh doanh yếu kém, cần xử lý.
Điều đặc biệt là có những chính sách ra đời hỗ trợ cho cả ba nói trên cũng như hỗ trợ riêng cho từng nhóm.
Chính sách thuận lợi
Nợ xấu không chỉ đã giảm trong bối cảnh các ngân hàng tích cực thu hồi và xử lý, mà hàng loạt giải pháp căn cơ từ chính sách đã thúc đẩy lộ trình này. Nghị định 61/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, rồi đến Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép các ngân hàng thêm quyền tự quyết trong việc thu giữ và chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm và bán thanh lý nợ xấu cùng tài sản đảm bảo theo giá thị trường được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng càng đẩy nhanh tiến độ xử lý “cục máu đông” này.
Về các chỉ tiêu an toàn, sau khi hoãn thời hạn áp dụng Basel 2 đến năm 2020 giúp các ngân hàng giảm áp lực tăng vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giãn thời hạn áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đến năm 2019, theo đó từ đầu năm 2018, tỷ lệ này được giảm xuống 45% thay vì 40% như quy định ban đầu.
Quy định này đã giúp các ngân hàng không phải tăng cường huy động vốn bằng mọi giá, từ đó tạo điều kiện để ổn định mặt bằng lãi suất. Trong khi đó, những ngân hàng yếu kém có thể được phép không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro, mà còn được phép thực hiện theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Theo Đề án 1058 về tái cấu trúc ngành ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 đối với các NHTM do Nhà nước năm giữ trên 50% vốn điều lệ, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel 2 vào năm 2020. Đây được xem là chính sách hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, như Vietcombank, Vietinbank, BIDV khi thời gian qua phải chịu áp lực vừa trả cổ tức vừa cân đối lợi nhuận để dành nguồn lực tăng vốn.
Đến gần cuối năm, Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua đã tạo ra hành lang pháp lý giúp các ngân hàng yếu kém có cơ hội triển khai các giải pháp trong Đề án 1058. Theo đó, những ngân hàng yếu kém và những ngân hàng hỗ trợ hoặc nhận chuyển giao bắt buộc có cơ hội nhận được những biện pháp hỗ trợ từ NHNN, theo đó có thể tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Vẫn còn đó những thách thức
Thứ nhất là sự cạnh tranh sẽ ngày càng tăng lên từ các mô hình công nghệ tài chính mới (fintech), mà theo một số dự báo cho thấy sẽ ảnh hưởng đáng kể lên các mô hình giao dịch truyền thống của ngân hàng.
Các dịch vụ của mô hình fintech như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tư vấn tài chính, dịch vụ thanh toán hay tiền tệ số đã phát triển mạnh trên thế giới, dù ở Việt Nam chỉ mới sơ khai nhưng đang cho thấy tiềm năng tăng trưởng với tốc độ rất nhanh và có thể sớm là một đối thủ đáng gờm với các dịch vụ của ngân hàng hiện nay.
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 70 công ty fintech đang hoạt động trên các mảng dịch vụ của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tuy nhiên với sự đột phá và cập nhật công nghệ liên tục đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nhóm này và ngày càng gây sức ép lên hoạt động của các ngân hàng.
Chính vì vậy, các ngân hàng hoặc phải sớm phát triển các mô hình công nghệ tài chính riêng hoặc cần hợp tác với chương trình fintech để cùng cộng sinh và gia tăng năng lực cạnh tranh theo kịp xu thế và các công nghệ mới trong các dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Thứ hai là hành lang pháp lý về việc xử lý nợ xấu đã được mở rộng nhưng việc xử lý nợ xấu sẽ phụ thuộc vào việc liệu một thị trường mua bán tài sản nợ có sớm được hình thành và vận hành hiệu quả. Nếu không thu hút những người mua tiềm năng, đặc biệt là các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài thì công cuộc xử lý nợ xấu sẽ vẫn còn khó khăn.
Thứ ba, việc tăng vốn tiếp tục là vấn đề của nhiều ngân hàng trong những năm sắp tới. Dù NHNN đã hoãn áp dụng Basel 2 cho đến năm 2020, nhưng 2 năm ngắn ngủi sắp tới không phải rộng rãi gì đối với một số ngân hàng buộc phải tăng vốn để đáp ứng chỉ tiêu an toàn vốn theo tiêu chuẩn mới.
Nguồn lực tài chính trong nước có hạn, nguồn lực nước ngoài bị hạn chế trước các quy định tỷ lệ sở hữu, trong khi dòng vốn đầu tư phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thì việc một loạt ngân hàng phải tăng vốn trong cùng thời điểm càng khiến áp lực cạnh tranh cao hơn. Do đó, không loại trừ sẽ có thêm những thương vụ hợp nhất, sáp nhập để giảm số lượng tổ chức tín dụng, gia tăng năng lực tài chính, quy mô của các ngân hàng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thứ tư là các thị trường tài sản khác như chứng khoán và bất động sản đang tăng trưởng tích cực sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi của các tổ chức tín dụng khiến việc huy động vốn của các ngân hàng có thể gặp nhiều khó khăn hơn.
Đặc biệt với chủ trương phát triển mạnh thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chính sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tiếp cận vốn qua kênh này mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào việc vay ngân hàng như trước đây, cộng thêm định hướng giảm dần lãi suất cho vay về 5% đến 2020 thì khi đó lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.
HỒ LÊ