Câu chuyệnKinh doanh

Ngành bất động sản đầu tư mạnh về truyền thông

Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), các doanh nghiệp (DN) có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh trên truyền thông thuộc về nhóm chủ đầu tư với một số tên tuổi nổi bật như Vingroup, Novaland, Nam Long, C.E.O, Him Lam…

 

Ngành bất động sản đầu tư mạnh về truyền thông

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và sự lan rộng của internet, ngày nay  truyền thông đã trở thành “mũi nhọn” mới trong chiến lược giúp tạo dựng uy tín và hình ảnh hiệu quả, rõ nhất là qua hoạt động của thị trường BĐS thời gian qua.

BĐS phủ sóng truyền thông

Ngoài Vinamilk và một số thương hiệu của các tập đoàn đa quốc gia, có thể khẳng định, đầu tư cho truyền thông nhiều nhất trong thời điểm hiện nay là các DN ngành BĐS. Chưa có số liệu thống kê cụ thể mỗi năm các DN BĐS dành bao nhiêu kinh phí cho các hoạt động quảng bá trên truyền thông nhưng nhìn tần suất xuất hiện dày đặc trên truyền thông có thể thấy DN BĐS quan tâm vấn đề này như thế nào.

Án ngữ trên các trang báo giấy và báo điện tử là các thương hiệu Novaland, Vingroup, Him Lam… Chẳng hạn như trên Báo Doanh Nhân Sài Gòn, các trang quảng cáo của DN BĐS chiếm tỷ lệ không nhỏ trong mỗi số báo. Ngoài quảng cáo bằng hình ảnh, bài PR, thông tin của DN ngành này còn xuất hiện thường xuyên trên các chuyên mục, các bài báo ở nhiều góc độ.

Theo nghiên cứu vừa được Vietnam Report công bố, trong lĩnh vực BĐS, các DN có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh trên truyền thông thuộc về nhóm chủ đầu tư với một số tên tuổi nổi bật như Vingroup, Novaland, Nam Long, C.E.O, Him Lam…, hay các nhà thầu xây dựng lớn như Coteccons, Hòa Bình Corp…

Sự xuất hiện trên truyền thông với những thông tin tích cực góp phần không nhỏ vào việc tạo lập sự tự tin cho DN và niềm tin nơi khách hàng. Nhờ đó, uy tín thương hiệu của DN ngày càng được nâng cao, qua đó góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh cho DN.

Năm 2017, các DN BĐS tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Điển hình như Công ty CP Đầu tư Nam Long đạt doanh thu 3.161 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2016. Chỉ riêng trong quý IV/2017, công ty này đã đạt 1.524 tỷ đồng doanh thu, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức đạt 1.945 tỷ đồng, tăng đến 170% so với năm 2016. Tương tự, Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016.

Thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty tư vấn đều cho thấy thanh khoản tích cực của thị trường BĐS trên tất cả các phân khúc, từ căn hộ cao cấp, đất nền cho đến BĐS nghỉ dưỡng và văn phòng cho thuê. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam ước tính có khoảng 21.000 giao dịch thành công tại Hà Nội và hơn 41.000 giao dịch tại TP.HCM thành công trong năm 2017.

Ba chìa khóa chinh phục khách mua nhà

Theo các chuyên gia, uy tín sẽ là bài toán bức thiết đối với các DN BĐS trong thời gian tới. Bởi ngành BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới sẽ là ngành gắn liền với công nghệ 4.0. Bên cạnh phương thức tiếp thị truyền miệng truyền thống, khách hàng dần tiếp cận thông tin qua mạng internet nhiều hơn. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có đến hơn 50% khách hàng được hỏi cho biết họ tìm kiếm thông tin ở các chuyên trang về nhà đất trên internet và các diễn đàn trên mạng, mạng xã hội.

Sự tác động của công nghệ 4.0 cũng sẽ dần thay đổi hoạt động kinh doanh của những DN này. DN phải trở nên “đa năng” hơn, hiện đại hơn. Những DN trước đây chỉ phụ trách một mảng thì nay có thể tính đến việc phát triển ở những lĩnh vực khác để sinh lời nhiều hơn, với sự hỗ trợ từ công nghệ, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Điển hình như sự xuất hiện của mô hình D&B (thiết kế và thi công) trong vài năm trở lại đây ở nước ta.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, uy tín của DN trên truyền thông là một trong ba lý do khiến khách hàng chọn sản phẩm, dịch vụ của DN trong ngành BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng.

Trong đó, hai yếu tố quyết định là DN liên tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau (70%) và xuất hiện những đánh giá tích cực về hoạt động kinh doanh của DN (67,5%). Ở góc độ DN, chất lượng công trình, năng lực tài chính, tầm nhìn thương hiệu dài hạn là ba mục tiêu DN đánh giá là quan trọng nhằm giữ vững vị thế và nâng cao uy tín.

Và khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, thông tin công bố trên thị trường ngày càng minh bạch và có tính thời sự, các chủ đầu tư và nhà thầu sẽ ngày càng phải quan tâm đến sự bền vững và lâu dài của các dự án, công trình xây dựng. Theo các chuyên gia, trong năm 2017, chất lượng sản phẩm đầu ra đã được nâng cao, phẩm chất của nhà đầu tư, nhà quản lý, các nhà thầu, công nghệ, thiết bị xây dựng hiện đại và cái tâm của người làm nghề đều được thể hiện rõ nét.

Dưới áp lực cạnh tranh gia tăng cả trong nước lẫn quốc tế, trong thời gian tới, các DN hoạt động kém hiệu quả sẽ dần bị loại bỏ. Để có thể trụ vững trên thị trường, các chủ đầu tư bắt buộc phải chứng minh năng lực thực sự, các nhà thầu xây dựng cũng cần liên tục cải thiện chất lượng, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong các dự án, công trình.

THANH NGÂN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close